Sinh viên học ở Đức được phép làm thư mời người thân qua Đức thăm. Mọi thông tin các bạn có thể đến sở ngoại kiều Äuslanderbehöder (Immigration office) để xin các hướng dẫn cần thiết.
Tuy nhiên để dễ hiểu thì cứ theo những giấy tờ cần thiết cho một hồ sơ thăm thân để nhận biết từng hạng mục xem cái nào các bạn phải chuẩn bị, cái nào người nhà chuẩn bị.
Hồ sơ xin visa Thăm thân Đức có những giấy tờ gì?
Hồ sơ xin visa Thăm thân Đức bao gồm:
1. Một đơn xin thị thực khai đầy đủ và tự tay ký tên, kèm theo bản tuyên bố theo quy định điều 55 AufentG (bản tuyên bố này có trong tờ khai xin cấp thị thực khi in ra ).
Mẫu đơn ở đây https://videx.diplo.de điền xong in ra ký tên.
Bạn có thể điền giúp người nhà rồi gửi về cho người nhà in ra ký tên, hoặc người nhà tự điền.
2. Hai ảnh hộ chiếu mới chụp: Một ảnh dán vào đơn, 1 ảnh để rời
3. Hộ chiếu còn hạn ít nhất 3 tháng sau khi chuyến đi kết thúc.
4. Những giấy tờ/hồ sơ khác về mục đích chuyến đi: Chứng minh quan hệ họ hàng, tuyên bố bằng văn bản của người mời (nếu không có quan hệ họ hàng), photo hộ chiếu + giấy phép lưu trú của người mời.
5. Giấy tờ về chỗ ở, bằng chứng về phương tiện đi lại: giấy mời bản gốc hoặc giấy bảo đảm, xác nhận thuê nhà hoặc khách sạn, chứng minh đã đặt vé máy bay khứ hồi.
Việc booking khách sạn (nếu nhà bạn không đủ rộng), booking vé máy bay ở bạn cũng có thể làm giúp người nhà thông qua các trang web như booking.com (cho khách sạn) và các đại lý vé máy bay.
Lưu ý khi book khách sạn thì chọn cái nào có thể free cancelation, khi nào lấy được visa thì hủy booking. Đặt vé máy bay ở đại lý cũng nên nói rõ là để làm visa thì cũng chưa phải trả tiền, khi nào có visa thì mua vé khác.
6. Chứng minh khả năng tài chính của người đi: Người mời chứng minh hoặc người được mời chứng minh.
7. Bảo hiểm y tế du lịch:
có thể mua bảo hiểm tại Đức hoặc mua tại Việt Nam.
Nên mua bảo hiểm du lịch của một công ty ở Đức, chẳng may có vấn đề gì cũng dễ xử lý.
Một công ty được nhiều người sống ở Đức tin dùng là http://www.hansemerkur.de. Mawista, Care concept đều bán bảo hiểm du lịch, mua online dễ dàng. Nếu mua bảo hiểm ở Việt Nam thì Lãnh sự quán tại Tp HCM chấp nhận nhiều hãng bảo hiểm, còn ĐSQ tại HN thì thích Bảo Việt hơn.
Giá cả thì tùy gói và tùy hãng nhưng cũng không chênh nhau nhiều.
8. Quan hệ ràng buộc tại Việt Nam: sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng nhận làm việc và cho phép nghỉ việc trong thời gian đi. Đối với những người làm tự do thì có giấy đăng ký hoạt động kinh doanh, chứng minh bất động sản….
Học sinh, sinh viên thì có giấy xác nhận của trường cho nghỉ trong thời gian đi.
Trong từng trường hợp cụ thể có thể phải nộp thêm các giấy tờ khác theo yêu cầu của ĐSQ
Thông tin chi tiết hướng dẫn làm hồ sơ ở đây:
http://www.hanoi.diplo.de/....Merkblatt_Besuchsvisum_vnm.pdf
Lưu ý: thư mời chỉ được cấp trước 3 tháng ngày dự định đi thăm của người thân, nếu xin sớm quá sẽ không được cấp.
Người thân trên 60 tuổi cần có giấy chứng nhận sức khỏe đủ điều kiện đi đường dài và đi du lịch.
Như vậy theo danh sách trên thì mục 2, 3, 8 bắt buộc người đi thăm thân phải chuẩn bị.
Mục 1, 4, 7, 8 cũng khá dễ dàng bạn hoặc người nhà đều có thể làm được.
Chỉ còn mục giấy mời bản gốc hoặc giấy bảo đảm và Chứng minh khả năng tài chính là hơi phức tạp chút xíu, và chúng có liên quan đến nhau tùy thuộc vào việc bạn là người chịu chi phí cho chuyến đi, hay người nhà bạn chịu chi phí cho chuyến đi.
Trường hợp 1: Người nhà bạn chứng minh tài chính
Nếu người nhà bạn chịu hoàn toàn chi phí cho chuyến đi thì bạn chỉ việc mang các giấy tờ tùy thân của bạn (passport, thẻ cư trú, anmeldung, … mình thường ôm hết các giấy tờ đi nhưng họ chỉ dùng mỗi passport) và thông tin trên passport của người được mời đến Sở ngoại kiều xin thư mời.
Khi xin nhớ giải thích rõ là người nhà tự chứng minh tài chính.
Họ sẽ phát cho 1 tờ thư mời, bạn chỉ việc điền thông tin của bạn và thông tin của người được mời, với khoảng thời gian dự kiến đi rồi ký tên.
Nhân viên sở ngoại kiều sẽ hướng dẫn bạn làm việc này.
Sau đó họ phát cho tờ cam kết, đọc và ký vào đó. Nộp 25€ cầm thư ra về.
Trường hợp 2: Bạn chứng minh tài chính
Trong trường hợp bạn là người chịu chi phí cho chuyến đi thì để xin được thư mời bạn phải chứng minh là bạn đủ khả năng tài chính. Đây là một số thông tin do bạn mình cung cấp:
Với những người sống ở Đức, có giấy tờ Đức thì Sở ngoại kiều yêu cầu bảng lương tính theo Nettolohn. Bạn nào có người nhà làm chủ nhà hàng, hoặc đi làm hãng có bảng lương theo mức dưới hướng dẫn có thể làm thư mời.
Với sinh viên:
thì có thể đặt cọc số tiền là 2500€/ 1 người. Nếu mời cả bố và mẹ thì sẽ đặt cọc 5000€.
Sau khi đặt cọc số tiền này, họ sẽ cấp cho một tờ xác nhận, khi bố mẹ rời khỏi nước Đức sau chuyến thăm, số tiền này sẽ được trả lại cho bạn.
Sau khi chuẩn bị đủ những thứ trên bạn cầm giấy tờ tùy thân ra sở ngoại kiều xin thư mời.
Tất nhiên là bạn nên đặt lịch hẹn trước.
Chi phí thư mời vẫn là 25€/ thư. Nếu bạn mời 1 cặp vợ chồng thì được tính là 1 thư, mời hai người khác nhau thì cần 2 thư.
Sau khi đặt cọc 5000€ thì họ không quan tâm người nhà bạn ở đâu.
Mình đã ra SNK hỏi do tôi ở KTX thì có được mời không? SNK không quan tâm điều này.
Nhưng ĐSQ Đức tại VN sẽ quan tâm điều này.
Các bạn nên vào booking.com chọn khách sạn nào đó, giá cao một chút, nhưng hủy booking không mất phí, dùng booking đó đi xin Visa. Khi bố mẹ sang có thể thuê phòng ngắn hạn cho bố mẹ ở, rẻ hơn ở Khách sạn.
Trong trường hợp người được mời trốn lại. Bạn sẽ bị phạt 30 000€/1 người. Các bạn trước khi ra trường cần có giấy xác nhận của cảnh sát về việc không phạm tội gì tại nước Đức. Vậy nên, với sinh viên không nên làm việc này, khi vào hồ sơ của cảnh sát, thì ra trường hơi phức tạp.
Tùy theo sở ngoại kiều mỗi TP, các bạn nên ra đó hỏi thủ tục sẽ thuận tiên hơn.
Nguồn: Minda Hoàng – Đỗ Chính
hotrosv.de
© 2024 | Thời báo ĐỨC