Làm gì khi gặp rắc rối với bưu điện

Trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều khách hàng than phiền về cách làm việc tác trách của bưu điện Đức

 

Những trường hợp gặp rắc rối với bưu điện

Mùa hè năm ngoái, bà M. đến từ Berlin đã bị mất hộ chiếu khi gửi bảo đảm đến văn phòng du lịch ở Frankfurt am Main để nhân viên tại đó xin thị thực đi Iran. Do sau nhiều ngày nhân viên tại đó vẫn không nhận được hộ chiếu nên bà M. gọi điện đến đường dây nóng của bưu điện deutsche Post để kiện.

Deutsche Post cần đến hơn 4 tuần để xác nhận hộ chiếu thật sự biến mất và đưa ra mức đền bù 20 Euro cộng tiền gửi. Tuy nhiên, bà M. phản đối. Cuối cùng, cả hai bên thống nhất bưu điện đền bù toàn bộ chi phí làm hộ chiếu mới và phí gửi.

Một số trường hợp khác bị rắc rối khi phong bì chứa tiền bị mất, bị ướt hay những thư quan trọng bị ném ở hành lang hoặc ném sai thùng thư, mặc dù trên thùng thư có ghi rõ tên người nhận.

132 1 Lam Gi Khi Gap Rac Roi Voi Buu Dien

foto: stuttgarter-nachrichten.de

Nên làm gì để tránh rắc rối?

Chụp hình thư:

Đối với những thư quan trọng, nên chụp hình lại trước và sau khi đóng gói. Khi đó, nếu bị thất lạc hay hỏng hóc, khách hàng sẽ có lợi hơn do có thể chứng minh được nội dung thư.

Những thư bình thường không được bảo đảm:

Deutsche Post không đảm bảo thời gian giao đối với thư bình thường và chỉ chịu trách nhiệm đối với những thư bị mất hay hỏng hóc khi người gửi trả thêm phí dịch vụ, chẳng hạn đối với thư bảo đảm. Thư gửi thông thường không được đảm bảo. Nếu chẳng may bị mất, bưu điện sẽ không chịu trách nhiệm. Nếu gửi hàng hóa, giấy tờ giá trị, nên đọc kĩ điều kiện hợp đồng.

Về nguyên tắc, nhân viên giao thư có nhiệm vụ giao thư đúng quy định. Nếu xảy ra vấn đề, khách hàng thường bị thiệt hơn. Khi đó, có thể áp dụng một trong những cách sau:

– Nếu thư bị thất lạc, có thể yêu cầu bưu điện tìm kiếm (Nachforschungsauftrag);

– Nếu hàng gửi bị hư hỏng, có thể gọi đến đường dây chăm sóc khách hàng để khiếu nại (của deutsche Post là 0228 433 3112);

– Trên trang mạng của trung tâm bảo vệ người tiêu dùng có sẵn mẫu đơn khiếu nại dành cho khách hàng:

https://www. post-aerger.de/ ;

– Khi bị bực mình hay thất vọng về dịch vụ của bưu điện, có thể thông báo cho cơ quan bưu chính viễn thông bằng văn bản hay trực tuyến. Trong một số trường hợp có thể liên hệ với cơ quan hòa giải (Schlichtung). Khi đó, có thể được hỗ trợ hòa giải ngoại tòa. Năm 2017 có khoảng 1000 đơn được gửi đến liên quan đến gửi thư và bưu kiện nhưng chỉ hòa giải thành công trong 234 trường hợp.

Làm gì để tăng khả năng thư đến nơi?

Chuyên gia của Hiệp hội Stiftung Warentest khuyên nên gửi thư quan trọng qua đường bảo đảm hay bưu kiện giá trị (Wertpaket). Lưu ý: Phải chụp hình giấy tờ quan trọng hay nội dung bưu kiện trước khi đóng gói. Nếu bưu kiện bị mất, khách hàng có thể chứng minh được nội dung thực sự trong thư hay bưu kiện.

Thư gửi theo đường bình thường không được bảo đảm.

Do đó, nếu thư bị thất lạc, sẽ không được bưu điện đền bù. Những giấy tờ quan trọng nên gửi bảo đảm, như:

Hợp đồng, giấy hủy hợp đồng, khai báo thuế, thư phải đảm bảo thời hạn, giấy tờ công sở, đơn xin việc, giấy tờ liên quan đến tòa án.

Có thể gửi tiền trong thư giá trị (Wertbrief). Với hình thức này, có thể gửi hàng hóa giá trị như đồ trang sức trị giá đến 500 Euro và tiền mặt đến 100 Euro .

Theo: Trúc Quỳnh


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày