Nạn buôn bán đồ ăn cắp của người Việt và hệ lụy

180 công an Đức bao vây kiểm tra sáu căn hộ và cửa hàng của một phụ nữ Việt 38 tuổi tại thị trấn Pirna. Cô bị bắt vì chứa chấp và tiêu thụ đồ ăn cắp với số lượng lớn.

Đừng vì “tham đĩa mà bỏ mâm” mà tiếp tay cho tội phạm. Khi bị phát hiện thì bản thân cũng liên lụy như người phạm tội.

Ngày 13.12.2018, 180 công an Đức bao vây kiểm tra sáu căn hộ và cửa hàng của một phụ nữ Việt 38 tuổi từ Tiệp khắc cũ mới sang Đức định cư tại thị trấn Pirna. Cô bị bắt vì chứa chấp và tiêu thụ đồ ăn cắp với số lượng lớn.

Đây chỉ là một trong những trận đột kích bố ráp của công an đánh vào đội quân do các băng đảng người nước ngoài chuyên ăn cắp bán lại cho người Việt tiêu thụ.

Vụ án được theo dõi hơn hai năm từ năm 2016 đến cuối năm 2018 mới phá án.

Cũng xin nói thêm rằng tất cả các vụ án tội phạm là người Việt. Từ trốn thuế đến làm giấy tờ giả hay tiêu thụ đồ ăn cắp có hệ thống đều được công an theo dõi trong một thời gian khá dài, từ hai đến năm năm mới kết thúc điều tra và có lệnh bắt giam.

Theo tư liệu của phòng công an chống tội phạm bang Sachsen cũng như truyền hình, báo chí trên toàn nước Đức. Tội phạm người nước ngoài ăn cắp thì quá nhiều. Riêng với người Việt Nam tuy không phải là con số đứng hàng đầu trong việc tự tay ăn cắp nhưng lại là đối tượng lớn nhất trong việc tiêu thụ đồ ăn cắp.

132 1 Nan Buon Ban Do An Cap Cua Nguoi Viet Va He Luy

Nhiều người Việt không coi trọng vấn đề mua đồ ăn cắp. Với họ rẻ thì mua không quan trọng nguồn gốc xuất xứ. Nhiều người hồn nhiên mua đồ ăn cắp rồi đóng vali về phép. Khi qua hải quan bị kiểm tra họ không hề có hóa đơn chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Rất nhiều người bị phạt nặng, nhưng vì xấu hổ, hoặc không muốn cho người khác biết chuyện nên hầu hết họ không kể ra.

Với con mắt của người Đức thì đấy là một việc rất nghiêm trọng.

Vậy ngoài cái nhìn thiếu thiện cảm của người Đức thì người Việt khi mua đồ ăn cắp hoặc tiêu thụ đồ ăn cắp sẽ ảnh hưởng gì đến bản thân?

Nước nào thì ăn cắp hay tiêu thụ đồ ăn cắp cũng là hành động phạm pháp. Phạm pháp thì tuỳ tội trạng mà phải đi tù bao lâu, ngoài ra trong hồ sơ của họ là một vạch dài đen tối. Những người phạm tội lớn bị đi tù rồi trục xuất về nước, những người phạm tội nhỏ hơn khi đi gia hạn hộ chiếu thì không được vì phạm tội. Những người có giấy tờ ổn định khi bị bắt thì hồ sơ cũng được lưu lại chẳng lấy gì làm tốt đẹp. Khi muốn đi xin việc hồ sơ sẽ được lật lại. Bạn đừng nghĩ người Đức không quan tâm đến đạo đức của nhân viên khi họ nhận vào làm. Trong hồ sơ đấy nếu thấy có vấn đề thì việc xin đi làm thường gặp khó khăn.

Đối với con cái thì cha mẹ có hồ sơ đen là cả một vấn đề. Vì vậy bà con mình hãy cẩn thận. Đừng vì “tham đĩa mà bỏ mâm” mà tiếp tay cho tội phạm. Khi bị phát hiện thì bản thân cũng liên lụy như người phạm tội. Theo luật Đức thì có thể bị phạt tù từ ba tháng đến mười năm.

Mai Anh


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày