'Mỗi người Đức chúng tôi đều có trách nhiệm giáo dục trẻ!'
Việc nuôi dạy trẻ ở Đức rất đặc biệt. Một anh chàng Việt sống tại Đức từng trải nghiệm câu chuyện về dạy trẻ như thế này bên nước bạn: Một lần, anh đi chơi cùng cô bạn người Đức. Đến một dòng sông, họ nhìn thấy một cậu bé đang câu cá. Bên cạnh cậu bé có tới hai chiếc cần câu.
Bạn cần biết rằng ở Đức, nếu muốn câu cá thì sẽ cần giấy phép. Mỗi người cũng sẽ chỉ được sở hữu duy nhất một chiếc cần câu. Thậm chí, nếu cá câu được nhỏ quá, người câu sẽ phải thả cá lại (để bảo vệ hệ sinh thái). Vì thế, mỗi khi đi câu, người câu cá ở đây phải mang theo thước để đo chiều dài cá như điều bắt buộc.
Điều mà cô bạn Đức đã làm là 'tra hỏi' cậu bé kia chẳng khác nào một viên cảnh sát. Cô tiến đến cậu bé với giọng không vui: “Sao cháu lại có tới hai chiếc cần câu?”.
Cậu bé ngơ ngác đáp: “Cháu câu cá với bạn cháu ạ. Cậu ấy vừa đi vệ sinh”.
Cô không rời đi ngay mà cẩn trọng đứng đợi cậu bé kia trở về. Quả nhiên một lúc sau, cậu bé đi vệ sinh trở lại và cô đã được nghe một lời nói thật. Cô hỏi tiếp: “Thế các cháu có giấy phép câu cá không? Đưa cô xem”. Hai đứa trẻ ngoan ngoãn móc giấy phép trong túi ra đưa: “Có ạ, cô xem này”.
“Thế hai cháu có mang theo thước không?”. Cô bạn Đức lại hỏi. “Cháu có mang ạ” - hai đứa trẻ nói và móc cuộn thước dây trong túi ra. “Ừ, thế thì được” - Lúc này cô mới chịu rời đi. Tâm trạng cô trở lại vui vẻ chứ không còn sự nghiêm túc có phần khó tính nữa.
Còn đối với anh chàng Việt, cảm giác để lại trong anh chỉ là sự khó hiểu đến kỳ quặc. Anh ngạc nhiên, tự hỏi tại sao bạn mình lại có sở thích 'quản' người khác như vậy.
Anh cũng nghĩ là chuyện này nếu mang về Việt Nam thì cô bạn mình có lẽ sẽ gặp nhiều phiền toái lắm. Nhiều lần anh thấy một đám trẻ ở Việt Nam đánh nhau nhưng chẳng buồn lên tiếng can ngăn, đơn giản vì đó ‘không phải chuyện của mình’. Thậm chí nếu trót tham gia vào, có khi anh còn bị vạ lây. Nói chung, người Việt quan niệm con mình mình dạy, còn con người khác tất nhiên mình không có trách nhiệm.
“Hai đứa trẻ là con nhà họ hàng cậu à?” anh hỏi cô bạn người Đức. “Không phải”- cô đáp. “Thế là con bạn cậu à?” anh lại hỏi. “Cũng không. Mình không quen chúng. Đi ngang qua thì gặp thôi” - cô thản nhiên đáp. Anh há hốc miệng hỏi: “Không quen? Kỳ lạ quá, tạo sao chúng lại phải nghe cậu dạy dỗ chứ?”.
“Giáo dục là trách nhiệm của toàn xã hội. Trẻ nhỏ là tương lai của nước Đức. Mỗi người Đức chúng tôi đều có trách nhiệm giáo dục chúng bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu” - Cô bạn người Đức nhẹ nhàng nói.
Nguồn gốc kinh tế Đức, sản xuất Đức, bóng đá Đức hàng đầu thế giới
Sự thực đúng là như vậy. Nếu bạn thử hỏi bất kỳ người Đức nào về chuyện nuôi dạy con trẻ, bạn sẽ luôn thấy họ rất nghiêm túc, dù không phải nói về đứa trẻ của mình.
Họ ý thức được rằng ‘con của một bà mẹ, nhưng trách nhiệm nuôi dạy là của toàn xã hội’. Những đứa trẻ hôm nay là tương lai của cả nước Đức, vì thế với bất cứ đứa trẻ nào, mọi người Đức nào cũng đều có phần nào trọng trách cần dạy bảo chúng nên người.
Nhờ được cả xã hội nuôi dạy, những đứa trẻ Đức có thể coi như đã có những nền tảng tốt hơn so với những đứa trẻ ở các dân tộc khác. Theo thời gian, dân tộc Đức được hưởng lợi khi mà những đứa trẻ ngày nào trở thành nguồn nhân lực xây dựng đất nước Đức.
Cụ thể, người Đức luôn nhận được tôn trọng khi đi đến hầu hết các nơi trên thế giới. Kinh tế Đức đang là mạnh nhất châu Âu, đầu tàu EU. Nền công nghiệp sản xuất của Đức cũng là trứ danh trên thế giới. Thậm chí, bóng đá Đức cũng đang là đương kim vô địch thế giới.
GDP trên đầu người của Đức vượt trội so với các nước châu Âu và các nước OECD
Ai cũng biết rằng nước Đức hồi sinh được sau những tàn phá của hai cuộc thế chiến chính nhờ tính cách cần lao của người Đức. Thế nhưng để có được một tố chất cao đẹp như vậy, người Đức đã bắt đầu trước tiên nhất ở giáo dục con trẻ mình đức tính cần lao ấy.
Những chiến sĩ nuôi dạy trẻ ở Đức: Lương xếp thứ nhì thế giới, địa vị rất cao...
Moltke, nguyên soái người Phổ - đất nước bại trận trước Đức trong cuộc chiến tranh năm 1870 - đã từng ca ngợi đối thủ của mình sau khi nhận thất bại: "Sự thắng lợi của người Đức sớm đã được quyết định trên bục giảng của các giáo viên tiểu học!”
Đúng vậy, không ai khác ngoài các thầy cô giáo tiểu học chính là khởi nguồn của một nền giáo dục Đức đáng ngưỡng mộ. Tất nhiên, với trọng trách cao cả này, nghề giáo ở Đức cũng là một nghề rất đặc biệt.
Về lương bổng, giáo viên tiểu học Đức có thu nhập rất tuyệt vời. Năm 2013, theo thống kê của OECD thì lương của lao động được đào tạo bài bản (educated workers) ở Đức là hơn 36.000 euro/năm.
Còn đối với giáo viên tiểu học Đức, lương bình quân năm của họ của là gần 66.000 USD, tương đương với trên 55.000 euro (khoảng 1,5 tỷ đồng), xếp thứ 2 thế giới sau Luxembourg. Như vậy, một giáo viên tiểu học ở Đức có lương gấp rưỡi so với một người lao động trình độ cao ở nước này.
Thống kê về lương của các giáo viên tại 'lower secondary school' ở các nước khối OECD
Mức lương này giúp những giáo viên tiểu học ở Đức được xếp vào “giai tầng có thu nhập vừa và cao” trong xã hội. Về mặt phúc lợi, họ cũng sẽ được coi như công chức quốc gia, được Chính phủ Đức đảm bảo phúc lợi cao, sẽ không bị sa thải và thất nghiệp.
Người Đức đặt niềm tin lớn vào giáo dục nên cũng coi trọng luôn cả những chiến sĩ trong công cuộc nuôi dạy trẻ ấy. Cũng vì mang trách nhiệm lớn, các thầy cô giáo Đức phải nỗ lực rất nhiều mới được đứng lên bục giảng để dạy học.
...Nhưng vào thì rất khó, ít nhất 30 tuổi mới được đứng bục giảng
Ở Đức, dù chỉ là giáo viên tiểu học, nhưng để đứng ở vị trí này, bạn sẽ phải trải qua một quãng đường rất dài, đòi hỏi tình yêu với trẻ và niềm đam mê lớn lao với giáo dục.
Khác với Việt Nam - nơi bạn chỉ cần tấm bằng sư phạm bất kể xếp loại và một chút mối quan hệ là đã có thể gõ đầu trẻ, để được làm giáo viên ở Đức thì bạn cần lấy được học vị Đại học chính quy hoặc trình độ cao hơn. Tiếp đó bạn sẽ được huấn luyện chuyên nghiệp về tâm lý học, giáo dục học và trải qua một cuộc thi sát hạch do cơ quan có thẩm quyền tổ chức.
Cuối cùng, bạn phải tham gia cuộc thi xét duyệt về tư cách giảng viên do quốc gia tổ chức. Người Đức hết sức coi trọng tư cách của những người gõ đầu trẻ, vì thế đây cũng là cửa ải khó nhất. Thông thường, bạn sẽ cần tới 3 năm để đạt chuẩn tại kỳ thi này.
Đó còn là chưa kể đến quãng đường gian nan khi học Đại học tại Đức. Các trường Đại học Đức nổi tiếng là học khó. Thời gian bình quân để một sinh viên Đại học tại Đức ra trường là lên đến 7 năm, mặc dù chuyên ngành chỉ có 4 -5 năm học.
Sự thực là tỷ lệ sinh của Đức từ thế kỷ 20 đến nay đã ngày càng giảm. Cầu quá ít so với cung khiến cho những người giáo viên giỏi, yêu nghề không chỉ trở thành 'hàng hiếm' mà còn phải là 'điều tiên quyết'.
Từ đó, chế độ giáo dục của Đức về cơ bản là đã cự tuyệt hoàn toàn với những sự chạy chọt, luồn lách, “đi cửa sau”. Lý do là vì cả xã hội Đức yêu cầu chỉ những người thực sự yêu nghề giáo và có thực lực thì mới được phép trở thành giáo viên tiểu học ở Đức.
Khi đã được đứng trên bục giảng, các giáo viên tiểu học Đức thường cũng đã ngót nghét 30 tuổi. Thế nhưng không ai trong số họ cảm thấy tiếc nuối thời thanh xuân phấn đấu để được đứng ở vị trí này.
Họ tự hào vì mình đang là người trực tiếp nhào nặn ra một thế hệ người Đức mới. Điều đổi lại, địa vị của họ trong xã hội của họ cũng sẽ rất cao quý.
Nguồn: Cafebiz.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC