Ngay cả những người chỉ trích gay gắt nhất cũng thừa nhận rằng Thủ tướng Đức có những quyền lực đặc biệt khi xử lý các cuộc khủng hoảng.
Kiến tạo các thỏa thuận
Bà thường đóng vai trò là tiếng nói của lý trí và là người kiến tạo các thỏa thuận. Các nhà khoa học chính trị như GS Gabriele Abels thuộc Đại học Tübingen (Đức) mô tả bà là người "điềm tĩnh", "thực dụng" và "ngoại giao". Một số thậm chí không tin bà có thể tham nhũng.
Chuyên gia Hoerst cho biết, sức mạnh đặc biệt của bà Merkel trong những năm gần đây là xây dựng sự đồng thuận.
"Thật là buồn cười khi phụ nữ được xem là cảm tính nhưng trong thực tế, chính những người đàn ông rất dễ xúc động cho dù đó là Boris Johnson hay Donald Trump. Trong khi đó, Thủ tướng Merkel là người ngoại giao và quyết tâm không chỉ đi trước mà còn thu hút mọi người quan tâm tới ý tưởng", bà Hoerst bình luận.
Quyết tâm của bà Merkel trong việc tìm kiếm một thỏa thuận đã được đền đáp trong một vài cuộc khủng hoảng lớn nhất trong thập kỷ qua. Bà đã có thể làm trung gian dàn xếp một thỏa thuận giữa Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Hy Lạp cũng như thuyết phục Nga và các quan chức hàng đầu của Ukraina đối thoại với nhau.
Từng là nhà khoa học và Bộ trưởng Môi trường, bà Merkel cũng chú trọng vấn đề khí hậu ngay từ khi mới lên nắm quyền. Bà đã chủ trì hội nghị Khí hậu đầu tiên của Liên hợp quốc tại Berlin và thuyết phục các nhà lãnh đạo khác của G8 chấp nhận nhu cầu phải cắt giảm khí thải nhà kính. "Bà ấy thậm chí còn khiến George Bush phải thừa nhận tồn tại vấn đề biến đổi khí hậu. Bà ấy là một nhà hòa giải tuyệt vời", GS Mushaben nhấn mạnh.
Tuy nhiên, lãnh đạo bằng sự đồng thuận không phải lúc nào cũng hiệu quả. Cuối năm ngoái, bà Merkel đã phải chật vật thuyết phục lãnh đạo các bang của Đức triển khai các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn để phòng chống Covid-19 trên toàn quốc khi mức độ lây nhiễm bắt đầu gia tăng.
Và với tư cách là Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) trong 6 tháng qua, bà đã phải vật lộn để tìm được sự đồng thuận với Hungary và Ba Lan về việc họ tuân thủ các quy định luật pháp của EU.
Di sản
Cũng có những thời điểm bà Merkel không tìm kiếm một thỏa hiệp, đáng chú ý nhất là vào năm 2015 khi bà chào đón những người tị nạn chạy trốn khỏi các cuộc xung đột ở Syria và các nơi khác.
Bức ảnh selfie này của Thủ tướng Đức và một thanh niên Syria, chụp năm 2015, tượng trưng cho chính sách chào đón người tị nạn của bà Merkel. Ảnh: challenges.fr |
"Những người bị bức hại về mặt chính trị có quyền tị nạn. Chúng ta có thể tự hào về tính nhân văn của luật Cơ bản của mình... Chúng ta cung cấp quyền bảo vệ cho tất cả những người chạy trốn chiến tranh tìm đến chúng ta", nữ Thủ tướng Đức nói với người dân trong nước vào mùa hè năm đó.
"Tôi nói một cách đơn giản: Đức là một quốc gia mạnh mẽ. Động cơ mà chúng ta tiếp cận những điều này phải là: Chúng ta đã đạt được rất nhiều. Chúng ta có thể làm được!", bà Merkel quả quyết.
Đối với học giả Mushaben, khoảnh khắc đáng nhớ nhất của bà Merkel là khoảng thời gian 3 tuần đó vào năm 2015, khi bà đưa ra quyết định trái ngược với lời khuyên của mọi thành viên nội các, giám đốc cảnh sát liên bang và lực lượng biên phòng, với lí do "nếu Đức có thể cứu các ngân hàng, chúng ta có thể cứu những con người".
Bà Hoerst cũng nhất trí rằng, quyết định trên sẽ tạo thành một phần quan trọng trong di sản của bà Merkel và là "một việc nhân văn, đúng đắn cần phải làm", khuyến khích các công dân Đức đồng cảm với những người tị nạn có hành động cụ thể.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người chỉ trích động thái, đặc biệt sau khi ước tính có khoảng 1,2 triệu người di cư đến Đức trong vòng một năm rưỡi sau đó. Dòng người nhập cư ồ ạt ban đầu đã gây ra một số vấn đề và thúc đẩy ủng hộ cho các đảng cực hữu chống nhập cư như đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD).
Song, tình trạng ấy dường như chỉ là tạm thời và AfD kể từ đó trở nên mờ nhạt trong các cuộc thăm dò và chính sách chào đón người tị nạn, di dân đang bắt đầu mang lại hiệu quả kinh tế.
Giống như nhiều quốc gia châu Âu khác, Đức đang phải đối mặt với một quả bom hẹn giờ về nhân khẩu học với quá nhiều người nghỉ hưu và không đủ lao động.
Các nhà khoa học chính trị mô tả Thủ tướng Đức là người "điềm tĩnh", "thực dụng" và "ngoại giao". Một số thậm chí không tin bà có thể tham nhũng |
Theo Viện Nghiên cứu thị trường lao động và nghề nghiệp Đức, 49% người tị nạn trong độ tuổi lao động đến nước này từ năm 2013 đã có việc làm tính đến tháng 2 năm ngoái. Hơn một nửa trong số đó làm các công việc có tay nghề cao và hơn 2/3 là công việc toàn thời gian.
Thêm 17% khác tham gia vào các chương trình đào tạo có trả lương và 3% tham gia thực tập có lương. Theo nghiên cứu, hầu hết những người còn lại hoặc đang học tập, tích cực tìm kiếm việc làm hoặc đang trong thời gian nghỉ thai sản hay chăm con mới sinh. Khoảng 85% đã tham gia các khóa học tiếng Đức.
Điều gì tiếp theo?
Bà Merkel đã nhiều lần bác bỏ ý tưởng ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 5 và hầu hết các nhà bình luận đều tin bà sẽ kiên định với lời hứa đó. Theo chuyên gia Mushaben, nữ chính khách này từng tỏ ra do dự không muốn tranh cử chức Thủ tướng Đức lần thứ 4 nhưng rốt cuộc vẫn làm điều đó vì không hài lòng với Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Trump.
Bà Angela Merkel cùng chồng Joachim Sauer. Ảnh: AP |
"Lần này bà Merkel có vẻ quyết tâm rút lui. Tôi không nghĩ bà ấy sẽ đảm trách bất kỳ vị trí nào khác. Tôi cho rằng, bà ấy sẽ thực sự nghỉ hưu và chỉ thích làm những việc mà bà ấy khó có thể làm trong 20, 30 năm qua", GS Abels phỏng đoán.
Theo Mushaben, nữ Thủ tướng sắp mãn nhiệm trước đây từng tuyên bố bà mong muốn dành nhiều thời gian hơn để nấu món bánh mận và súp khoai tây trứ danh của mình, ám chỉ bà không có kế hoạch đi diễn thuyết hay đảm đương một chức vụ nào khác.
Tuy nhiên, ngay cả khi bà Merkel có ý định rút lui hoàn toàn, bà sẽ tiếp tục có ảnh hưởng đến thế giới trong thời gian dài tới đây. "Trong tương lai sẽ rất khó để phát biểu rằng phụ nữ không thể trở thành một nhà lãnh đạo thành công và đó là một thông điệp rất quan trọng", GS Abels nhấn mạnh.
Quỳnh Anh
© 2024 | Thời báo ĐỨC