'Trận bão lửa' hủy diệt nền công nghiệp phát xít Đức

Quân Đồng minh triển khai 3.000 máy bay và ném 9.000 tấn bom xuống thành phố Hamburg năm 1943 với mục tiêu phá hủy tiềm lực chiến tranh của Đức.

Các chiến dịch không kích thành phố nhằm triệt hạ nền công nghiệp của đối phương diễn ra thường xuyên trong Thế chiến II. Trong số này, chiến dịch Gomorrah của quân Đồng minh nhằm vào thành phố Hamburg, Đức được xem là cuộc tập kích đường không tạo ra trận bão lửa lớn nhất lịch sử.

Trong giai đoạn đầu Thế chiến II, Anh tin rằng oanh tạc diện rộng sẽ hủy diệt các mục tiêu chiến lược và khiến Đức mất khả năng chiến đấu. Máy bay Anh khi đó chỉ nhắm vào các căn cứ quân sự. Việc phi cơ Đức vô tình ném bom trúng mục tiêu dân sự tại London năm 1940 đã tạo cớ cho Anh trả đũa khi nhằm vào những thành phố của đối phương.

Hamburg, thành phố lớn thứ hai của Đức, là trung tâm công nghiệp lớn, nơi có một cảng nối ra Biển Bắc và một trung tâm vận tải. Nhiều nhà máy lọc dầu, xưởng đóng tàu và cơ sở công nghiệp quốc phòng Đức đều nằm tại thành phố này, khiến nó trở thành mục tiêu hàng đầu của quân Đồng minh.

Ngày 21/1/1943, phe Đồng minh thông qua mệnh lệnh tác chiến mang tên Tiến công Hiệp đồng bằng Oanh tạc cơ nhằm phá hủy hệ thống kinh tế, công nghiệp và quân sự Đức, cũng như hủy hoại tinh thần của người dân nước này.

Bộ tư lệnh Oanh tạc cơ không quân Anh chịu trách nhiệm tập kích ban đêm, trong khi Bộ tư lệnh Không lực số 8 của Mỹ thực hiện những đợt không kích ban ngày. Nguyên soái không quân Anh Travers Harris tin rằng gây thiệt hại cho công nhân Đức và gia đình họ cũng hiệu quả như phá hủy các nhà máy công nghiệp.

"Đức Quốc xã tham chiến với ảo tưởng rằng họ có thể ném bom nước khác mà không bị trả đũa. Họ gieo gió ở nhiều thành phố và giờ sẽ phải gặt bão ở quê nhà", nguyên soái Harris nói. Ngày 27/5/1943, Harris ký mệnh lệnh số 173, phát động chiến dịch oanh tạc mang mật danh Gomorrah.

Trong chiến dịch không kích Đức giai đoạn 1941-1942, máy bay Anh thường bị tiêm kích và pháo phòng không Đức bắn hạ, gây tổn thất lớn về người và khí tài. Rút kinh nghiệm từ chiến dịch trên, không quân Anh đã sử dụng mồi bẫy đánh lừa radar Đức trong chiến dịch Gomorrah. Các phi công thả những đám sợi kim loại lớn, khiến radar đối phương không thể bám bắt oanh tạc cơ.

Đêm 24 rạng sáng 25/7, 791 oanh tạc cơ Anh bắt đầu đợt tấn công đầu tiên trong 50 phút với 2.400 tấn bom thả xuống thành phố Đức. Các quả bom có sức công phá lớn được thả trước nhằm phá hủy mái nhà, trước khi bom cháy được sử dụng.

132 1 Tran Bao Lua Huy Diet Nen Cong Nghiep Phat Xit Duc

Máy bay Anh ném bom xuống Hamburg trong chiến dịch Gomorrah. Ảnh: BBC.

Khoảng 40.000 lính cứu hỏa ở Hamburg khi đó, nhưng họ không thể di chuyển khắp các đường phố để dập lửa. Ngọn lửa từ cuộc không kích cháy âm ỉ trong ba ngày. Anh chỉ mất 12 máy bay nhờ sử dụng mồi bẫy đánh lừa radar.

"Chúng tôi bị bất ngờ với phương thức tập kích Hamburg. Các thiết bị mới khiến những khẩu đội pháo phòng không bất lực. Đây là đòn không kích rất thành công và được sử dụng nhiều lần ở Hamburg", Albert Speer, cựu Bộ trưởng Trang bị và Công nghiệp Chiến tranh dưới thời Hitler, hồi tưởng.

Đợt không kích thứ hai diễn ra lúc 16h40 ngày 25/7. Không quân Mỹ triển khai 90 oanh tạc cơ B-17 nhằm vào nhà máy động cơ, cũng như các xưởng đóng tàu Blohm và Voss. Trong đợt tấn công này, 78 máy bay Mỹ bị hư hại do trúng đạn phòng không. Đức phải huy động thêm lính cứu hỏa từ các thành phố khác để dập lửa ở Hamburg.

Đợt tập kích đêm tiếp theo bị hủy do khói từ các đám cháy, buộc 700 oanh tạc cơ Anh chuyển sang không kích thành phố Essen.

Trong đợt tấn công thứ ba rạng sáng 26/7, không quân Anh chỉ kịp thả hai quả bom xuống thành phố Đức và phải trở về vì thời tiết xấu. Đêm 27 rạng sáng 28/7, 787 máy bay Anh tham gia oanh tạc Hamburg. Thời tiết khô hanh và đợt dội bom tập trung vào một khu vực cùng nhiều yếu tố khác khiến Hamburg chìm trong một trận bão lửa.

"Những quầng lửa lớn bao trùm đường phố. Tôi cố gắng chạy ngược chiều gió nhưng chỉ đến được một ngôi nhà ở góc đường Sorbenstrasse. Chúng tôi không thể đi qua đường Eiffestrasse vì nhựa đường đã tan chảy. Nhiều người nằm trên đường, một số đã chết, số khác thoi thóp với chân mắc kẹt trong lớp nhựa đường và không ngừng la hét", Kate Hoffmeister, cư dân Hamburg, kể về trận bão lửa năm 1943.

132 2 Tran Bao Lua Huy Diet Nen Cong Nghiep Phat Xit Duc

Một góc Hamburg sau đợt không kích của Đồng minh. Ảnh: IWM.

Cuộc không kích của quân Đồng minh tạo ra trận bão lửa đường kính 3,5 km với nhiệt độ ở trung tâm lên tới 800 độ C. Tất cả vật dụng bằng gỗ, giấy và vải lập tức bị đốt thành tro khi bão lửa quét qua, trong khi đồ nhôm và chì tan chảy, thép bị biến dạng. Người dân trong hầm trú bom cũng chết ngạt vì thiếu dưỡng khí.

Chiến dịch Gomorrah dự kiến diễn ra đến ngày 3/8 nhưng đợt tập kích cuối cùng trong bị hủy do thời tiết xấu. Các đợt không kích của phe Đồng minh trong chiến dịch này khiến hơn 42.000 người thiệt mạng, 37.000 người bị thương và một triệu người mất nhà cửa. Tổng cộng khoảng 3.000 máy bay tham gia chiến dịch với gần 9.000 tấn bom trút xuống Hamburg.

"Nếu quân Đồng minh tiếp tục oanh tạc 4-5 thành phố khác với mức độ tương tự, Đức sẽ sụp đổ nhanh hơn nhiều", Speer khẳng định.

132 3 Tran Bao Lua Huy Diet Nen Cong Nghiep Phat Xit Duc

  'Trận bão lửa' hủy diệt công nghiệp Đức trong Thế chiến II

Duy Sơn (Theo War History)


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày