Không chỉ vậy, Đức còn là điểm du lịch lý tưởng và nổi tiếng với món xúc xích và đặc sản đồ uống là bia. Bia Đức từ lâu đã trở thành thương hiệu mang tầm cỡ thế giới, không chỉ là một loại đồ uống, bia còn là tượng trưng cho văn hóa, con người Đức.
Ngay từ thế kỷ 12, nước Đức đã bắt đầu sản xuất bia. Hồi ấy người ta gọi “bia” là dịch âm từ BIER của tiếng Đức. Đầu tiên người ta gọi bia là rượu vỏ và rượu mạch. Giữa thế kỷ 12, người Đức sử dụng cây hoa bia, cất ra một loại thức uống, cảm thấy nó có vị mát, hơi có chút đắng và mùi thơm; hương vị thật tuyệt vời, thế là nhanh chóng lan truyền. Năm 1516, bang bayern – nơi sản xuất chính , ban hành quyết định, bia chỉ được phép dùng hạt cây hoa bia, mầm đại mạch, bột lên men để sản xuất. Từ đó về sau hình thành hương vị độc đáo của bia Đức. Đương nhiên, cùng với thời gian, các nơi trên toàn thế thời thế giới cũng sử dụng nguyên liệu tương tự để sản xuất bia, cho nên người bình thường khó phân biệt được đặc tính của bia các nước. Chỉ người trong nghề và người đã từng uống bia Đức, mới có thể phân biệt có phải là bia Đức hay không. Bia và luật tinh khiết được coi là biểu tượng đặc trưng mang tính quốc tế của Đức.
Vào thế kỷ XIV, tại Bremen người ta cho xuất khẩu bia sang các nước láng giềng như Hà Lan, Anh, các nước vùng Scandinavia, riêng Hamburg có tới 600 xưởng sản xuất bia và xuất đi các nước xa hơn ở châu Á như Ấn Độ và Trung Quốc. Riêng ở bang Bavaria, Spaten được đánh giá là loại bia đặc biệt có giá trị về chất lượng và độ ngon, quê hương của bia Spaten ở Munich, một nhà máy xuất khẩu bia lớn thứ hai ở bang. Người ta thường nói, đến Munich uống bia Spaten, bạn sẽ quên đi tất cả các loại bia khác ở trên đời. Vì không thứ nào có thể tinh khiết hơn, ngon hơn và mùi vị tự nhiên hơn thế.
Ngày 23-4-1516 được đánh giá là một ngày trọng đại nhất trong lịch sử bia của nước Đức. Vào ngày này, hoàng đế Herzog Wilhelm của bang Bavaria đã cho ra đời luật tinh khiết (Reinheitsgebot), nghiêm cấm mọi hình thức cho hóa chất vào bia, bia nguyên chất chỉ được làm từ nước, ngũ cốc (đại mạch), hoa bia và men. Đây là đạo luật cổ nhất, tốt nhất và mang tính nhân loại cao nhất của lịch sử loài người trong ngành chế biến thực phẩm tính cho đến nay. Luật được thi hành rất nghiêm khắc vì thế, bia Đức được đánh giá là bia sạch và tinh khiết trên thế giới. Đến thế kỷ XIX, sự phát triển của bia Đức đã đạt đến độ thượng thừa. Tại Đức hiện có hơn 5.000 nhãn hiệu và 1.300 nhà máy sản xuất bia lớn nhỏ. Bia Đức được xuất khẩu đi trên toàn thế giới với chất lượng cao, đảm bảo an toàn về sức khỏe cũng như độ vệ sinh thực phẩm với một công nghệ hiện đại nhưng vẫn dựa trên nguyên lý cơ bản và luật tinh khiết một cách nghiêm ngặt. Nhà máy sản xuất bia lâu đời nhất có tên Weihenstephan Abbey, nằm ở thị trấn Bavarian, thành phố Freising, ra đời vào năm 725. Tại nước Đức, gần như mỗi vùng, mỗi làng đều có ít nhất một nhãn hiệu bia riêng. Hiện nay, còn có cả các loại bia không cồn dùng làm đồ giải khát trong mùa hè vừa có lợi cho sức khỏe mà không làm tăng lượng đường trong cơ thể như các đồ uống ngọt khác.
Sở dĩ bia Đức ngon là do nguyên liệu chủ yếu của bia phong phú, chất lượng tốt. Bang Bayern được mệnh danh là “thánh địa bia” sản xuất nhiều hạt cây hoa bia và đại mạch. Cây hoa bia còn gọi là cây hublông, là nguyên liệu chủ yếu để cất bia. Nó gồm hai loại: loại vị thơm và loại vị đắng. Hầu hết bia được cất trên thế giới đều sử dụng nguyên liệu chủ yếu này. Theo thống kê, hiện nay diện tích trồng cây hoa bia lên tới hơn 100 ngàn hécta, tổng sản lượng khoảng 700 ngàn tấn. Trong khi sản lượng hoa bia của Cộng hoà liên bang Đức vào khoảng 70 ngàn tấn chiếm khoảmg 1/10 tổng sản lượng thế giới. Hoa bia của Đức ngoài cung cấp cho sản xuất bia trong nước, còn phần lớn là để xuất khẩu.
Cây hoa bia của Cộng hoà liên bang Đức chủ yếu tập trung ở 7 khu trồng trọt của bang bayern. Đó là lưu vực sông Donace, khí hậu tốt, đất đai phì nhiêu, dễ tưới tiêu. Cây hoa bia thuộc họ dâu; cây cỏ dây sống nhiều năm có gai móc nhỏ, lá mọc đối; hình quả tim, mép răng cưa, mặt trên thô ráp. Mùa thu nở hoa nhỏ; đực, cái khác nhau. Hoa đực hình nón, hoa cái hình dạng bông lúa ngắn, cứ hai hoa cái có bao dạng vảy. Thời kỳ kết quả, bao vảy lớn lên, trở nên mỏng, chồng lên nhau, tạo thành dạng cầu màu vàng nhạt, hình trứng; trong bao nụ, mỗi cái chứa hai quả. Trên bao nhỏ và mền hoa của quả có nhiều dây nhựa thơm dạng bột màu vàng. Dây nhựa thơm cho vào bia, khiến bia có vị thơm đặc biệt. Những thế kỷ trước, người Đức đã nghiên cứu trồng cây hoa bia nên sản lượng và chất lượng đều ở vị trí dẫn đầu thế giới. Điều này đã đặt nền móng tốt cho việc cất bia.
Các lều bia, quán bia ở Đức trở thành rất phổ biến, đóng vai trò không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người dân. Đa số dân Đức thích uống bia Pilsner có màu sáng, nồng độ cao với hương vị đậm đà của hoa bia và tùy khẩu vị mỗi người có thể chọn từng loại khác nhau. Đối với người Đức, bia không chỉ là thức uống lúc rảnh rỗi, lúc trà dư tửu hậu, mà họ còn dùng bia làm nước giải khát trong cuộc sống hàng ngày. Vào những buổi chiều sau giờ tan sở, tại những quán rượu, dễ dàng bắt gặp những công chức nấn ná nơi đây, làm vài vại trước khi về nhà. Công nhân uống bia vào giờ ăn trưa, hoặc ngay cả khi đang làm việc. Ở đất nước này, có thể uống bia thoải mái miễn là không say xỉn túy lúy dẫn đến việc không kiểm soát được những hành động của mình. Một trong những đặc trưng góp phần tạo nên “văn hóa bia” tại Đức là có thể uống đến say và sau đó vẫy taxi về nhà chứ hiếm khi lái xe trong tình trạng thiếu tỉnh táo.
Khoảng 78% người dân Đức thường lui tới những quán nhỏ mà họ yêu thích, tiếng Đức gọi là Lieblingslokal để gặp gỡ bạn bè, chuyện phiếm. Họ cảm thấy dễ chịu như ở chính nhà mình vậy. Mỗi quán có nhiều khách quen, cố định không chỉ phụ thuộc ở chất lượng đồ ăn thức uống mà còn ở thái độ phục vụ của chủ và nhân viên. 54% người Đức hay đến các quán bia bình dân, 31% hay ăn ở các nhà hàng Đức, 28% ở các nhà hàng Ý, Hi Lạp, Tây Ban Nha… Người Đức đặc biệt thích uống bia lấy từ thùng, họ thường gọi bia vại trước khi mua bia chai. Đến Munich uống bia Spaten, bạn sẽ quên đi tất cả các loại bia khác trên đời.
Theo abay
© 2024 | Thời báo ĐỨC