Cuộc khủng hoảng kinh tế đang lan khắp châu Âu đang để lại những hậu quả nặng nề, khi số người gia nhập đội ngũ thu lượm phế liệu tại thành phố Berlin (Đức) đang ngày càng đông, tạo ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt.
Do có chính sách khuyến khích tái chế và bảo vệ môi trường, kể từ năm 2003, chính phủ Đức tài trợ cho những cửa hàng bán lẻ một khoản ngân sách để trả cho các chai, hộp đã qua sử dụng trả lại cho cửa hàng mỗi chiếc từ 8 cent đến 25 cent (euro).
Giờ đây, công việc này ở Berlin đang trở thành một cuộc cạnh tranh khi ngày càng có nhiều lao động mới gia nhập.
Ảnh: DPA
“Người ta uống xong là vứt chai đi, vậy thì tại sao lại không kiếm chút tiền”, Gunther, 61 tuổi, một trong nhiều người về hưu ăn lương đang phải tự trang trải bằng việc thu gom phế liệu, giải thích về công việc của mình.
Là cựu công nhân cơ khí, ông buộc phải về hưu sớm vì bệnh và đã đi thu gom chai lọ được vài năm qua. Gunther cho biết mức lương hưu 700 euro (920 USD) mỗi tháng không đủ đáp ứng các tiêu chuẩn sống tối thiểu.
Với 5 euro mỗi ngày kiếm được từ việc thu gom chai lọ, ông có thêm tiền mua cái ăn cái uống.
Cả năm tôi làm thế này, tùy thuộc vào tâm trạng”, Gunther cho rằng nghề nghiệp mới, ngoài kiếm thêm thu nhập, nó còn giúp ông có thêm sự tiếp xúc xã hội:
“Tôi gặp đủ loại người, khá là lý thú. Tôi từng đi làm việc ở một viện bảo tàng được một thời gian, nhưng tôi suýt chết vì cô đơn ở đó”.
Hiện Berlin, thủ đô giàu truyền thống của Đức và là một trong những thành phố hiện đại nhất thế giới hiện đang ngập trong nợ nần và có tỉ lệ thất nghiệp lên tới 13%. Cùng với việc tăng các hợp đồng thời vụ và mức lương thấp hơn, những người ăn lương hưu ở Berlin đang phải sống sót với các khoản tiền ngày càng còm cõi.
Năm 2009, khoảng 57.500 trong tổng dân số 648.000 người nhận lương hưu ở Berlin phải nhận thêm trợ cấp xã hội mới đủ sống, tiêu tốn của chính quyền liên bang và bang tổng cộng 318 triệu euro, tăng 42,5% so với năm 2006.
Sabine Werth, thuộc tổ chức thiện nguyện Berliner Tafel, cho hay từng có thời việc đi nhặt đồng nát bị coi là nỗi hổ thẹn ở Berlin, nhưng đói thì đầu gối phải bò, giờ đây chẳng ai còn thấy xấu hổ, đặc biệt là những ai đã thất nghiệp quá lâu hoặc đang lay lắt qua ngày với khoản lương hưu chết đói.
“Với những người già, công việc này còn có thể cho họ cảm giác cuộc đời vẫn đáng sống”, Werth nói. “Họ có lý do để ra khỏi nhà, tiếp xúc với mọi người và góp phần làm sạch môi trường”.
Tuy nhiên, các nhà xã hội học cảnh báo về vấn đề vệ sinh, sức khỏe cho người già và tình trạng quá tải của hệ thống phúc lợi. Tất nhiên, với Uwe (không phải tên thật), 64 tuổi, những mối lo đó là không đáng bận tâm. Thất nghiệp và đang bị tiểu đường, ông đã đi săn tìm chai lọ ở các thùng rác và sân vườn tại quận Kreuzberg, Berlin được hai năm qua. “Tôi thật sự cần tiền vì trợ cấp thất nghiệp không đủ sống”, Uwe nói với một túi đầy những chai rỗng trên tay.
“Tôi cho rằng đây dẫu sao cũng là một việc lương thiện và giúp làm sạch đường phố. Tôi cũng giảm cân đôi chút nhờ đi bộ nhiều”.
© 2024 | Thời báo ĐỨC