Chuyện bếp núc của con trai du học

Từ Việt Nam sang Hà Lan với “body” cực kỳ vạm vỡ, vậy mà một thời gian sau, chàng du học sinh nọ xanh rớt như tàu lá, vào bệnh viện mới biết đã bị loét ruột. Trăm sự cũng vì ăn uống thất thường! Hóa ra, chuyện ăn uống của các chàng khi đi du học cũng lắm nỗi đau đầu.
132 Content 3 11
Nguồn: Internet

Trường ca… mì tôm

Sang Hà Lan 2 năm rồi, nhưng món mà Sơn Tùng, sinh viên Đại học Groningen “bồ kết” quanh năm suốt tháng vẫn là mì tôm! Lúc mới chân ướt chân ráo sang, tưởng rằng chỉ dùng hết thùng mì tôm mang sang cho khoảng thời gian đầu, ai ngờ đến khi đã thành “ma xó” ở Groningen, anh chàng vẫn không từ bỏ được món này. Mà đồ nghề nhà bếp Tùng cũng tậu về đầy đủ chẳng kém ai: nồi, chảo, bát, đũa…

Anh chàng đã lượn lờ ở các cửa hàng đồ cũ để có thể mang về đồ nấu nướng rẻ gấp hàng chục lần so với đồ mới, để rồi chẳng mấy khi dùng tới! Lý do: Tùng ở một mình, tính lại qua loa, đại khái nên lười nấu nướng. Thôi thì tới bữa, làm gói mì và chút rau, chút thịt bỏ vào, thế là vừa đủ chất vừa no bụng!

Đám sinh viên Việt tại Hà Lan vẫn kể nhau nghe chuyện về một anh chàng đen đủi: từ Việt Nam sang vạm vỡ khỏe mạnh là thế, một thời gian sau người xanh như tàu lá, vào bệnh viện nghe bảo là đã bị loét ruột. Trăm sự cũng vì ăn uống thất thường! Biết thế, nhưng Tùng vẫn không sửa được thực đơn của mình.

Rửa bát trình độ chuyên gia…

Ngọc Ánh, cựu sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội, sau khi sang Malaysia học được 1 tháng, từ 63kg chỉ còn 59kg. Ánh kể: “Cậu nào sang cũng vậy, mới đầu thì béo tốt, sau một vài tháng là biết nhau ngay! Đồ ăn căng-tin không hợp khẩu vị, con trai lại lười nấu nướng. Một khi đã dùng hết số mì tôm và ruốc mang từ Việt Nam sang thì cái dạ dày cũng nếm mùi lao đao!”.

Những anh chàng khờ khạo thì cam chịu cảnh dạ dày luôn trong tình trạng bất an, còn những cậu tinh ranh và cả may mắn nữa thì chọn phương án khác: tìm bạn gái! Con gái vốn chăm nấu ăn, nấu ngon và lại có nhu cầu… chăm sóc người yêu, thành ra “bên tình, bên dạ dày” đều có lợi.

Chiều chiều, dạo qua phòng bạn bè, thấy các đôi ríu rít vừa cơm cơm nước nước vừa chuyện trò, mùi thức ăn thơm nức mũi, những chàng chưa có người yêu chỉ có nước ngẩng cao đầu ngoảnh mặt bước vội qua, nghĩ mà cám cảnh cô đơn!

Vậy còn những cậu không khờ khạo, cũng không may mắn có người yêu thì làm sao? Họ có cách khác: đi ăn ké! Những khi chán với mấy món tự chế không nuốt nổi, Ngọc Ánh lại tìm đường đến bạn bè. Và một luật bất thành văn đã được đám du học sinh Việt Nam tại Malaysia tuân thủ rất tự giác: chủ mua đồ ăn thì khách sơ chế, chủ nấu ăn thì khách rửa bát, hoặc ngược lại…

Đến giờ, có “thâm niên” đi ăn ké, trình độ rửa bát của Ánh đã thuộc hạng chuyên gia, cả một chậu bát to tú ụ qua tay chàng chỉ 5 phút là sạch bóng!

… Và những “siêu đầu bếp”

Những anh chàng vừa biết lo gần vừa biết lo xa thì ngay từ khi mới đặt chân lên đất khách đã lo hỏi bạn bè chỗ nào có thể mua đồ gia vị Việt Nam hoặc gia vị Tàu cũng tạm được. Như Mạnh Dần, khi tới Manchester (Anh) đã sáng suốt chui ngay vào box Khéo tay hay làm trên diễn đàn của du học sinh Việt Nam tại đó để hỏi han. Kết quả: Dần được chỉ dẫn cho vài địa chỉ để tìm mua nước mắm, bột nêm, gừng, tỏi…

Các diễn đàn của du học sinh luôn có một chủ đề mà không ít các chàng trai nhà ta tìm đến để nghiên cứu, đó là mục Hướng dẫn nấu ăn. Ai tự dưng có một ít đồ ăn mà không biết cách chế biến làm sao hoặc ai muốn biết công thức nấu ăn một món nào đó để chuẩn bị tuần tới đãi khách: lên hỏi, sẽ có ai đó biết và chỉ dẫn.

Có những anh chàng nấu ăn siêu tới mức mở hẳn một chủ đề Món ăn – hướng dẫn bằng hình ảnh với lời giới thiệu ngắn gọn: “Giúp các con trời khi xa nhà”. Chàng trình làng toàn những món do chính mình đạo diễn và thực hiện, màu sắc và trình bày đều rất đẹp mắt khiến bà con nuốt nước miếng ừng ực. Ấy chính là anh bạn có nick AK47 trên diễn đàn của du học sinh Việt Nam tại Anh.

“Đáp ứng nguyện vọng của thanh niên xa mẹ. Đáp ứng nhu cầu tiết kiệm, dinh dưỡng, vệ sinh trong ăn uống cho các thanh niên hiện đã, đang và sẽ lang thang khắp nơi” – đây là mấy lời của AK47 khi chia sẻ với bạn bè những kinh nghiệm bếp núc trên.

Quả thật, cái dạ dày mà không yên, làm sao đủ sức để học hành, làm việc nơi xứ người, hỡi những chàng trẻ tuổi?

Theo Phương Nguyên
Thanh Niên


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày