1. Bé không uống nhiều nước
Đối với trẻ, uống nhiều nước vào buổi sáng quan trọng không kém so với việc nạp các chất dinh dưỡng vào cơ thể sau một đêm dài. Bé thức dậy, tức là vừa trải qua 7-8 tiếng đồng hồ mà chưa có chút nước nào vào trong người. Kể cả khi bé không cảm thấy khát, hãy cho con uống nước vì điều đó là cần thiết để cơ thể thải độc tố ra bên ngoài, giúp cho bé một ngày mới khỏe khoắn, tươi tỉnh, tiếp thu hiệu quả.
Ngoài nước lọc, bạn có thể cho bé uống những món đồ uống như sữa, nước hoa quả tươi, nước từ cháo, súp… là cách giúp bổ sung chất lỏng cho cơ thể bé rất tốt.
2. Bé hay khóc nhè, cáu kỉnh vào buổi sáng
Hay cáu kỉnh vào buổi sáng ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. (Ảnh: tuoitre.vn)
Rất nhiều bé tuy không còn trong độ tuổi bế ẵm nhưng mỗi sáng thức dậy đều trở thành “thử thách” đối với cha mẹ: bé quấy khóc, nhõng nhẽo không chịu ra khỏi giường, vùng vằng không chịu ăn bữa sáng hay chật vật lắm mới để cha mẹ mặc được cho bộ quấn áo… cần nhớ rằng, tâm trạng không tốt vào buổi sáng ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất làm việc của cả ngày. Vì thế, bố mẹ cần rèn cho con thói quen bắt đầu một ngày mới thật vui vẻ, phấn khởi.
Một số gợi ý cho cha mẹ: bật những bản nhạc vui tươi, rộn rã để đánh thức bé dậy, chuẩn bị những bữa sáng với mùi thơm và hương vị thật quyến rũ để đánh thức các giác quan của bé và cơ bản nhất là bản thân cha mẹ cũng phải thể hiện thái độ tích cực, tươi tỉnh chào ngày mới trước mặt bé.
3. Bỏ bữa sáng
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy bỏ bữa sáng khiến tâm trạng kém phấn chấn, vui vẻ và trí nhớ bị giảm sút. Không ăn bữa sáng tức là bé đã bỏ lỡ bữa ăn tại “thời điểm vàng” có tác dụng cung cấp năng lượng để hoạt động hiệu quả cho cả ngày dài. Ăn sáng chính là cách cơ thể khởi động bộ máy trao đổi chất, bắt đầu một ngày mới. Vì vậy, dù lịch làm việc có bận rộn đến mấy, mẹ đừng quên chuẩn bị bữa sáng đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ phát triển khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần.
4. Ăn nhiều đồ ngọt, dầu mỡ
Ăn nhiều đồ ngọt ảnh hưởng đến IQ của bé. (Ảnh: Odyssey)
Não bộ của trẻ hoạt động hiệu quả và thông minh hơn nhờ được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng bao gồm protein và vitamin. Tuy nhiên, những hợp chất dinh dưỡng này lại bị ức chế bởi các thực phẩm chứa nhiều đường hoặc dầu mỡ như bim bim, khoai tây chiên, xúc xích…
Khi trẻ dung nạp thực phẩm nhiều đường, dầu mỡ sẽ làm giảm cảm giác thèm ăn những món giàu dinh dưỡng khác, và chất đường cũng làm giảm lượng protein, vitamin được hấp thụ trong cơ thể trẻ. Đó là lý do vì sao mà nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hầu hết số trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt có chỉ số IQ thấp hơn những trẻ được ăn uống một chế độ lành mạnh.
5. Vừa đi vừa ăn
Để tiết kiệm thời gian, nhiều cha mẹ mua ngay đồ ăn sáng cho con tại quầy hàng bên đường và sau đó để trẻ vừa đi vừa ăn. Thực tế, vừa đi vừa ăn rất hại dạ dày, chưa kể những vi khuẩn bụi bặm trên đường bám vào đồ ăn sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bé.
6. Ăn sáng bằng đồ ăn nhẹ
Nhiều mẹ cho con ăn đồ ăn khô vào buổi sáng, trong khi thời điểm này cơ thể lại đang mất nước. Cách ăn này không có lợi cho tiêu hóa và hấp thụ. Ăn bánh quy, bánh gạo và các đồ ăn nhẹ khác có thể cung cấp năng lượng trong một thời gian ngắn nhưng ngay sau đó cơ thể trẻ sẽ lại thấy đói. Ăn sáng bằng đồ ăn nhẹ dễ dẫn đến không đủ dinh dưỡng, suy giảm thể chất, từ đó gây ra các bệnh khác.
Ngoài ra để trẻ thông minh và linh hoạt, các bậc cha mẹ nên bồi dưỡng cho trẻ những thói quen tốt như tự giác học tập, thói quen sinh hoạt. Không nên nói lời cay độc và dùng vũ lực đối với trẻ
Chi Mai
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.
© 2024 | Thời báo ĐỨC