Hệ thống đào tạo nghề “kép” Duale Ausbildung – bí quyết thành công của nước Đức được nhiều quốc gia muốn học hỏi

Bài viết sau đây nói về hệ thống đào tạo nghề (Ausbildung/Lehre) của Đức (+ Áo/Thuỵ Sĩ), và thực ra là gửi gắm tới những người đã và đang định cư tại Đức là chính.

Nhưng theo Ad thì tất cả những ai đang học đại học (“Studium”) tại Đức hoặc có ý định sang Đức du học đại học (và định cư) cũng vẫn đều nên đọc qua. Ad nghĩ các bạn sẽ biết thêm đc nhiều thông tin hay ho về văn hoá & xã hội Đức (mà có nhiều người ở Đức 20-30 năm chưa hẳn đã biết).

132 1 He Thong Dao Tao Nghe Kep Duale Ausbildung  Bi Quyet Thanh Cong Cua Nuoc Duc Duoc Nhieu Quoc Gia Muon Hoc Hoi

➡️HỆ THỐNG ĐÀO TẠO NGHỀ CỦA ĐỨC CÓ GÌ ĐẶC BIỆT?

Hệ thống đào tạo nghề kép của Đức (+ Áo, Thuỵ Sĩ) được coi là tốt nhất thế giới, và nó hoàn toàn khác biệt với hệ thống đào tạo nghề tại các nước khác. Thay vì chỉ học nghề trong trường lớp như ở đa số các nước, thì ở Đức các học viên vừa phải học nghề song song tại trường lớp VÀ một doanh nghiệp. Sự kết hợp giữa trường dạy nghề + công ty/xí nghiệp là lý do tại sao hệ thống này đc gọi là đào tạo nghề “kép” (“Duale” Ausbildung). Thay vì phải trả một khoản học phí khi học nghề (như ở nhiều nước khác) thì ở Đức hầu hết các học viên còn được trả lương khi học nghề. Nhiều người nghe qua điều này thì rất ngạc nhiên (“Đi học, được người ta đào tạo mà còn được trả lương á??? Làm gì có chuyện vô lí như thế?”) nhưng đó là sự thật. Chỉ có một số khoá học nghề ít ỏi yêu cầu bạn trả học phí, hoặc là học miễn phí nhưng không trả lương – và lời khuyên của Ad là đừng dại dột học mấy khoá đó làm gì. Các tập đoàn làm ăn tốt và thực sự có sức kinh tế họ sẽ trả lương cho học viên của họ, thậm chí là mức lương khá cao. Ví dụ: những tập đoàn lớn như BMW hoặc Bosch thường trả học viên khoảng 900-1100€/tháng. Theo thống kê thì lương trung bình các bạn học nghề tại Đức đc trả hàng tháng là 832€ (Nguồn: https://www.ausbildung.de/ratgeber/gehalt/). Tuy nhiên nên nhớ đây là con số trung bình, tức là tuỳ từng ngành nghề và từng công ty thì mức lương học nghề có thể cao hơn hoặc thấp hơn. Phần lớn các chương trình đào tạo nghề tại Đức kéo dài 3 năm. Vì phải học và làm việc trực tiếp trong các doanh nghiệp nên các học viên Đức đc thực hành và va chạm thực tế nhiều, nhờ vậy nên tay nghề và kiến thức của họ rất chắc.

(Ở đây thì Ad cũng xin nói thêm là học nghề ở Đức khó và mệt phết chứ không hề dễ đâu. Mặc dù đa phần các khoá Ausbildung nhận học viên từ độ tuổi 16 (tốt nghiệp lớp 10), -nhưng- đó là với dân Đức (hoặc đi học ở trường lớp Đức từ nhỏ) thôi. Còn những bạn có ý định muốn từ VN du học nghề sang Đức, Ad nghĩ là phải những người đã ở độ tuổi “chín chắn”, đã tốt nghiệp trung học phổ thông (lớp 12) và đc xét tuyển vào đại học hoặc cao đẳng ở nhà mới đủ sức để học nghề bên này. Thường những người như vậy mới đủ trình độ để vượt qua rào cản ngôn ngữ [yêu cầu B1-B2]) và đủ “chín & cứng” để đáp ứng yêu cầu công việc cũng như phong cách làm việc kỷ luật cao của người Đức. Học đại học thì bạn có thể ru rú ở nhà 5 năm trời mà không tiếp xúc nhiều với người Đức, nhưng học nghề thì phải làm việc và tiếp xúc va chạm với họ thường xuyên.)

Sau khi nhận bằng nghề, nếu được công ty đào tạo nhận vào làm việc chính thức thì ở lại, còn không thì… cầm bằng nghề đi xin việc chỗ khác :))) Tức là nếu bạn đc BMW đào tạo, không có nghĩa là học xong bạn phải làm cho BMW mà có thể chạy sang những hãng cạnh tranh như Audi, Porsche để xin việc.

Mô hình đào tạo nghề của Đức được rất nhiều nước phát triển (trong đó có Mỹ) ngưỡng mộ và nghiên cứu với mục đích muốn học hỏi. Từ cách đây 20 năm, Văn phòng Thống kê Lao động của Bộ Lao Động Hoa Kỳ đã cho nghiên cứu mô hình của Đức để đánh giá khả thi áp dụng nó vào nước Mỹ: -“US and German youths: unemployment and the transition from school to work”: https://www.bls.gov/opub/mlr/1997/03/art3full.pdf -Đến Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn coi Mỹ là nhất quả đất, nhưng cũng phải khen ngợi và cố áp dụng mô hình đào tạo nghề của Đức: http://foreignpolicy.com/…/apprenticeships-germany-tru…/amp/

https://www.whitehouse.gov/…/remarks-president-trump-round…/

-Bài “Why Germany is so much better at training its workers” của báo The Atlantic: https://www.theatlantic.com/amp/article/381550/

************ ???? ĐẠI HỌC vs HỌC NGHỀ – cách nhìn nhận khác lạ của người Đức (+ Áo, Thuỵ Sĩ) ????

Con cái vào đại học là khát vọng cháy bỏng của nhiều ông bố, bà mẹ Việt Nam. Mặc dù sinh ra & lớn lên ở Đức từ nhỏ, nhưng Ad vẫn là người gốc Việt, lớn lên trong một gia đình thuần Việt, và vì vậy nên trong việc học tập Ad cũng được gia đình định hướng đi theo con đường mà hầu như mọi bậc phụ huynh Việt đều cho là sáng láng nhất: con đường đại học. Từ hồi bé cho đến khi Ad 18 tuổi, trong đầu Ad vẫn luôn nghĩ: mình phải vào được đại học. Đại học là tất cả. Đó là cho đến khi Ad học đại học và ra ngoài thực tập trong các tập đoàn Đức.

Ad may mắn được sinh ra là một đứa mọt sách, từ nhỏ đã thích đọc, thích nghiên cứu tìm hiểu các đề tài trên trời dưới biển, thích suy ngẫm về mọi khía cạnh của cuộc đời. Vì bản tính đó nên mặc dù lười như hủi nhưng việc học mấy thứ lý thuyết rắm rối đối với Ad là không quá khó khăn. Và nhờ vậy nên Ad đã theo đuổi được con đường đại học. Sau nhiều năm la cà trên giảng đường thì giờ cũng đã xong Master (thạc sĩ) và mới đây đã xin được việc. Tóm lại, con đường đại học là con đường phù hợp với cá nhân Ad (ơn trời!).

Mặc dù vậy nhưng Ad thật sự rất muốn xoá bỏ cái tư duy “đại học là tất cả” trong cộng đồng Việt tại Đức. Ad cho rằng, cái tư tưởng đó đã vô tình gây áp lực nặng nề cho bao con cháu người Việt tại Đức, và gây ra sự lãng phí nhân lực vì chúng ta không thể tận dụng hết các cơ hội đào tạo mà nước Đức đem lại. Ad cũng tin rằng, tư tưởng “sính bằng cấp đại học” trong xh VN chính là một yếu tố lớn đã gây ra nhiều hệ luỵ kinh tế cho nước nhà. Nhưng thôi, là người Việt ở Đức nên Ad chỉ muốn gửi gắm bài này đến những người sinh sống tại Đức và các bạn du học sinh tại Đức.

Thời thiếu niên, mặc dù được nhà trường ra rả giới thiệu về các cơ hội học nghề (Berufsausbildung/Lehre) nhưng Ad chẳng mấy quan tâm, chỉ quan tâm đến các ngành đại học (Studium). Bởi vì sống trong cộng đồng Việt, các bậc phụ huynh chỉ quan tâm đến đại học mà thôi.

Khi Ad tốt nghiệp Abitur và kể với một vài người quen ng Đức rằng Ad sẽ học lên đại học (“studieren”), họ tỏ vẻ rất ngạc nhiên và ngưỡng mộ: “Ôi, mày định học đại học luôn cơ á?”. Lúc đó lòng tự ái dâng cao, Ad chỉ nghĩ trong đầu là: “Mịe bố ts mấy thằng khoai tây Đức này, mày ngạc nhiên khi thấy người Việt học đại học à, bố sẽ cho bọn mày trắng mắt ra.”

Trong lớp phổ thông (trường Gymnasium) của Ad có một thằng công tử nhà giàu nhất lớp. Nhớ hồi lớp 5, học tiếng Anh cô giáo hỏi là “How many rooms do you have in your house or flat?”, nó khoe với cả lớp là biệt thự nhà nó có 22 căn phòng, cô giáo nghe vậy đã phải thốt lên rằng sau này nó đủ 18 tuổi nhất định cô sẽ phải cố cưới nó cho bằng được. Hỏi ra thì hoá ra là bố nó sở hữu một xưởng gỗ chuyên sản xuất bàn ghế nội thất. Anyway, thằng đó giàu mà lại còn đẹp trai cao to nên cũng khá là chảnh chó và đua đòi, thay bạn gái như thay áo. Nó học không giỏi bằng Ad nhưng nói chung thì cũng khá. Vậy nhưng sau khi đỗ Abitur (tốt nghiệp lớp 12) nó đã đi học nghề thợ mộc trong xưởng gỗ của bố nó thay vì học ngay lên đại học. Hỏi thật nhé: Ở VN mình các bạn có biết thằng công tử nào con nhà giàu + đẹp trai + chảnh chó + học khá mà lại đi… học nghề thợ mộc không?? Ad thì không. Và vì vậy nên hơi bị ngạc nhiên… Nhưng rồi cũng kệ chẳng thèm để ý tiếp làm gì.

Trong số bạn bè người Đức của bố Ad, có một chú công nhân có thằng con trai học rất giỏi, đỗ Abitur 1,4. Nó quyết định đi học nghề tại một nhà máy sản xuất động cơ của Daimler (tập đoàn sx xe Mercedes) để trở thành thợ cơ khí. Ad lại ngạc nhiên. Và lại kệ.

(Lý do Ad ngạc nhiên là vì thường những đứa học loại trường Gymnasium là những đứa có học lực khá đến giỏi. Chỉ những người học cấp Gymnasium mới được học lên lớp 12 và thi Abitur, và chỉ khi đỗ Abitur bạn mới được phép học lên đại học. Ad đã không hiểu đc tại sao có những người có tấm vé vào đại học trong tay lại chọn đi học nghề!)

Mãi đến khi đã vào đại học, Ad mới lờ mờ hiểu ra rằng… hình như bọn Đức nó nhìn nhận đại học khác với người Việt. Vào lớp đại học, cứ ngỡ là sẽ toàn những thằng 18 tuổi non choẹt giống mình, nhưng không hiểu sao lại có khá nhiều “anh” lớn tuổi hơn. Hỏi ra mới biết là bọn nó học nghề trước khi vào đại học. Lúc đầu cứ nghĩ, ôi mấy thằng phải đi học nghề thì chắc là học lực cũng chỉ bình thường thôi. Ai dè, nhiều đứa trong số đó điểm cao chót vót. Và khác với Ad chỉ biết lý thuyết suông thì mấy thằng đó có rất nhiều kinh nghiệm thực hành. Tụi nó hiểu rất kĩ về máy móc, về cách ứng dụng trong công việc thực tế.

Hết kì 6, Ad đi thực tập tại Bosch. Lúc đó thì Ad bị sốc thật sự. Tập đoàn lớn nên Ad được tiếp xúc với khá nhiều người. Có vài lần Ad bị “hớ” khi bày tỏ sự ngưỡng mộ về hiểu biết chuyên môn của một vài đồng nghiệp. Ad hỏi họ: “Mày biết nhiều ghê, hồi trước mày học đại học (studieren) ngành gì vậy?” —– “Tao không học đại học. Tao học nghề.”

Cả cái tập đoàn đa quốc gia lớn và danh tiếng như vậy mà đa số nhân viên Đức trong đó “chỉ” học nghề. Trong số nhân viên có bằng đại học thì đại đa số học Fachhochschule ra. Ad học Uni cảm thấy hơi bị lạc lõng. Được cái là tụi đồng nghiệp nghe mình học Uni thì đều tỏ ra rất ngưỡng mộ (có đứa còn hơi ganh ghét đố kị) ???? Hơi ngại vì Ad tự cảm thấy là mình “non” và thiếu hiểu biết hơn tụi nó nhiều, chỉ giỏi lý thuyết suông.

Cùng vào khoảng thời gian này, Ad dạy gia sư cho một bé người Việt. Nói thẳng ra thì học lực của bé không tốt cho lắm. Bố mẹ của bé có kể cho Ad rằng ước mơ lớn của cô chú là sau này bé sẽ có thể vào đại học. Cô chú cũng kể rằng, khi một người quen Đức nghe ước mơ đó, họ đã nói rằng, học lực của bé chỉ trung bình kém thì đừng nên ép cháu phải học lên Gymnasium rồi vào đại học làm gì, học nghề thôi cũng tốt vì xã hội cũng rất cần những người thợ lành nghề mà. Tất nhiên là cô chú đã khá giận và tự ái về lời khuyên đó, giống như Ad từng tự ái khi một vài người Đức ngạc nhiên về việc Ad học đại học.

Lúc thực tập tại Bosch, ngày nào Ad cũng đi tới công ty bằng xe bus. Đi cùng xe bus với Ad có một nhóm thanh thiếu niên mặt non choẹt, tóc nhuộm các màu sáng choé, mũi xỏ khuyên, xăm trổ đầy mình. Hỏi ra thì hoá ra là tụi này 16-17 tuổi, tốt nghiệp lớp 10 tại Realschule(!) xong thì đi học nghề tại Bosch. Theo như lời của mấy đứa thực tập trong phòng nhân sự khai ra thì lương học nghề của bọn trẻ trâu đó là hơn 950€/tháng, bằng với lương thực tập của Ad hồi đó. Nhưng Ad hồi đó là đứa sinh viên đại học 21 tuổi, còn bọn kia chỉ tốt nghiệp lớp 10 và mới 16-17 tuổi.

Đi trong xưởng thấy treo nhiều ảnh ọt của Robert Bosch, nhà phát minh đã thành lập nên công ty Bosch. Ad tò mò tra xem thử ông Bosch học đại học ở đâu. Nhưng ổng cũng không học đại học. Ổng thậm chí còn không học Gymnasium. Ổng học Realschule rồi học nghề thợ cơ khí…

Bất giác Ad nghĩ tới người em mà Ad dạy gia sư, nghĩ tới những người bạn học trầy trật khổ sở mới qua đc Gymnasium, những người bạn phải bỏ dở đại học vì bị quá sức. Người Việt chúng ta luôn tự hào về những con em học giỏi, điểm cao, luôn tự hào rằng tỷ lệ học sinh gốc Việt học Gymnasium cao hơn người Đức. Nhưng còn những người không “học giỏi” (bù lại họ có thể “làm giỏi”) thì sao? Họ bị ép học để làm “rạng danh” cha mẹ và luôn trong trạng thái phải cố nữa, cố mãi. Cho đến khi đứt gánh giữa đường. Trong khi đó, nước Đức có những cơ hội học nghề tốt như thế thì lại có quá ít người Việt biết đến để nắm lấy. Hoặc cũng có thể là chúng ta biết nhưng không thèm quan tâm, vì coi thường, vì nghĩ rằng việc học nghề không “xứng tầm” với ta.

Ad cảm tưởng hình như cộng đồng người Việt đã ở Đức lâu năm có rất ít người quan tâm đến các cơ hội đào tạo nghề. Mặc dù mấy năm trở lại đây cộng đồng Việt bàn tán xôn xao về việc học nghề (nhưng thường chỉ là nghề điều dưỡng/nhà hàng), tuy nhiên là có vẻ như nhiều người chỉ muốn lợi dụng việc học nghề để chủ yếu giúp con cháu họ hàng “xuất ngoại” sang Đức rồi sau đó trốn đi làm giấy tờ theo cách cưới xin/nhận con. ???? Ad không cổ xuý cho mấy việc này, nhiều người nghĩ lắt léo là “khôn” nhưng theo kinh nghiệm của Ad thì làm như vậy sẽ chỉ gây tổn hại cho tương lai lâu dài tại Đức. Giống như việc “ăn gian” Hartz4 (tiền hỗ trợ xã hội cho người thất nghiệp lâu năm), nhiều người nghĩ là “khôn”, nhưng trên thực tế ăn đc vài trăm đồng/tháng nhưng rốt cục gây ra bao nhiêu hạn chế cản trở trong cuộc sống mà không thể lường trước đc.

***** ☝️NGƯỜI ĐỨC RẤT TÔN TRỌNG NHỮNG NGƯỜI CHỌN HỌC NGHỀ – với họ, đại học không phải con đường duy nhất

Ad nói thì chắc nhiều người sẽ không tin, thế nên lại lôi báo Mỹ ra để chứng minh vậy :))) [ http://foreignpolicy.com/…/apprenticeships-germany-tru…/amp/ ]

“In contrast to in the U.S., there’s real respect in Germany for all of the skilled professions covered by the VET (vocational education and training system). […] It’s not nearly as elitist as the U.S. labor market, where many such jobs are looked down upon.”

Tạm dịch: Khác với ở Mỹ, người Đức thực sự tôn trọng tất cả những nghề nghiệp đc dạy trong hệ thống đào tạo nghề. Không hề giống với thị trường việc làm Mỹ, nơi mà người ta coi thường nhiều nghề trong số đó.

“American business consultant and author Harold Sirkin underscores that vocational education in the United States is often considered the place for difficult students and underachievers. Some students, he argues, “are bored by traditional studies, while others don’t have the aptitude for college. Some would rather work with their hands.” In the United States, he notes, these types can fall through the cracks, winding up unemployed and in poverty. But the Germans, he maintains, “realize that everyone won’t benefit from college, but they can still be successful and contribute to society. Americans often see such students as victims. Germans see these students as potential assets who might one day shine if they’re matched with the right vocation.”

Tạm dịch: Tác giả và nhà tư vấn doanh nghiệp Harold Sirkin nhấn mạnh rằng: Ở Mỹ việc học nghề thường bị coi là dành cho học sinh cá biệt, học lực kém. Nhiều học sinh bị chán nản bởi cách dạy truyền thống, và ngoài ra còn có những em khác không đủ khả năng để học đại học. Nhiều em thì lại thích làm việc với đôi tay hơn. Ở Mỹ, tuýp người này có thể sẽ bị “rơi qua khe nứt” (ý là bị xã hội bỏ qua), và cuối cùng thì thất nghiệp và rơi vào cảnh nghèo khó. Nhưng người Đức thì nhận ra rằng, không phải ai cũng sẽ hưởng lợi từ việc học đại học, nhưng họ vẫn có thể thành công và đóng góp cho xã hội. Người Mỹ coi những học sinh như vậy là nạn nhân. Còn người Đức coi họ là tài sản tiềm năng, là những người có thể toả sáng nếu họ được học một nghề phù hợp.

[Well, điều mà ông Sirkin còn chưa nhấn mạnh, là thậm chí còn có những thằng Đức đỗ Abitur 1 phẩy đến 2 phẩy – tức là thừa khả năng vào đại học – mà vẫn chọn học nghề.

Trên thực tế, vì sự khác biệt văn hoá này nên có nhiều ngành nghề ở Mỹ đc dạy trong đại học thì ở Đức lại “chỉ” học trong hệ thống đào tạo nghề. Ví dụ như nghề y tá chẳng hạn. Ở Mỹ/Úc muốn trở thành y tá bạn sẽ học đại học để lấy tấm bằng Bachelor of Science in Nursing. Ở Đức nếu bạn bảo với một đứa muốn làm y tá rằng nó phải học đại học, khả năng lớn là nó sẽ cười ha hả vào mặt bạn rồi đi học nghề Krankenpfleger. ]

******* ☝KHI SINH SỐNG Ở ĐỨC, HÃY CỐ HIỂU LỐI TƯ DUY VÀ VĂN HOÁ XÃ HỘI CỦA NGƯỜI ĐỨC

Nhiều gia đình Việt ở Đức đã 20-30 năm nhưng họ vẫn áp dụng lối suy nghĩ Việt vào mọi khía cạnh cuộc sống tại Đức. (Nhà Ad cũng không hẳn là một ngoại lệ.) Việc này mang lại một số ích lợi chứ không phải là không… Nhưng thường thì nó cũng gây ra nhiều cản trở không đáng có vì “lệch pha”.

Trong số những người Việt thuộc thế hệ thứ 2 lớn lên từ nhỏ tại Đức, có nhiều người học rất khá, rất thông minh và nhanh nhẹn – nhưng không sở hữu những đặc tính phù hợp để có thể vượt qua ải đại học Đức. Nếu học nghề, khéo có lẽ họ đã đang quản lí một nhóm nhân viên nhỏ trong một tập đoàn danh tiếng nào đó rồi. Nhưng bố mẹ họ bắt họ học đại học. Học đại học ngành Quản Trị Kinh Doanh không xong thì thôi nhảy sang học Luật. Học Luật ko nổi lại chuyển tiếp sang ngành Nhật ngữ. Học đc 2-3 kì lại chuyển sang một ngành kĩ thuật. Rồi nhảy tiếp sang Tin học. Sau hơn 10 năm ăn học không mang lại kết quả gì, tuổi đời đã quá 30, đành lại đi làm quán và làm nail. Nếu những người đó đam mê và thích làm quán thì Ad không nói làm gì, nhưng đây là do hoàn cảnh bắt buộc.

Điều đáng tiếc là: Nếu bạn thích làm một nghề lq đến Quản Trị Kinh Doanh, hoặc Luật, hoặc Kĩ Thuật… bạn không nhất thiết phải học đại học! Thay vì làm luật sư, bạn có thể làm Rechtsanwaltsfachangestellte (người hỗ trợ luật sư). Thay vì làm kĩ sư, bạn có thể làm thợ cơ khí, thợ điện, vv. Thay vì làm kĩ sư tin học, bạn có thể học nghề để trở thành lập trình viên, nhân viên quản trị hệ thống IT. Thay vì học đại học ngành Quản Trị Kinh Doanh, bạn có thể học các nghề trong nhóm ngành QTKD.

Thưa các bậc phụ huynh, nếu thấy con em mình ngắc ngoải khi học đại học thì xin đừng vì sĩ diện mà ép họ phải cố tiếp. Học Uni không nổi thì hãy bảo họ học FH. Học FH cũng không nổi thì đi học nghề (Ausbildung). Hơn 30% trong số các sếp nắm quyền quản lí một nhóm nhân viên tại các tập đoàn Đức “chỉ” sở hữu bằng học nghề mà thôi. Rất có thể sau này con cái bạn sẽ thuộc vào số đó thì sao? ——— ???????????? Người Đức có câu nói rất hay là “Một bộ tộc da đỏ không chỉ cần có người thủ lĩnh, mà còn phải có cả dân da đỏ nữa”.

Một đàn ong chỉ cần duy nhất một ong chúa, nhưng phải có hàng trăm, hàng ngàn ong thợ. Một quân đội chỉ có các tướng mà không có hàng ngàn quân lính đằng sau thì cũng chẳng đánh đấm được gì. Một doanh nghiệp nếu chỉ có các sếp nhưng không có những người nhân viên, người thợ thì đừng mong làm đc trò trống gì.

Đại học là nơi đào tạo ra tầng lớp “ưu tú” của xã hội. Phải đảm bảo được chất lượng giảng dạy và nghiên cứu tại đại học là điều tất nhiên.

Nhưng đồng thời người Đức cũng hiểu rằng, cái “tầng lớp ưu tú” chỉ là một phần nhỏ của xã hội, họ không thể chỉ đầu tư vào tương lai của các “thủ lĩnh da đỏ” và “ong chúa”, và cũng không nên khuyến khích tất cả(!) mọi người phải cố bằng mọi cách để thành “thủ lĩnh” và “ong chúa” làm gì.

Thay vào đó, nếu đào tạo ra được thật nhiều “lính da đỏ” hoặc “ong thợ” lành nghề thì cả nền kinh tế sẽ được nhờ. Bởi lẽ, một đàn ong có quá nhiều “ong chúa” và quá ít “ong thợ” thì khó mà có thể sản xuất ra đc nhiều mật ngọt. Không có ong chúa thì đàn ong khó mà tồn tại, nhưng không có ong thợ thì cả đàn cũng chết. Ong chúa phụ trách một nhiệm vụ, ong thợ phụ trách những nhiệm vụ khác.

Đại học vs học nghề cũng vậy. Hai con đường đào tạo này rèn luyện các kĩ năng khác biệt với nhau. Xã hội cần cả hai nguồn nhân lực. Thậm chí có một số công việc đòi hỏi một người phải đã qua học nghề VÀ đại học mới có đủ kĩ năng để làm. Vậy nên mỗi khi dân tình đổ xô đi học đại học nhiều quá là các chính trị gia, báo chí truyền thông và các doanh nghiệp Đức đều kêu than oai oái. Bởi vì họ hiểu rất rõ rằng, việc “sính đại học” sớm muộn cũng sẽ gây ra hậu quả cho nền kinh tế nước Đức.

_Diều Hâu_

Nguồn: Nước Đức – Deutschland


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày