Để có được sự tín nhiệm từ nhà tuyển dụng, hãy bắt đầu từ chiếc CV và lá thư xin việc
1.Viết CV chuẩn đến từng dòng
Chúng ta đều biết tầm quan trọng của một tấm CV nổi bật, nhưng chuyên gia tuyển dụng Chris Pyak, tác giả của cuốn sách “How to Win Jobs and Influence Germans”, cho biết có rất ít thời gian để lấy lòng bộ phận tuyển dụng của công ty.
"Trung bình, họ sẽ chỉ xem CV của bạn trong 7-12 giây trước khi họ quyết định bỏ nó đi hay xem kĩ hơn", Pyak nói. "Điều đó có nghĩa bạn phải thuyết phục nhà tuyển dụng quan tâm tới CV của mình ngay từ những dòng đầu tiên.”
Chuyên gia Pyak, với nhiều kinh nghiệm giúp người nước ngoài tìm việc làm, khuyên người tìm việc tránh sự rườm rà, lặp lại trong CV mà nên đi thẳng vào vấn đề.
2.Càng súc tích càng tốt
Hãy tìm hiểu trước mẫu CV, resume tiêu chuẩn ở Châu Âu, hoặc bạn có thể tải từ trên mạng những mẫu có sẵn. Resume và CV ở mỗi nước sẽ khác nhau nhưng luôn yêu cầu những mục như “thông tin cá nhân” (Persönliche Angaben), “kinh nghiệm làm việc” (Berufserfahrung), “giáo dục” (Ausbildung), “kỹ năng” và “các hoạt động ngoại khóa” (Qualifikationen und Kenntnisse), cũng như “sở thích” '(Private Interessen). Ở Đức, việc ký tên và ghi ngày tháng vào CV thường không phổ biến.
"CV càng súc tích thì càng tốt", Nick Dunnett, giám đốc quản lý trụ sở Đức và Thụy Sĩ của công ty tuyển dụng quốc tế Robert Walters nói. "Không ai muốn đọc một chiếc CV dài 10 trang, vì vậy hãy trình bày ngắn gọn."
Bạn cũng không nên để những khoảng trống trong CV của mình.
Nếu bạn muốn biết ảnh chân dung có cần thiết hay không, hãy gọi điện hỏi nhà tuyển dụng. Đừng đoán trong khi bạn có thể hỏi. Và bạn thà không có ảnh còn hơn là đính kèm vào CV một tấm ảnh thiếu chuyên nghiệp.
3.Nhắm đến nhu cầu của nhà tuyển dụng
Khi bạn tìm được công việc mình mong muốn, bạn nên trao đổi với nhà tuyển dụng để tìm hiểu xem nhu cầu, khó khăn của họ là gì. Từ đó, bạn sẽ biết phải viết vào thư xin việc những điều mình có thể làm để đáp ứng nhu cầu của công ty.
Hãy bắt đầu lá thư bằng lời cảm ơn vì cuộc trao đổi với công ty. Sau đó, đề cập tới khả năng bạn có thể làm để giúp nhà tuyển dụng giải quyết các vấn đề. Cuối cùng là lời cảm ơn và hi vọng về một cuộc phỏng vấn.
Nếu khó khăn của bạn là viết thư với một sắc thái, văn phong phù hợp bằng tiếng Đức, hãy tham khảo những mẫu thư truyền thống như “Sehr geehrte Damen und Herren" and "Mit freundlichen Grüßen". Phần lớn thị trường Đức khá truyền thống và nhà tuyển dụng cũng thích những lá thư trang trọng.
4.Tìm việc tại các công ty nhỏ
Bạn nên tìm cách trao đổi với nhà tuyển dụng từ trước, tuy rằng điều đó không phải là điều dễ dàng. Ở các công ty lớn, điều này lại càng không thể.
Theo ông Pyak, những người đang tìm việc nên đến các công ty nhỏ để có nhiều cơ hội được nhận hơn.
“Các công ty lớn như Trivago nhận 40,000 đơn xin việc mỗi tháng, nên họ không có thời gian để trao đổi với từng người. Tuy nhiên, ở ngoài kia vẫn có 350,000 công ty tốt với quy mô nhỏ hơn, đang cần tuyển nhiều nhân lực,” ông cho biết.
5.Đừng nghĩ bản thân chỉ là người đi xin việc
Đúng là nhà tuyển dụng nắm trong tay nhiều quyền lực, nhưng không có nghĩa bạn chỉ là vật sở hữu của họ. Bạn cần tin rằng mình là nhân tố có thể làm nên sự khác biệt chốn công sở và là một thành viên quan trọng trong nhóm.
“Hãy nghĩ mình là người cố vấn muốn giúp người khác giải quyết vấn đề của họ,” theo Pyak. “Đó là cách bạn giao tiếp với nhà tuyển dụng”
6.Thành thật khi nói về khả năng ngoại ngữ
Biết tiếng Đức là một lợi thế khi tìm việc ở nước này. Nhưng nếu bạn vẫn chưa thành thục lắm, ông Pyak đề xuất một giải pháp: “Một số khách hàng của tôi đã rất thành công khi viết thư xin việc bằng tiếng Anh, còn CV bằng tiếng Đức. Điều này thể hiện bạn không ngại nói thẳng về những hạn chế, nhưng nhà tuyển dụng vẫn hiểu bạn có thể làm những gì.”
Trung thực là điều quan trọng. Đừng quá tâng bốc khả năng ngoại ngữ của mình bởi điều đó sẽ dễ dàng bị lộ tẩy. Nếu bạn nói dối mình ở trình độ C1, bạn sẽ được yêu cầu phỏng vấn bằng tiếng Đức.
© 2024 | Thời báo ĐỨC