Ở nước Đức, khắp nơi từ ngoài đường phố, đến bệnh viện, trường học, công sở hoặc bất cứ nơi vui chơi, giải trí nào, bạn rất dễ dàng tìm thấy các “biển báo”.
Ảnh: Marco Einfeldt/sueddeutsche
Những biển báo ấy là những chỉ dẫn, nhưng đôi khi lại hàm chứa những cơ sở để ràng buộc trách nhiệm pháp lý. Và không rõ từ bao giờ những biển báo như thế đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống thường ngày và góp phần tạo nên một xã hội có trật tự ở nơi đây.
Biển báo cấm đỗ sai qui định
Đi đến nhiều nơi, bạn sẽ nhìn thấy biển báo cấm đỗ:
“Widerrechtlich geparkte Fahrzeuge werden kostenpflichtig abgeschleppt”.
Biển báo này có nghĩa là nếu bạn đỗ xe không đúng qui định, giả sử như ở trước cửa ra vào hoặc garage của một nhà nào đó, chủ nhà hoàn toàn có quyền gọi điện cho cảnh sát đến để chuyển xe của bạn đi chỗ khác. Bạn không những bị phạt vì đã đỗ sai qui định, mà còn phải chịu toàn bộ những chi phí phát sinh. Không chỉ là lời nhắc nhở chung chung, biển báo đó đã ràng buộc trách nhiệm, chứa đựng ngay chế tài đối với bất cứ ai vi phạm.
Khi tham gia giao thông
Ra đường bạn phải chú ý các biển báo giao thông để chấp hành đúng luật lệ, đấy là việc đương nhiên thuộc nghĩa vụ của bạn.
Bạn sẽ không bao giờ thấy cảnh đâu đâu cũng có cảnh sát đứng bên đường, nhưng bạn sẽ thấy mọi thứ đều rất có trật tự.
Tại sao vậy? Ở nhiều nơi công cộng người ta đều cho đặt camera, nếu bạn vượt đèn đỏ hoặc đi quá tốc độ cho phép, tức khắc hành vi vi phạm và biển số xe của bạn sẽ được lưu giữ lại.
Do quản lý thông tin rất tốt, chỉ vài ngày sau, bạn sẽ lập tức nhận được hóa đơn yêu cầu nộp phạt. Từ lúc vi phạm đến lúc nhận được hóa đơn tiền phạt bạn cũng không biết người cảnh sát cụ thể nào đã phạt mình do vậy cũng đừng nghĩ đến khả năng xin xỏ hay hối lộ.
Bạn lờ đi không nộp phạt ư? Vậy thì bạn sẽ tiếp tục nhận được giấy gọi hầu tòa. Mọi việc đúng sai lúc này sẽ được giải quyết ở Tòa án. Nếu đúng là bạn đã vi phạm và trốn tránh nộp phạt, tiền phạt của bạn lúc này sẽ tăng gấp nhiều lần so với việc nếu như bạn đã nghiêm chỉnh nộp phạt.
Và cứ như thế người dân Đức hiểu rằng tốt hơn hết, không muốn mất thời gian và tiền bạc thì cứ nghiêm chỉnh mà chấp hành luật lệ giao thông.
Trên xe buýt
Bạn lên xe buýt, bạn không được nói chuyện với tài xế khi xe đang chạy đâu nhé. Bước lên xe, bạn sẽ nhìn thấy ngay biển báo:
“Während der Fahrt nicht mit dem Fahrer sprechen” – biển báo này có nghĩa là vì lý do an toàn, khi xe đang chuyển bánh, bạn không được hỏi hay nói chuyện với lái xe. Lên xe, bằng những biển báo định sẵn ở mỗi vị trí, bạn cũng sẽ biết đâu là chỗ ngồi dành cho người già, người tàn tật, phụ nữ có thai, đâu là chỗ ngồi dành cho bạn và đầy đủ những chỉ dẫn ghi rõ khi gặp trường hợp khẩn cấp trên xe, bạn sẽ phải làm gì.
Biển báo ở bể bơi hoặc đến những nơi chơi thể thao
Giả sử bạn đến bể bơi hoặc nơi vui chơi giải trí, bạn gửi đồ vào một nơi qui định, có tủ riêng khóa cẩn thận. Ở đó bạn cũng sẽ nhìn thấy biển thông báo “Für Garderobe wird keine Haftung übernommen”. Biển báo này có nghĩa rằng bể bơi sẽ không chịu trách nhiệm về việc mất đồ của bạn. Ở bể bơi cũng có khu vực dành riêng cho những ai thích nhảy cầu, nhưng ở đó cũng có biển báo ghi rất rõ: “Springen auf eigene Gefahr” – biển báo này có nghĩa rằng bạn đã được cảnh báo trước và sẽ hoàn toàn tự chịu trách nhiệm nếu như tai nạn xảy ra.
Biển báo nguy hiểm ở các công trình đang xây dựng
Ở những nơi có công trình xây dựng đang thi công, tất cả đều được bảo đảm những biện pháp an toàn và luôn kèm theo biển báo
“Betreten der Baustelle verboten. Eltern haften für Ihre Kinder”.
Đây là biển báo cấm vào khu vực đang có công trình xây dựng. Nếu tai nạn xảy ra, người vi phạm sẽ phải tự chịu trách nhiệm. Cha mẹ sẽ là người chịu trách nhiệm cho trẻ nhỏ.
Biển báo phân loại rác
Hàng ngày ở Đức việc phân loại rác được thực hiện khá nghiêm túc và tự giác. Tương ứng với từng loại rác, có những thùng rác tương ứng. Thùng nào được đổ loại rác nào đều có những chỉ dẫn rất cụ thể. Từ những việc rất nhỏ như việc vứt rác, bạn cũng phải để ý xem mình đã vứt rác đúng qui định chưa. Nếu thùng rác nhà bạn mà rác được đổ không đúng, cơ quan quản lý về môi trường họ có lý do để phạt bạn.
Ghi chú “Không chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin”
Trên rất nhiều những tờ thông tin, kể cả lịch tàu, kết quả xổ số trên tivi, thông tin về giá cả, chứng khoán… dưới đó thường ghi rất rõ “Alle Angaben ohne Gewähr”.
Điều này có nghĩa là người cung cấp thông tin hoàn toàn không chịu trách nhiệm pháp lý về tính chính xác của thông tin đó. Bạn đừng nhầm lẫn nhé, bạn sẽ không thể khởi kiện người đã cung cấp thông tin này, nếu như thông tin đó không chính xác hoặc bị thay đổi so với thực tế.
Việc ghi rõ như vậy, người cung cấp thông tin đã loại trừ được những rủi ro cho mình vì đã cảnh báo trước với đối tượng tiếp nhận thông tin.
Biển báo nhà có nuôi thú dữ
Nếu bạn bước vào nhà ai đó có nuôi động vật, mà không để ý biển báo, chẳng may bạn bị động vật gây thương tích, bạn sẽ tự chịu trách nhiệm vì gia chủ đã gắn biển cảnh báo nhà có nuôi súc vật. Lỗi lúc này lại thuộc về bạn và bạn hoàn toàn không có quyền khởi kiện đòi bồi thường.
Đương nhiên nếu chủ nhà có nuôi thú dữ mà lại không có biển báo này dán trước cửa nhà, để xảy ra tai nạn cho bạn, chủ nhà đó cũng sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Biển báo nơi công cộng
Ở những nơi công cộng,nhiều nơi có đặt biển cấm như cấm hút thuốc, cấm làm ồn, cấm chụp ảnh… Do vậy, đến bất cứ đâu bạn cũng phải quan sát, phải để ý những biển báo này.
Khi rời khỏi vị trí làm việc hay học tập, hay những chỗ công cộng, ngay từ nhỏ, trẻ em Đức đã được dạy rằng:
“Bạn tuyệt đối không quên kiểm tra lại tất cả mọi thứ xem nó có an toàn và gọn gàng đúng như những gì bạn đã được nhìn thấy khi bước vào hay không”.
Vào mùa đông ở Đức thường có tuyết rơi nhiều, nếu vỉa hè trước cửa nhà bạn là một lối đi chung, tuyết rơi mà bạn không dọn sạch, người đi qua đường bị ngã, bị tai nạn ngay trước cửa nhà bạn mà nguyên nhân là do bạn đã không dọn sạch tuyết trước cửa nhà, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Nhiều đoạn đường mùa đông không có người dọn tuyết và trên đoạn đường qua đó thường ghi rõ biển báo:
“Kein Winterdienst. Betreten auf eigene Gefahr”.
Khi xuất hiện biển báo này mọi người đều hiểu rằng đây là đoạn đường không được dọn dẹp tuyết vào mùa đông, nếu đi qua đoạn đường này, người đó phải tự chịu trách nhiệm cá nhân.
Biển báo cấm cho động vật hoang dã ăn thức ăn
Bạn đến sở thú, bạn đã lấy thức ăn của bạn ra cho động vật ăn. Theo luật bảo vệ động vật hoang dã ở Đức bạn sẽ bị phạt nếu như ở đó đã treo biển cấm cho động vật hoang dã ăn – “Füttern verboten”.
Lý do được đưa ra là việc cho ăn như vậy sẽ làm mất đi sự cân bằng tự nhiên của động vật hoang dã. Nếu đã được cảnh báo nhưng bạn vẫn làm, bạn sẽ bị phạt.
Ở bất cứ đâu, con người cũng cần đến sự minh bạch của hệ thống luật pháp, mà tối thiểu con người cần phải được biết việc gì được làm và việc gì không được làm một cách thật cụ thể, rõ ràng nhất.
Lẽ dĩ nhiên có thể nhiều biển báo ở Đức phù hợp với nước Đức, người Đức, văn hóa Đức nhưng chưa chắc đã phù hợp và dễ dàng áp dụng trong điều kiện văn hóa, xã hội ở Việt Nam.
Hơn nữa cần những loại biển báo nào, nội dung, hình thức những biển báo đó ra sao thì mới phù hợp với Việt nam, điều đó còn cần phải bàn luận và trao đổi tiếp, nhưng vượt lên tất cả những trở ngại đó, là khía cạnh ý nghĩa và hiệu quả xã hội mà những biển báo đem lại – những biển báo trực quan, dễ hiểu, dễ nhớ, luôn kèm theo chế tài có tính giáo dục, phòng ngừa và răn đe một cách trực tiếp.
Phải chăng đã đến lúc Việt Nam cần thay đổi cách tư duy quản lý theo kiểu “khẩu hiệu, phong trào, còn trách nhiệm thì hòa cả làng” bằng tư duy “chỉ dẫn, cảnh báo và áp dụng chế tài trực tiếp cho cá nhân vi phạm”?
Phải chăng có như thế những bộ luật đồ sộ, những điều luật phức tạp mới có điều kiện được hiện thực hóa vào cuộc sống, pháp luật khi ấy mới trở nên gần gũi như cơm ăn, nước uống hàng ngày và xã hội vì thế mới trở nên an toàn và thực sự có trật tự?
Nguồn: Tia Sáng
© 2024 | Thời báo ĐỨC