Những vấn đề thường gặp liên quan đến vấn đề vận chuyển bưu phẩm mà người gửi cũng như người nhận bưu phẩm cần hết sức lưu ý:
Gía trị đền bù phụ thuộc hàng gửi
Nếu bưu phẩm bị hỏng hóc hay không đến tay được người nhận, về cơ bản bưu điện sẽ đền bù giá trị từ 500 đến 750 Euro. Tuy nhiên, thông thường, trong các điều khoản chung, các hãng vận chuyển đều ghi rõ không nhận chuyển „tiền, đồ trang sức, hàng hóa nguy hiểm hay cả thẻ tín dụng“. Nếu muốn vận chuyển những mặt hàng này, phải sử dụng những dịch vụ đặc biệt dành cho hàng giá trị, chẳng hạn thư dạng Wertbrief.
Về cơ bản, khi một dịch vụ chuyển hàng nhận bưu phẩm, họ phải chịu trách nhiệm khi có sự cố xảy ra. Nếu bưu phẩm bị mất trên đường vận chuyện hay bị hỏng khi đến tay người nhận, người gửi sẽ được đền bù đúng giá trị hàng. Người gửi là đối tác trực tiếp với công ty vận chuyển và phải chịu trách nhiệm thực hiện khiếu nại khi có sự cố. Người gửi phải chứng minh được hỏng hóc thực sự xảy ra trong quá trình vận chuyển và điều này thường không đơn giản.
Chụp hình hàng gửi và đóng gói cẩn thận
Tốt nhất nên chụp hình nội dung hàng gửi, trước khi đóng kín bằng băng dính. Về lý thuyết, sẽ rất có lợi nếu khi đóng hàng và gửi hàng có mặt một nhân chứng. Tuy nhiên, trên thực tế ít khi xảy ra điều này. Nếu hàng bị hỏng trên đường vận chuyển, bưu điện thường đổ lỗi cho người gửi vì cho rằng hàng chưa được đóng gói cẩn thận. Do đó, cần đóng bằng hộp carton dày và lưu ý đến trọng lượng và tính chất hàng để chọn hộp thích hợp.
Khi hàng xóm nhận hộ bưu phẩm
Không ít trường hợp hàng xóm tốt bụng nhận giúp bưu phẩm, trong khi người nhận vắng nhà. Tuy nhiên, cần biết rằng, từ thời điểm kí tên nhận hàng giúp, người hàng xóm phải chịu trách nhiệm cho bưu phẩm đó. Vì vậy, cẩn bảo quản bưu phẩm cẩn thận và tuyệt đối không để hàng trước cửa nhà hàng xóm. Trong trường hợp xảy ra thiệt hại, người gửi phải chứng minh được người hàng xóm gây ra thiệt hại đó. Chẳng hạn, khi người hàng xóm để bưu phẩm ngoài ban công khiến bưu phẩm bị ướt hay khi hàng xóm để bưu phẩm trước cửa nhà người nhận và hàng bị mất.
Hàng xóm không có trách nhiệm phải nhận bưu phẩm
Những nhà bảo vệ người tiêu dùng khuyên hàng xóm không nên nhận hàng khi thấy hộp bị rách hay ướt. Khi hàng được gửi lại chi nhánh của công ty vận chuyển, chi nhánh đó sẽ chịu trách nhiệm cho thiệt hại.
Phải giữ hàng cho hàng xóm trong bao lâu?
Không có quy định rõ ràng về điều này. Những việc bạn có thể làm khi không thấy hàng xóm đến lấy hàng: Thông báo cho hàng xóm và đưa ra một thời hạn cụ thể. Nếu trong thời hạn này vẫn không thấy hàng xóm đến lấy hàng, có thể mang bưu phẩm đến nộp tại văn phòng quản lý đồ thất lạc Fundbüro hoặc gửi ngược lại cho người gửi. Tuy nhiên, khi đó bạn sẽ phải chịu phí gửi.
Nhanh chóng khiếu nại hỏng hóc
Khi phát hiện ra hỏng hóc, cần nhanh chóng khiếu nại để được đền bù thiệt hại. Nếu khi nhận hàng chưa phát hiện ra hỏng hóc thì có thể gửi khiếu nại trong vòng 7 ngày sau khi nhận hàng. Nếu hàng bị thiếu, cần nhanh chóng liên hệ với người gửi để họ làm đơn tìm tung tích hàng. Để chắc ăn, người gửi nên gửi kèm theo hàng địa chỉ người nhận bên trong bưu phẩm. Trong trường hợp địa chỉ bên ngoài thùng hàng không đọc được vẫn có thể giao hàng nhờ địa chỉ gửi kèm bên trong.
Làm gì khi hàng gửi bị thừa?
Trong một số trường hợp, người mua hàng nhận được nhiều hơn số hàng mà họ đã đặt hay trả tiền. Theo lời một luật sư về tiêu dùng, „nếu người bán gửi thừa hàng, người nhận phải có trách nhiệm thông báo với họ về điều này. Nếu không, có thể gặp những vấn đề về pháp lý“.
Chắc chắn nhiều người rất muốn lờ đi và giữ lại số hàng thừa đó, tuy nhiên người mua không có hợp đồng mua những hàng đó và không được phép giữ chúng. Do đó, họ phải tìm cách để hàng thừa quay về với người gửi, chẳng hạn đưa ra thời hạn cho người gửi đến lấy lại hàng và bảo quản hàng cẩn thận hoặc gửi trả lại hàng và người bán phải hoàn lại phí gửi. Nếu hàng bị gửi nhầm, người nhận cũng phải thực hiện các bước như trên. Nếu đem hàng gửi nhầm đi bán, tặng hay vứt đi, sẽ phải đền bù thiệt hại cho người bán.
Bảo Ngọc
© 2024 | Thời báo ĐỨC