Người châu Á đó sẽ kể chuyện gì khi gọi điện về quê hương? Bạn bè của anh ta trên Facebook sẽ được nghe những chuyện gì về Dresden? Người đó có còn hứng thú làm kinh doanh tại Sachsen không?
LTS: Bản tin của Giáo sư Tiến sỹ Martin Gillo, người được tiểu bang Sachsen ủy thác trách nhiệm giúp đỡ ngoại kiều, là một tổng hợp toàn bộ các bài viết của ông và đội ngũ nhân viên về những hội ngộ và sự kiện giữa người Đức với người nước ngoài mà họ đã chứng kiến hoặc được nghe kể lại, những câu chuyện gợi nhiều cảm xúc và khiến họ suy nghĩ.
Bằng cách viết ra, họ vừa khuyến khích người nước ngoài, vừa muốn phản tỉnh nhiều người Đức trong quá trình hội nhập từ hai phía. Những bài viết lúc thì thật trầm tư, mặc tưởng, lúc thì rất hài hước và đôi khi nhiều thách thức – nhưng luôn luôn xuất phát từ tận sâu trái tim con người.
Tạp chí NƯỚC ĐỨC xin gửi đến độc giả bài viết của ông Markus Guffler, một trợ thủ đắc lực của Martin Gillo trong Văn Phòng Giúp Đỡ Ngoại Kiều thuộc Quốc hội Tiểu bang Sachsen tại Dresden.
Ông tham gia và chỉ đạo rất nhiều kế hoạch cũng như dự án dành cho thanh thiếu niên và người nước ngoài, thúc đẩy và đỡ đầu các hiệp hội từ âm nhạc, thể thao, đến tín ngưỡng và học tập trên toàn tiểu bang.
Lúc đó, vừa qua giờ cơm trưa của ngày thứ tư trong tháng 9.
Tại một bến đỗ trên tuyến đường Bischofsweg, ba nhân viên kiểm tra vé thuộc Sở Giao Thông thành phố Dresden xuống tàu với một thương gia người châu Á dáng vẻ sợ sệt. Người này có mua vé, nhưng lại không dập dấu xác nhận qua máy. Điều đó khiến nhân viên kiểm tra không bằng lòng – nhưng giờ thì sao?
Người châu Á mặc bộ đồ lịch sự, có lẽ là người Nhật Bản hoặc Hàn Quốc.
Ông ta không nói được tiếng Đức, nhưng ít nhất cũng nói được tiếng Anh. Thế nhưng, không ai trong số ba nhân viên kia biết tiếng Anh.
Vì thế, họ phải nhờ đến bốn cô cậu học sinh trường chuyên có mặt trên chuyến tàu phiên dịch hộ.
Các cháu giải thích ý định của người khách nước ngoài, đồng thời cũng đề nghị các nhân viên lưu ý rằng, trên tàu không hề có biển báo bằng tiếng nước ngoài về hệ thống dập dấu cho vé tàu. Kể cả trên vé tàu cũng không in nhiều thông tin, ngoài duy nhất hàng chữ nhỏ li ti: Áp dụng theo các điều lệ vận chuyển.
Bốn cô cậu học trò đã cố gắng làm trung gian và giải thích cặn kẽ, nhưng cuối cùng đành bất lực nhìn nhân viên kiểm tra vé đòi người khách nộp phạt một khoản tiền cước rất cao hoặc phải nộp hộ chiếu.
Nhưng người đàn ông không mang theo nhiều tiền mặt như vậy bên người, còn hộ chiếu thì để ở khách sạn.
Mặc dù bốn người học sinh nói rằng, khách sạn đó rất gần, ba nhân viên vẫn khăng khăng không chấp nhận. Họ xuống tàu và gọi điện cho cảnh sát.
Trong lúc chờ đợi, ba nhân viên đứng quây quanh người đàn ông châu Á nhỏ bé.
Một diễn tiến bình thường hay một việc mà chúng ta có thể cải thiện tốt hơn? Tôi không có ý định thay đổi các qui định thiết yếu của Sở Giao thông, nhưng tôi tự hỏi, chúng ta đang xây dựng và chuyển tải hình ảnh của mình ra thế giới như thế nào?
Người châu Á đó sẽ kể chuyện gì khi gọi điện về quê hương? Bạn bè của anh ta trên Facebook sẽ được nghe những chuyện gì về Dresden? Người đó có còn hứng thú làm kinh doanh tại Sachsen không?
Bản thân tôi cảm thấy rằng, không ai từ châu Á đến tận Dresden chỉ để đi lậu vé. Càng không có ai mua một vé tàu Dresden để mang về bán tại sân bay quê nhà.
Ảnh: DPA
Vậy, những tình huống như kể trên có thể giải quyết chăng?
Thâm tâm tôi trả lời là có, nếu chúng ta đặt mình vào địa vị của người khác bằng tất cả sự cởi mở và đón nhận cuộc sống đa văn hóa bằng sự nhạy bén sâu sắc.
Giá như một trong ba nhân viên kiểm soát vé có thể hiểu và nói được một chút ngoại ngữ. Họ thậm chí có thể ghi lại một số cụm từ chuyên môn lên một tờ giấy và mang theo bên mình.
Trong nhiều bệnh viện, chuyên viên chăm sóc bệnh nhân vẫn sử dụng những tấm cạc hướng dẫn với nhiều hình ảnh giải nghĩa các khái niệm và thao tác quan trọng nhất. Hệ thống này được gọi là TipDoc.
Chuyên nghiệp nhất là khi hệ thống giao thông được người lạ kiểm tra: Biển báo phải đặt thế nào?
Có tờ thông tin tại các sân bay không?
Các thông báo qua loa phóng thanh có được thực hiện bằng nhiều thứ tiếng hay đường dây nóng bằng tiếng nước ngoài? Bốn thanh niên nam nữ đã cố gắng can thiệp và giúp đỡ, mà không chấp nhận để yên cho việc đó trôi qua như vậy – họ đã mang cho tôi hi vọng lớn vì đã xử sự đúng cách.
Đây không phải là lời bào chữa cho những người đi lậu vé, nhưng là lời biện hộ cho phương pháp thông tin hiệu quả và cách hành xử tôn trọng lẫn nhau.
Cho tôi được thay mặt, gửi lời xin lỗi đến người châu Á xa lạ, bởi chúng ta vẫn còn đang ở trên đường, chưa hề đến đích!
Theo Thông tin Quốc hội Sachsen
© 2024 | Thời báo ĐỨC