Ban công mặc dù thuộc khu vực riêng tư của mỗi căn hộ cũng như nhà riêng, nhưng để tránh va chạm, các chủ nhà hay người thuê nhà cũng không nên trồng hoa trên đó một cách tùy tiện, ví dụ như có thể trồng các loại hoa cảnh, nhưng không được trồng cây to như dạng cây phong (tòa án München, án số 461 C 2678/15).
Ngoài ra, để bảo đảm an toàn cũng như tránh việc nước bị chảy xuống dưới khi tưới cây, chủ nhà hoặc người thuê nhà cũng không nên treo các giỏ hoa, khay trồng hoa ra phía bên ngoài lan can (án quyết số Az.: 1 S 1836/13 WEG).
Điểm dễ gây ra những tranh chấp, cãi cọ và xung đột mạnh giữa hai bên hàng xóm láng giềng nhất là khu “biên giới” của hai mảnh đất như hàng rào, tường chắn. Luật pháp tại Đức qui định rõ các loại cây cũng như khoảng cách được trồng cây tại khu vực này, nhưng mỗi tiểu bang lại có những mức độ khác nhau.
Ví dụ như tại bang Hessen, những loại cây to và có tán lá rộng phải trồng cách hàng rào 4 mét, các loại cây cảnh hoặc bụi gai loại to được trồng cách hàng rào 1 mét, những loại cây khác thì trồng cách hàng rào 0,5 mét. Tại bang Sachsen-Anhalt, chiều cao của cây sẽ quyết định khoảng cách được trồng – ví dụ cây chỉ đạt độ cao 1,5 mét thì được trồng cách hàng rào 0,5 mét, còn các cây đạt độ cao từ 6 mét trở lên phải trồng cách hàng rào 15 mét.
Ngoài ra, các chủ vườn không được đặt thùng rác hay thùng chứa lá cây làm phân bón ngay khu vực hàng rào vì sẽ quấy rối hàng xóm bởi mùi hôi thối hoặc côn trùng, mà phải lựa chỗ thích hợp khác. Tuy nhiên, việc dùng cây gì hay loại sắt, kiểu gỗ gì để làm hàng rào, hình thù, màu sắc ra sao thì vẫn do chủ vườn được tự mình quyết định (tòa án Berlin, án số Az.: VG 13 K 122.16).
Nếu các loại cây mọc quá khu vực hàng rào hoặc gốc cây phát triển mạnh, chen lấn sang đất của nhà hàng xóm, chủ vườn bắt buộc phải cắt bỏ. Ví dụ như tại khu vực thành phố München, một chủ vườn đã phải cưa bỏ bốn cây cổ thụ trồng được hơn 20 năm, bởi vì rễ cây đã lấn sang bãi cỏ của nhà bên và phá huỷ nó (án số Az.: 121 C 15076/09). Hoặc như tại thành phố Itzehoe (bang Schleswig-Holstein), một chủ vườn phải bồi thường cho nhà hàng xóm vì rễ cây bạch dương của mình đã phá hỏng nhà kho của họ, đồng thời phải làm rào chắn rễ cây (án số 6 O 388/11).
Nếu lá cây hay quả rụng xuống bên nhà hàng xóm mà không thiệt hại gì thì không sao, nhưng nếu chúng khiến ống thoát nước từ trên mái nhà hay cống trong sân nhà hàng xóm bị tắc, chủ cây phải chịu bồi thường (án số Az.: V ZR 102/03). Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp ngoại lệ mà hàng xóm không thể làm gì được, ví dụ như các loại cây dẻ gai Châu Âu thuộc nhóm cây di sản và được bảo vệ thì không được chặt. Hoặc nếu sống trong khu vực bảo vệ môi trường và cây trồng thì các chủ vườn cũng không được và không bị buộc phải chặt bất cứ loại cây gì. Ngoài ra, hàng xóm cũng không thể kiện chủ vườn bên cạnh, nếu các loài sâu bọ hay rệp cây từ cây của họ tràn sang cây nhà mình, bởi đó là “sức mạnh thiên nhiên” mà không ai ngăn cản được (Az.: V ZR 213/94).
Về cơ bản, các chủ vườn được tùy ý lựa chọn loại phân bón cho cây trong vườn của họ, dù là loại có chứa chất hóa học hay các loại phân bón hữu cơ, dù mùi của chúng có quá nồng hay không, với điều kiện họ sử dụng đúng chỉ định. Điều này cũng có nghĩa là khi dùng các chất diệt cỏ dại cũng như côn trùng, chủ vườn không được để chúng chảy qua bên vườn nhà hàng xóm khi trời mưa bão. Nếu xảy ra thiệt hại, họ phải chịu bồi thường.
Nói đến vấn đề dùng ô dù để che nắng, người đầu tiên cần lưu ý và hỏi chủ nhà là người thuê nhà có ban công, vì dù sao đó cũng không phải thuộc sở hữu của họ.
Dùng ô che nắng hoặc chắn tầm nhìn tò mò của hàng xóm xung quanh thì không sao, nhưng nếu muốn làm mái che gắn trên tường thì phải được sự đồng ý của chủ nhà và cần để ý cả kích cỡ, màu sắc sao cho phù hợp thẩm mỹ cảnh quan xung quanh. Thông thường, để bảo đảm hình ảnh chung của cả ngôi nhà, chủ nhà được quyền quyết định màu sắc và thể loại rào chắn ban công mà người thuê nhà không thể thay đổi được.
C.Chi
© 2024 | Thời báo ĐỨC