Những khoảnh khắc mang tên München

München là thủ phủ bang Bayern, cũng là thành phố lớn thứ 3 ở Đức sau Berlin và Hamburg. Những câu chuyện cổ về xứ Bayern trù phú từ lâu đã thôi thúc tôi đến thăm tận mắt thành phố.

Kiến trúc cổ kính

Những khoảnh khắc mang tên München - 0

Nằm tọa lạc tại trung tâm phố cổ, nhà thờ Đức Bà München chính là trái tim của thành phố. Nhà thờ được phác thảo từ thế kỷ 12, nhưng mãi đến thế kỷ 13 mới được xây dựng và hoàn tất vào năm 1524. Xu hướng kiến trúc Gothic đương thời và màu gạch đỏ bao trùm toàn bộ phần ngoại thất của thánh đường.

Hai tòa tháp cao hơn 98 m giúp du khách không sợ lạc bởi có thể xác định được ví trí của mình trong thành phố. München không “cao” bởi từ lâu thành phố ra lệnh cấm không cho xây cao hơn 99 m trong nội ô để tránh phá vỡ chiều cao của hai tòa tháp. Cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2004 khiến lệnh cấm nới rộng ra cho các công trình về sau trong toàn thành phố.

Tuy nhiên, nhà thờ cổ nhất là thánh đường thánh Phê-rô nằm cách đó không xa về phía nam được xây dựng từ thế kỷ 12. Dấu ấn sau nhiều lần trùng tu thấy rõ từ các tác phẩm nghệ thuật bên trong nhà thờ pha trộn nhiều phong cách khác nhau.

Nằm giữa hai ngôi thánh đường là quảng trường Đức Mẹ. Đây chính là tâm điểm của bốn cổng thành Isartor, Karl, Sendling và cổng Schwabing dẫn vào thành cổ München xưa kia. Tại quảng trường có tòa thị chính Mới (Neues Rathaus).

Gọi là mới chỉ để phân biệt tòa thị chính Cũ (Altes Rathaus) từ thế kỷ 14 nằm ở phía đông, chứ thật ra tòa thị chính Mới đã có tuổi đời 150 năm và hội đồng thành phố cũng đã dời đến đây từ năm 1874.

Được xây dựng theo lối kiến trúc tân Gothic với một tòa tháp cao vút, tường màu xám, mái ngói xám đậm tương phản với màu ngói đỏ xung quanh khiến du khách lầm tưởng tòa thị chính có tuổi đời lớn hơn những tòa nhà bên cạnh. Mặt tiền công trình dài hơn 100 m được trang trí hình ảnh về vương triều Wittelsbach của xứ Bayern.

Ở phía bắc phố cổ là quảng trường Odeon với quần thể kiến trúc gồm cung điện Residenz, Hội trường tướng quân (Feldherrnhalle) và nhà thờ dòng Theatine mang phong cách Baroque. Gần đó là nhà nhờ Quần thần các thánh (Allerheiligen-Hofkirche) - nơi vua Ludwig II lấy cảm hứng để trang trí hình ảnh sảnh Vương quyền trong tòa lâu đài Neuschwanstein nổi tiếng.

Một điểm nổi tiếng mà du khách nhất định phải tham quan khi đến thăm thành phố này là lâu đài Nymphenburg nằm khá xa về phía tây phố cổ. Tòa lâu đài được xây dựng vào năm 1664 và được dùng làm cung điện mùa hè cho vương triều Wittelsbach. Bao bọc toàn bộ lâu đài là công viên rộng hơn 200 ha có kênh chảy qua và hai hồ nước lớn bên trong khiến cho tòa lâu đài trở nên độc đáo trong lành.

Văn hóa lễ hội độc đáo

Ngoài khu trung tâm, München trở nên năng động với các trụ sở hiện đại. Kẹt xe cũng trở nên phổ biến vào giờ cao điểm. Vườn Anh quốc là lá phổi của thành phố. Gọi là “vườn” nhưng thật ra công viên còn lớn hơn cả Central Park của New York hay Hyde Park của London. Bên trong công viên có tháp Trung Hoa, đền thờ Monopteros và cả quán bia bên cạnh hồ Kleinhesselohe.

Ngoài ra công viên Olympia ở phía bắc thành phố cũng là địa điểm hấp dẫn mà du khách không thể bỏ qua. Đây là khu phức hợp được xây dựng phục vụ Thế vận hội mùa hè 1972. Đỉnh ngọn đồi trong công viên nổi tiếng để ngắm cảnh hoàng hôn, cũng như có thể phóng mắt về trung tâm thành phố và thấy rõ 2 tòa tháp của nhà thờ Đức Bà.

Cũng từ ngọn đồi, tòa nhà cao tầng O2 hiện ra chơi vơi giữa một thành phố không “cao” do được xây dựng trước cuộc trưng cầu dân ý năm 2004, hay sân vận động Allianz Arena của fan hâm mộ câu lạc bộ Bayern München.

Thưởng thức bia đức và ... nghệ thuật

Oktoberfest tại München là lễ hội bia lớn nhất thế giới diễn ra vào giữa tháng 9 đến đầu tháng 10. Đây cũng là một phần của văn hóa xứ Bayern bởi lễ hội có từ thời Trung cổ. Lễ hội không chỉ có bia mà còn quan trọng khi thành phố được trang hoàng rực rỡ và có các buổi diễu hành trên sông, trên đường phố.

München nổi tiếng về dòng nhạc hàn lâm tại các nhà hát quảng trường Odeon. Một người bạn bản xứ dẫn tôi đi xem vở opera Vụ bắt cóc từ hậu cung của Mozart tại Nhà hát quốc gia München. Đây là hát lớn thứ 3 thế giới chỉ sau Bastille ở Paris và Grand ở Warsaw, 5 tầng với hơn 2.100 chỗ ngồi.

Tôi khá bất ngờ bởi thứ tư mà nhà hát lại đông nghịt khán giả và đa phần là các thanh niên trẻ. Tôi càng ngạc nhiên hơn bởi phong cách thưởng thức của người dân nơi đây, không một tiếng động kể cả tiếng ho khò khè, và bất ngờ bởi thói quen vừa cầm ly uống champagne vừa đi vòng tròn nói chuyện tại khu vực nghỉ giữa giờ.

Tương tự buổi hòa nhạc “h-Moll Messe” của nhà soạn nhạc lừng danh Johann Sebastian Bach tại khán phòng Herkulessaal trong cung điện Residenz vào ngày thứ sáu cũng đông thanh niên trẻ trong bộ comple đen bóng hay chiếc đầm lộng lẫy, rất hiếm khán giả châu Á.

Ngoài ra, khu phố nghệ thuật với vô số viện bảo tàng, đặc biệt vé vào cổng tại mọi điểm tham quan vào ngày chủ nhật có giá chỉ 1 euro. Nổi tiếng nhất là bảo tàng Glyptothek trưng bày các tượng điêu khắc Hy Lạp và La Mã tại đây có bức tượng đá cẩm thạch Barberini Faun nổi tiếng mà phiên bản sao chép của nó được du khách chiêm ngưỡng ở Bảo tàng Louvre tại Paris. Đối diện là Trung tâm Staatliche Antikensammlungen lưu trữ các tác phẩm mỹ thuật Hy lạp, La Mã và Etrusca. Gần đó là bảo tàng nghệ thuật Ai Cập.

München còn có một điểm nổi tiếng là trung tâm văn hóa Do Thái với nhà hàng Einstein bên trong. Để vào bên trong ăn tối, chúng tôi phải qua khu vực kiểm tra an ninh và giấy tờ tùy thân. Các món ăn nơi đây ngon tuyệt tại một thành phố có cộng đồng Do Thái từ lâu đời.

Hai cuộc chiến tranh qua đi, München không chỉ là thành phố năng động phát triển mà vẫn còn giữ được vẻ đẹp cổ kính từ các công trình kiến trúc, đến văn hóa đặc trưng của miền nam nước Đức và các cộng đồng thiểu số. Vẻ đẹp ấy sẽ mãi lắng đọng lại trong lòng du khách.

 

Nguyễn Thế Phúc, THANHNIEN


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày