Nhận được đồ thất lạc ở Đức có được phép giữ?

Ai nhặt được đồ thất lạc phải mang trả ngay cho nơi có chức trách, không chỉ để giúp đỡ người mất mà nếu không trả có thể sẽ phạm tội.

Trách nhiệm thông báo tìm thấy đồ thất lạc

Về cơ bản, người nhặt được đồ vật thất lạc của người khác phải có nghĩa vụ trả lại. Theo điều § 246 StGB Bộ luật hình sự, nếu người nhặt đồ thất lạc có giá trị trên 10 Euro mà không trả có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù đến 3 năm. Thông báo tìm thấy đồ thất lạc phải được làm ngay lập tức với nhà chức trách. Nếu người tìm thấy biết chủ là ai thì phải có trách nhiệm giữ gìn món đồ đến khi hoàn trả. Trường hợp cố tình hoặc vô tình làm hư hỏng thì phải bồi thường. Một ngoại lệ nếu giá trị đồ vật ít hơn 10 Euro thì không bắt buộc phải đi khai báo.

132 1 Nhan Duoc Do That Lac O Duc Co Duoc Phep Giu

Nơi thông báo tìm thấy đồ thất lạc

Ở nơi công sở hay trong xe đỗ tại công sở nào đó thì phải có trách nhiệm hỏi ngay nơi đó để hoàn lại, ví dụ như ở khu vực trường học, viện bảo tàng v.v. Các đồ thất lạc tìm thấy ở xe buýt, nhà ga, sân bay được chuyển lại cho các công ty vận tải tương ứng. Ngoài ra, có thể thông báo với đồn cảnh sát, văn phòng Bürgeramt gần nhất hoặc văn phòng tìm đồ (Fundbüro).

Tiền thưởng dành cho người tìm thấy đồ thất lạc

Khi trả lại đồ, người tìm thấy phải ký nhận vào tờ bàn giao tài sản nhận được, để lại địa chỉ. Với tờ giấy đó người tìm được không chỉ trút được trách nhiệm của mình mà còn có thể nhận được tiền thưởng. Bộ luật dân sự (BGB) quy định tiền thưởng (Finderlohn) dành cho người tìm thấy đồ, với giá trị hiện vật tới 500 Euro thì tiền thưởng là 5%, nếu cao hơn thì sẽ thêm 3% của số thêm dôi ra. Nhưng nên thường xuyên hỏi để lấy tiền thưởng vì văn phòng tìm đồ ít khi thông báo lại về việc đã có người đến lấy.

Theo luật, phải bảo quản đồ nhặt được trong 6 tháng. Nếu hết thời hạn này vẫn không có người đến nhận, người nhặt được phép sở hữu đồ nhặt được. Tuy nhiên, người nhận chỉ được xem là chủ sở hữu khi trước đó đã thông báo về việc nhặt được đồ. Nếu nhặt được nhưng không thông báo, chủ sở hữu thật sự được quyền yêu cầu trả lại đồ trong vòng 30 năm.

Những việc nên làm khi bị thất lạc đồ vật

– Kiểm tra xem những khả năng đồ vật có thể quên hoặc rơi

– Liên lạc với nhân viên, người phụ trách khu vực bị thất lạc đồ

– Thông báo với cảnh sát gần nhất xin giấy xác nhận mất giấy tờ

– Thông báo với ngân hàng khóa các tài khoản như thẻ tín dụng…

– Đến văn phòng thất lạc đồ Fundbüro thông báo bị mất giấy tờ, thông thường phải chờ 1 tuần để có thể nhận thông tin vì văn phòng này sẽ thống kê và phân loại các đồ thất lạc.

Chí Vỹ


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày