Vào giữa tháng 9/1944, một lực lượng hỗn hợp gồm khoảng 10.000 lính Anh và Ba Lan đổ bộ đường không xuống và quanh thị trấn Arnhem ở Hà Lan trong chiến dịch Market Garden của quân Đồng minh.
Mục tiêu của lính dù là chiếm lĩnh cây cầu chiến lược bắc qua sông Lower Rhine nhằm giúp hàng trăm ngàn quân Đồng minh đổ bộ lên Normandy vài tháng trước đó có được một tuyến thông suốt đi vào vùng lõi công nghiệp của Đức Quốc xã.
Hình ảnh trong bộ phim "A bridge too far" nói về trận chiến ở cầu Arnhem. |
Chiến dịch nói trên được hy vọng làm rút ngắn chiến tranh. Thế nhưng cây cầu ở Arnhem đã trở thành một “cây cầu quá xa”. Trận chiến Arnhem kết thúc bằng việc gần như toàn bộ sư đoàn đổ bộ đường không số 1 của quân đội Anh đã bị xóa sổ. Và do vậy, kế hoạch của Đồng minh về việc tiến nhanh vào đất Đức đã sụp đổ.
Sử gia Iain Ballyntyne đã miêu tả chi tiết trận đánh này trong cuốn sách mới mang tên “Arnhem: Ten Days in the Cauldron”. Cuốn sách đã cho thấy tấn thảm kịch mà những người lính Đồng minh đối mặt tại đây.
Khi hàng ngàn quân Anh và Ba Lan được thả xuống Arhhem vào ngày 17/9/1944, quân đội Đức nhanh chóng tập kết khoảng 10.000 lính được trang bị pháo và xe tăng để bảo vệ thị trấn này và cây cầu trọng yếu. Trong khi đó phe Đồng minh phải chật vật tập trung lực lượng bị phân tán của mình, duy trì liên lạc giữa các đơn vị và cung cấp thực phẩm, đạn dược cho lực lượng lính dù này bằng cách thả bằng dù từ máy bay.
Câu chuyện của một hạ sĩ Anh tên là Harry Tucker đã đại diện cho trải nghiệm khó khăn của những người lính Đồng minh tại Arnhem.
Tác giả Ballantyne viết: “Trong nỗ lực tới được cây cầu, đội của Harry Tucker gồm khoảng 6 lính dù ban đầu tránh được điều tệ hại nhất, nhờ vào việc trườn dọc theo một con đường nhánh, giúp họ vòng tránh an toàn qua một số vị trí của quân Đức... Có cảm tưởng họ có thể cứ thế đi thẳng tới được cây cầu kia”.
Nhưng hạ sĩ Tucker sau đó nhận ra rằng vận may của nhóm đã hết khi anh thấy vài lính dù đang ẩn nấp ở các lối vào hoặc ép người vào các bức tường. Nhìn xuống con đường, anh nhận thấy khói bốc lên từ một con phố nhánh.
“Con đường tối đen và dính dầu mỡ. Chúng tôi đều rất thận trọng và tạm ngừng. Và rồi chúng tôi nghe thấy tiếng động cơ tăng tốc...”.
Đó là một chiếc xe tăng trước đây thuộc Pháp nhưng bị quân Đức chiếm vào năm 1940 và chúng đã chuyển đổi nó thành một súng phun lửa tự hành. Chiếc xe vừa tiến vừa phun lửa và khói, tiếng gầm gừ của động cơ và tiếng bánh xích khiến những người lính dù kinh hãi.
Tucker kể tiếp: “Thực sự khủng khiếp, một vài đồng đội đi trước đã bị thiêu sống. Chúng tôi bèn nghĩ phải chuyển sang một đường khác”.
Tucker và các đồng đội của mình cuối cùng cũng nhìn thấy được lối đi dẫn lên cầu và bản thân cây cầu. Cây cầu trông thô ráp với các kết cấu bê tông và thép. Trong khi đó tiếng súng và bom đạn vẫn vang lên liên tục cho thấy trận chiến đang diễn ra quyết liệt.
“Cầu có lẽ cách chúng tôi chưa đến 500m. Ngay phía trước chúng tôi, các bên đang giao chiến dữ dội, trong đó quân Đức từ trên các rầm cầu bắn xối xả xuống phía dưới”.
Trong 9 ngày liền, các binh sĩ Anh và Ba Lan bị đói khát và thiếu vũ khí đã phải chiến đấu với quân Đức quanh cây cầu. Vào ngày 25/9/1944, Thiếu tướng Roy Urquhart – tư lệnh của Sư đoàn không vận Anh, ra lệnh cho các lực lượng còn sống sót rút lui.
Chỉ có 2.500 lính Anh và Ba Lan thoát được khỏi Arnhem. Trong chiến dịch này, khoảng 2.000 quân Đồng minh đã tử trận. Quân Đức bắt được gần 7.000 người, khiến cho Sư đoàn không vận 1 coi như tan rã. Phía Đức mất 1.300 quân, ngoài ra có gần 500 dân thường tử nạn.
Nỗ lực táo bạo của phe Đồng minh muốn chấm dứt nhanh chiến tranh bằng việc đánh chiếm một cây cầu trọng yếu đã thất bại với cái giá là sinh mạng của hàng ngàn binh sĩ.
Tucker đã vượt được sông Lower Rhine. Vào tháng 9/1944 ông là một trong các cựu binh Anh tham gia trận chiến này trở về thăm chiến trường xưa để kỷ niệm 50 năm trận đánh này. Bây giờ đã có một cây cầu đường bộ thay thế cho cây cầu trước kia ở Arnhem./.
Nguồn: VOV.VN
© 2024 | Thời báo ĐỨC