Ở môi trường công sở, rất dễ gặp phải một số đồng nghiệp mắc bệnh khoe khoang quá đà về thực lực bản thân.
Thời gian gần đây, khi gặp gỡ bạn bè, tôi thường được nghe các bạn nhắc đến trào lưu flex. Ban đầu, tôi không hiểu là gì vì ít theo dõi mạng xã hội, không xem Youtube hay Tiktok.
Nghe các bạn giải thích, tôi mới hiểu "Flex" là từ lóng của tiếng Anh được sử dụng rộng rãi từ những năm 1990, chỉ sự phô diễn cơ bắp và sức mạnh của bản thân. Từ này được nhiều rapper sử dụng trong tác phẩm của mình để chỉ hành động khoe khoang quá đà, gây khó chịu cho những người xung quanh.
Có thể là cha mẹ khoe chứng chỉ IELTS của con, khoe đỗ học bổng ở các trường đại học danh tiếng ở nước ngoài, khoe được người yêu tặng nhà, tặng ôtô, khoe có thân hình đẹp nóng bỏng, khoe cuộc sống xa hoa, các sản phẩm xa xỉ và giới hạn, khoe thành tích trong công việc, khoe chức quyền, khoe khả năng thao túng tâm lý của người khác, khoe tài lẻ... đến việc khoe mối quan hệ hay sự nổi tiếng. Điều này góp phần vào việc tạo ra áp lực xã hội và so sánh không lành mạnh, sự ganh đua, ghen tỵ.
Thanh niên trẻ hay thích khoe thì cũng dễ hiểu. Tuổi trẻ chưa chín chắn, thích thể hiện, thích phô trương. Nhưng ngay cả những người đã ở độ tuổi trung niên cũng mắc phải sai lầm này.
Câu thành ngữ "Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa" là để chỉ một loại người đáng chê trách trong xã hội, song thời nào cũng có. Không chỉ giỏi ăn, họ còn giỏi khua môi, múa mép, ba hoa như rồng bay, phượng múa. Thế nhưng làm thì chao ôi, không khác gì... mèo buồn nôn. Tóm lại, đó là loại người nói không đi đôi với làm, nói thì hay nhưng làm thì dở. Song tiếc thay hiện nay, nó lại xuất hiện ở không ít công chức, viên chức.
Suốt 20 năm đi làm, tôi đã làm cùng nhiều đồng nghiệp khác nhau và có quá nhiều trải nghiệm thực tế. Tôi cảm thấy câu thành ngữ: "Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa" thực sự rất đúng. Có cả trăm ví dụ điển hình kiểu như này. Trong cuộc họp về công tác chuyên môn, lãnh đạo hỏi nhân viên phụ trách mảng công việc được giao làm đến đâu rồi.
Nhân viên báo cáo rất hay: "Em làm xong hết rồi, ngay ngày mai em sẽ hoàn thiện và gửi báo cáo cho anh". Nhưng sau đó họ cũng quên đi. Hoặc có những người phát biểu trong cuộc họp: "Em còn trẻ, em sẽ cống hiến hết mình cho công việc, em sẽ làm ngày làm đêm để hoàn thành công việc".
Nhưng mỗi khi được giao việc gì thì chẳng bao giờ làm việc độc lập được một mình, luôn phải dựa dẫm vào người khác làm hộ, luôn đẩy việc cho người khác làm chính còn mình chỉ ngồi chém gió dăm câu ba điều góp vui.
Cứ lãnh đạo giao việc là lại báo cáo em đang bận làm việc này, em đang bận làm việc kia nên em không thể hoàn thành, đề nghị bổ sung thêm người hỗ trợ việc cho em. Lúc nào cũng kêu bận lắm nhưng sáng thì 9-10h mới đến làm, chiều 15h-16h mới xuất hiện, mảng việc nào cũng làm chậm tiến độ, phải nhờ người khác làm hộ mới xong việc.
Mỗi khi có cuộc họp quan trọng là làm khổ lây bao nhiêu người khác phải chạy theo hỗ trợ. Làm thì ít nhưng lúc nào cũng kêu ca đủ điều với tất cả mọi người như thể mình bận rộn lắm. Ra cuộc họp báo cáo trước lãnh đạo thì nói hay như thể bản thân mình làm hết mọi việc, người khác chả làm gì. Mọi người đều kém cỏi, chỉ có mình là giỏi nhất.
Những người không làm cùng thì không hiểu nhưng những người làm cùng thì đọc vị bản chất của nhau, chỉ cười khẩy vì nghe chối quá. Hay có những người luôn khoe mình có quan hệ rộng với những người có địa vị xã hội, có chức quyền ở cơ quan này cơ quan khác. Nhưng khi đồng nghiệp cần nhờ vả thì lại chả giới thiệu được ai để giúp đỡ.
Đến lúc có việc thì đồng nghiệp mới nhận ra những lời nói của họ trước đây chỉ là chém gió. Hay có những người có tài ăn nói tốt, có khả năng lòe bịp những người xung quanh, làm mọi người lầm tưởng họ giỏi chuyên môn lắm. Những người không làm việc cùng, chỉ nghe họ chém gió thì cứ nghĩ họ tài năng lắm. Nhưng chỉ những ai làm việc trực tiếp cùng mảng việc với họ mới biết họ chuyên làm sai quy định, lừa dối, gài bẫy đồng nghiệp và cấp trên.
Những ai phải tiếp nhận công việc của họ sau khi họ chuyển đi mới thấm thía nỗi khổ vì phải dọn rác cho họ đến mấy năm sau không hết. Có những người luôn tự hào mình giỏi hơn người khác, được lãnh đạo trọng dụng, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong cơ quan.
Nhưng thực tế thì họ tư vấn sai nhiều việc làm lãnh đạo mắc sai lầm nghiêm trọng, làm mất bao nhiêu thời gian, công sức, tiền bạc vào những việc không đâu. Khi cấp trên kết luận họ sai, họ lại đổ lỗi cấp trên sai hay do lãnh đạo chỉ đạo họ làm chứ họ không có trách nhiệm gì.
Họ luôn tìm cách bao biện cho những sai lầm của mình và không bao giờ nhận sai. Hay có những người luôn khoe khoang mình giỏi luật, chỉ có mình mới làm đúng, còn tất cả người khác là không biết gì, là làm sai hết trong khi chính họ mới là người vi phạm pháp luật nhiều nhất.
Họ luôn dọa dẫm, thao túng tâm lý người khác, điều khiển người khác bằng cách thu thập các bằng chứng về sai lầm của người khác, thậm chí là ghi âm cả những câu chuyện tâm sự riêng tư để dùng làm bằng chứng tố cáo người khác vi phạm pháp luật. Họ tự hào về những việc họ làm, tự hào khi người khác phải run sợ trước họ, phải nhất mực nghe theo sự điều khiển của họ, chấp nhận thỏa hiệp với họ và cho họ đạt được những quyền lợi mà họ muốn như tiền, chức vụ...
Có thể nói rằng, mỗi một cơ quan giống như một xã hội thu nhỏ. Trong đó có rất nhiều kiểu người, có người khiêm tốn, có người khoe khoang, có người có năng lực, có người không có năng lực, có người thật thà, có người thủ đoạn nham hiểm, có người luôn bảo vệ người khác, có người luôn tìm cách dìm chết những người có khả năng cạnh tranh vị trí của mình hoặc người giỏi hơn mình...
Nhiều khi cơ quan đông cả nghìn người nhưng chỉ có thể chơi thân với vài người. Bởi, không thể tìm thấy sự tương đồng trong tính cách và suy nghĩ, không cảm thấy an toàn, tin tưởng khi kết giao với ai.
Nói một cách công bằng thì ai cũng muốn được người khác ghi nhận. Mỗi cá nhân khi làm được điều gì đó đặc biệt hay đạt thành tựu, muốn khoe ra cho mọi người thấy. Khoe khoang cũng được nhưng phải có thực lực thì hãy khoe. Trong môi trường công sở, toàn người có trình độ cao, sẽ rất nhanh để người ta nhận ra năng lực thực sự của ai đó.
Dù bạn có nói hay đến mấy mà kết quả công việc bạn làm không ra sản phẩm gì, làm việc gì cũng chậm tiến độ, cũng phải dựa dẫm vào người khác thì làm gì còn ai tin những lời nói sáo rỗng ấy của bạn mãi? Dù bạn có nói hay đến mấy mà khi đồng nghiệp cần đến sự hướng dẫn, hỗ trợ của bạn mà bạn luôn giấu giếm, không chia sẻ thông tin, tài liệu cho họ? Xin tài liệu gì bạn cũng không cho họ.
Thậm chí còn tư vấn cho họ làm sai để họ mắc sai lầm thì ai có thể phục bạn? Dù bạn có nói hay đến mấy mà đến khi có quyền lợi gì, bạn cũng tìm cách gạt đồng nghiệp ra và để chỉ còn có mình bạn được hưởng lợi thì ai có thể hết lòng vì bạn? Dù bạn có nói hay đến mấy mà bản thân bạn không phải tấm gương cho người khác học tập, luôn nói một đằng làm một nẻo thì ai sẽ nghe lời bạn?
Nói nhiều, làm ít, nói không làm, nói hay, làm dở của không ít công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước đã và đang là lực cản của sự phát triển. Muốn đất nước đi lên, không có cách nào khác là phải gạt bỏ đi những lực cản này để xây dựng một nền hành chính hành động, nói đi đôi với làm.
Các vĩ nhân trong lịch sử thường có các danh ngôn. Danh ngôn của họ trường tồn với thời gian là do họ đạt được một điều rất "đơn giản" nhưng vô cùng khó khi thực hiện, đó là "lời nói phải đi đôi với việc làm". Nói hay mà không làm, nói hay mà làm không hay, nói một đằng mà làm một nẻo, thì trước sau gì "danh ngôn" đó cũng bị người đời, bị xã hội... "đào thải".
Tóm lại, bạn có thể nói gì cũng được, khoe gì cũng được, miễn là bạn nói được làm được. Hãy biến những lời nói, sự khoe khoang ấy thành sự thật.
Vũ Thị Minh Huyền
© 2024 | Thời báo ĐỨC