Mùa hè lạnh ở Đức

Đã nhiều lần đến Đức nhưng hầu hết chỉ tham quan những vùng đất, những thành phố thuộc Tây Đức, mùa hè năm nay, tôi quyết định ghé thăm một vài thành phố thuộc Đông Đức.

 

132 Content 21 8
Bến cảng Hamburg – Ảnh: shutterstock

Những địa danh như Hamburg, Berlin và Posdam đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc, đặc biệt là Posdam.

Dưới bầu trời mưa rả rích trong ngày hè lạnh lẽo, tôi lặng nhìn những hạt mưa trút xuống khu vườn của lâu đài Sans Souci cổ kính mà nghĩ về một cái tên đã bị xóa khỏi bản đồ thế giới: nước Phổ.

Hamburg – thành phố cảng bình yên

Từ Kristiansand, thành phố nằm ở miền nam của Na Uy, chúng tôi lên chuyến tàu phà khá to. Sau hơn 3 giờ lênh đênh trên biển, chiếc tàu Colour line cũng cập cảng Hitshal của Đan Mạch. Từ đấy, chúng tôi tiếp tục lái xe băng qua chặng đường gần 500 km để đến Hamburg, thành phố cảng khá nhộn nhịp và sầm uất của nước Đức.

Sau giấc ngủ vùi, chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá thành phố cảng Hamburg, tương truyền đây là nơi xuất phát loại thức ăn trứ danh mà ngày nay đã phổ biến khắp thế giới: hamburger.

Thành phố Hamburg mang một vẻ đẹp vừa cổ kính vừa hiện đại. Không chỉ có những bến cảng nổi tiếng với những chuyến tàu tấp nập vào ra đầy ắp hàng hóa đến và đi khắp nơi trên thế giới, Hamburg còn có nhiều điều thú vị hút hồn lữ khách: những con phố đi bộ sầm uất, những con đường lát đá rợp bóng cây, những ngôi thánh đường hàng bao thế kỷ và cả một tòa thị chính vững chãi với những hoa văn phù điêu trang trí trong ngoài thật đẹp…

Đêm về, Hamburg khoác lên mình một chiếc áo hoàn toàn khác hẳn. Khi thành phố lên đèn cũng là lúc trên con phố đèn đỏ dài khoảng 2 km của Hamburg trở nên tấp nập hơn bao giờ hết.

Những cô nàng mắt xanh da trắng, các chị da màu tóc nâu cùng khách hàng từ khắp nơi đang rôm rả chuyện trò, mua mua bán bán.

Nhưng tất cả các hoạt động liên quan này được chính phủ Đức quản lý chặt chẽ, phạm vi hoạt động được giới hạn tập trung chủ yếu trên con phố Herbert.

132 Content 22 10

Berlin – quá khứ và hiện tại

Rời Hamburg, chúng tôi tiếp tục hành trình đi về Berlin. Đã nhiều lần xuôi ngược khắp 25 nước châu Âu nhưng đây là lần đầu tôi bước chân đến Berlin.

Một thành phố nổi tiếng không bởi chỉ vì nó là thành phố lớn nhất, đông dân nhất của Đức mà nơi đây còn có “chứng nhân” lịch sử: bức tường Berlin. Những bài học trên giảng đường từ khi còn là sinh viên chợt ùa về trong tôi.

Tôi như nghe bên tai lời giảng của thầy cô về quá trình hình thành nên bức tường chia cắt 2 miền Đông và Tây Đức để rồi hình thành nên 2 chính thể khác nhau trên cùng một đất nước.

Hơn 25 năm kể từ ngày bức tường Berlin sụp đổ, nhưng khi đến đây tôi vẫn thấy lòng se lại. Hình ảnh của Berlin vẫn có một nét riêng mà tôi không thể thấy ở những nơi khác của nước Đức.

Những đường ống dẫn nước, dẫn khí đốt của thành phố không được đặt ngầm một cách chỉn chu mà lúc ẩn lúc hiện khi sụt khi trồi, lắm đoạn lộ thiên hay được dẫn trên cao quá đỉnh đầu làm tôi không khỏi xốn xang. Giờ đây, hai miền đã có cuộc sống đủ đầy thịnh vượng như nhau, nhưng những ống dẫn ga hay dẫn nước được sơn xanh sơn hồng một cách miễn cưỡng cứ đập vào mắt tôi như một vết sẹo của thời gian.

Có lẽ Berlin cũng cần phải có thời gian cho vết thương lành hẳn và để trả lại một vẻ đẹp không tì vết như bao thành phố khác của nước Đức có lẽ cũng không phải là điều giản đơn.

Hai ngày ở Berlin, trời vẫn cứ mưa và tôi vẫn cứ đi.

Những công viên rộng lớn. Những thánh đường uy nghi. Những cổng chào hoành tráng và đẹp mắt. Nhưng trong lòng tôi lại dành nhiều ưu ái hơn cho một thành phố khác nằm cận kề Berlin.

Tôi quyết định dành tất cả thời gian còn lại cho Posdam, nơi có lâu đài trứ danh Sans Souci.

Posdam – vùng đất mang vẻ đẹp kinh điển

Cách Berlin 24 km về hướng tây nam là thành phố Posdam, nơi từng diễn ra lễ ký kết hiệp định Posdam nhằm chấm dứt chiến tranh thế giới lần thứ hai vào ngày 27.7.1945. Ấn tượng nhất về thành phố này, với tôi, là một vương quốc cổ khác đã từng tồn tại ở đây – nước Phổ.

Là quốc gia tồn tại trong giai đoạn 1701- 1918, nước Phổ được hình thành và phát triển từ một vùng lãnh địa nhỏ thuộc tỉnh Warmia, Ba Lan. Đến năm 1914, nước Phổ có diện tích khoảng hơn 350.000 km2 trải dài trên vùng đất rộng lớn mà ngày nay thuộc Đức, Litva, Czech, Áo và lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga. Những công trình kiến trúc còn lại của hoàng gia Phổ khá đẹp và thơ mộng, và không thể không nhắc đến lâu đài Sans Souci.

Trong tiếng Pháp, tên tòa lâu đài có nghĩa là vô ưu, không lo lắng muộn phiền. Lâu đài được vua của nước Phổ – Frederick Đại đế cho xây dựng vào năm 1745 và hoàn thành vào 1748.

Đây là nơi được nhà vua yêu thích dùng làm chỗ nghỉ ngơi thư giãn, tổ chức các buổi hòa nhạc và đọc sách. Kiến trúc tòa lâu đài được xây dựng theo trường phái Rococo, phía trước mặt tiền được trang trí với các phù điêu, các bức tượng của thần rượu và những chiếc bình khá đẹp ngộ nghĩnh.

Từ khu vườn phía trước, chúng ta sẽ thấy tòa lâu đài được xây dựng trên một ngọn đồi. Lối đi lên dọc theo cầu thang là thửa ruộng bậc thang trồng những vườn nho xanh mướt rất đẹp và độc đáo. Bên trong lâu đài là vô số tuyệt tác nghệ thuật. Trải qua 2 cuộc thế chiến, nhưng tòa lâu đài rất may mắn vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc ban đầu. Là một triều đại phóng khoáng và có tinh thần đam mê học hỏi, các vị vua của nước Phổ luôn đề cao các lĩnh vực học thuật và triết học.

Do đó, thư viện là một trong những gian phòng đẹp nhất trong tòa lâu đài. Bên cánh phía tây của lâu đài là phòng khách nơi từng hân hạnh đón tiếp nhà văn và cũng là nhà triết học nổi tiếng của Pháp – Voltair, một người bạn khá thân của vua Frederick đại đế. Trong tòa lâu đài còn trưng bày bộ sưu tập tranh của các họa sĩ nổi tiếng như Rubens, Van Dyck…

Bước qua những gian phòng xa hoa lộng lẫy, nhìn ra khu vườn xanh màu và những rừng cây cổ thụ, đó đây vài khóm hoa đủ màu đang khoe sắc, tòa lâu đài thật hoàn hảo.

Những bộ bàn ghế sang trọng mạ vàng, những chén bát bằng ngọc, bằng gốm tinh xảo vẫn còn đấy mà chủ nhân của tòa lâu đài đã trở thành người thiên cổ từ lâu lắm.

Nước Phổ một thời hùng cường giờ đây đã chia năm xẻ bảy.

Trên bản đồ thế giới, nước Đức đã được hình thành trên một phần đất đai của nước Phổ ngày xưa…

Bầu trời mùa hè của Posdam vẫn đổ xuống những cơn mưa như trút nước.

Tôi lên xe mà lòng thoáng chút suy tư. Thời gian đã xóa nhòa những miền ký ức, những ông hoàng bà chúa, những nàng công chúa Phổ kiều diễm một thời vang bóng giờ cũng chỉ còn là cát bụi.

Bài & ảnh: Trần Văn Trường

 


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày