Những tiêu chí xét trả trợ cấp hưu trí gồm:
(i) khi người lao động đạt ngưỡng tuổi về hưu (độ tuổi này sẽ tăng với từng năm sinh cho đến mức 67 tuổi từ nay đến năm 2031);
(ii) khi mức thu nhập cũng như tài sản của người về hưu không đủ chi trả mọi nhu cầu tối thiểu nhất, ví dụ thực phẩm, quần áo, nước nóng và tiền nhà;
(iii) thu nhập và tài sản của người bạn đời cũng không đủ để vừa tự lo cho bản thân, vừa tự lo thêm cho người kia – được tính kể cả hai người không đăng ký kết hôn trên luật pháp.
Mọi khoản thu nhập đều được Sở Xã Hội tính để xét duyệt trợ cấp: từ tiền cho thuê nhà, thuê đất, thu nhập từ các khoản đầu tư như tiền lời, tiền trợ cấp chăm nuôi của người vợ/chồng đã ly hôn. Chỉ trừ ra 100 Euro từ trong khoản lương hưu là không bị tính, gọi là được miễn. Quy định này được áp dụng cho tất cả các loại tiền an dưỡng tuổi già như tiền hưu tư nhân, tiền hưu Riesterrente và Rüruprente hay tiền tình nguyện đóng vào quỹ hưu trí.
Nếu tiền hưu đóng theo dạng Riesterrente cao hơn 100 Euro, sẽ được trừ tiếp thêm 30% từ mức chênh lệch mà không bị tính vào thu nhập. Ví dụ nếu mức lương Riesterrente là 190 Euro/tháng thì sẽ có 130 Euro không bị tính vào thu nhập. Tổng mức được miễn trừ này không được vượt quá 50% của mức quy định 424 Euro, nghĩa là tổng cộng chỉ được đến 212 Euro là miễn trừ vào thu nhập. Tất nhiên, Sở Xã Hội sẽ không tính toàn bộ tổng mức thu nhập, mà sẽ trừ trước các khoản thuế và đóng góp xã hội, các loại bảo hiểm khác như Haftpflichtversicherung, Hausratversicherung v.v…
Vì trợ cấp lương hưu là dành cho người khó khăn về tài chính, vì vậy nếu người về hưu sở hữu tài sản riêng, thì trước tiên phải sử dụng gần như toàn bộ số tài sản đó của mình để chi trả cho cuộc sống. Khi đệ đơn xin trợ cấp, người hưởng hưu chỉ được quyền sở hữu một căn nhà với giá trị ở mức vừa phải, nhưng phải đích thân ở trong đó hoặc sinh sống cùng người thân tại đó. Ngoài ra, nhà nước Đức cũng cho phép người hưởng hưu được giữ lại một chút tài sản phòng thân. Từ năm 2017 thì số tài sản này quy đổi ra tiền là 5.000 Euro.
Theo Luật xã hội thì ngoài tiền mặt, tất cả những đồ vật mỗi cá thể sở hữu mà có thể sinh sôi thành tiền đều gọi là tài sản, bao gồm: tiền đầu tư và gửi ngân hàng, các loại chứng khoán, các hợp đồng xây dựng, hợp đồng bất động sản, các loại quà tặng giá trị, quyền thừa kế, các loại nhà cửa, bất động sản, thậm chí tranh ảnh, đồ trang sức và xe con. Sở Xã Hội sẽ kiểm tra xem tài sản nào có thể mang bán thành tiền để sử dụng và tài sản nào thuộc tài sản phòng thân. Ví dụ một số tài sản được thừa kế là bảo vật của gia đình thì không thể mang bán, hoặc những vật là đồ dùng cho nhu cầu văn hóa, văn nghệ, có giá trị về mặt tinh thần, nghệ thuật và khoa học, ví dụ các loại nhạc cụ thì người xin trợ cấp cũng được giữ lại.
Bình Minh
© 2024 | Thời báo ĐỨC