Bạn hiểu thế nào về Covid-19?

Nhiều người phương Tây vẫn quan niệm là bệnh này chỉ như Cúm mùa, với con số tử vong không cao nếu so nó với bệnh Cúm họ vẫn bị hàng năm và không có bất cứ sự phòng vệ nào.

Tuy rằng hiểu biết về COVID-19 của loài người còn khá hạn chế cho đến giờ phút này, tác giả vẫn muốn tổng hợp lại những thông tin mà đã theo dõi và hiểu được dựa trên yếu tố khoa học và logic, diễn giải cho dễ hiểu.

Những điều mình nêu ra không có gì mới, tuy nhiên vấn đề là còn quá nhiều người hiểu chưa đúng, và sự hiểu chưa đúng này không mấy phụ thuộc vào nơi sống hay tầng lớp người trong xã hội.

Sự thật (Facts) vốn rất khó được „thấy“ dù bằng phương tiện, giác quan nào của loài người và diễn tả lại sát nhất với những gì chúng ta biết được cũng khó không kém.

Cái chúng ta vẫn hay nói với nhau hầu như chỉ là „hiện tượng“. Hiện tượng nếu không được kết nối với các hiện tượng khác, trong các hoàn cảnh cụ thể thì bản thân nó sẽ không nói được gì nhiều và người ta thường nghe/biết rồi để đấy. Vấn đề lớn nhất (chỉ nói riêng về dịch bệnh COVID-19) là ở chỗ, nếu chúng ta hiểu không sát với thực tế thì ngoài việc dễ kết luận sai, còn có hệ quả lớn sau đó là các hành xử sai và từ những điều đó kéo theo hệ quả là kết quả đạt được khác (nhiều) với mong muốn.

-

Điều này sai cơ bản ở chỗ: thứ nhất nhìn vào con số „công bố“ của Trung Quốc, trong đố lồng ghép 2 lần sai, tạm gọi thứ nhất A và thứ nhất B. „Thứ nhất A“ là con số công bố rất không đáng tin cậy từ chính phủ Trung Quốc, lý do gì thì nhiều và cần thêm thời gian để thấy những âm mưu của họ (nếu có), nên sẽ miễn bàn ở topic này. „Thứ nhất B“ chính là cho dù các con số được công bố đó được tạm coi là tin cậy hoặc lấy làm tham khảo, thì để giữ được con số nhỏ như vậy, bộ máy y tế và các ban ngành khác đang phải dốc sức người và của cải vật chất cùng với các điều kiện sống, làm việc, sinh hoạt rất đặc biệt chứ không phải trong các điều kiện bình thường như sự so sánh với con số ở Cúm mùa.

- Tiếp tục phân tích về so sánh với Cúm mùa, phương Tây chủ quan do chưa thực sự thấy bệnh này ra sao (mà nếu sống cứ đợi phải thấy mới công nhận thì rất không ổn, có cần phải chết thử 1 lần hoặc thấy tận mắt người chết để không muốn chết chăng).

Coronavirus từ đầu dịch đã được ghi nhận là rất dễ lây, cả trường hợp được bảo hộ rất cẩn thận và tẩy trùng đúng quy trình y tế. Có một tỉ lệ phần trăm không nhỏ lắm sẽ có những triệu chứng nặng và kết hợp với các bệnh nền khác làm cho việc chữa trị trở nên rất phức tạp và tốn kém (không chỉ tiền mà rất nhiều nhân lực chăm sóc bệnh nhân).

Những ca nặng sẽ cần đến hỗ trợ của rất nhiều máy móc như máy thở, máy hỗ trợ sự sống từ bên ngoài, giường bệnh trong thời gian từ vài tuần đến hàng tháng. Như vậy chưa xét đến ảnh hưởng của bệnh trên từng cá thể cũng đã có thể thấy nếu như số người bị nhiễm tăng đột biến thì tỉ lệ bị nặng cần nhập viện cũng tăng đột biến (so với trước dịch) và KHÔNG HỆ THỐNG Y TẾ NÀO trên thế giới có thể tải được.

Thậm chí nhiều bệnh nhân khác không nhiễm CORONAVIRUS cũng sẽ chết vì rất có thể họ không còn chỗ trong bệnh viện/nguồn lực ý tế cần thiết dành cho họ do hệ thống quá tải. Điều này có thể được nhìn ra từ rất sớm, điều còn lại chỉ là lên kịch bản và khi nào áp dụng.

132 1 Ban Hieu The Nao Ve Covid 19

- Một ý nữa mà nhiều người hay nhầm lẫn, sự nguy hiểm của CORONAVIRUS, theo mình nên chia làm 2 phạm trù/góc nhìn hoặc nhiều hơn.

Đứng trên góc nhìn nhỏ về sự ảnh hưởng trực tiếp trên từng các thể thì đa số người nhiễm bệnh sẽ tự khỏi và không cần sự hỗ trợ lớn hay đặc biệt nào, nhất là những người trẻ tuổi, không có hoặc ít bệnh nền/bệnh nền nhẹ.

Tỉ lệ người bị ốm nặng sẽ không nhiều với người trẻ khỏe, nhưng với người lớn tuổi, sức đề kháng không còn tốt cộng với tích lũy của các bệnh tăng dần theo tuổi thì vấn đề lại hoàn toàn khác, bệnh nhân đã khó hô hấp (kể cả khi được hỗ trợ của máy thở) lại kết hợp cùng lúc với một hoặc một loạt các bệnh khác, hoặc là sự khơi mào cho việc phát tác các bệnh đang tạm được khống chế, giờ bùng lên…thì thật là khó quá cho các bác sĩ.

Đứng trên góc nhìn về xã hội thì với tốc độ lây nhanh, nếu không được khống chế về tốc độ thì nguy hiểm không nằm ở đa số các cá thể khỏe mà nguy hiểm rất lớn cho những người ĐANG CÓ BỆNH KHÁC không nhiễm Coronavirus, cho người nhiễm bị nặng (không loại trừ người TRẺ), cho những người làm chăm sóc y tế (quan trọng bậc nhất trong thời điểm này). Ngắn gọn lại là bệnh này nguy hiểm không cao lắm cho từng cá nhân đơn lẻ nhưng tác hại (trực tiếp) trên xã hội thì có thể rất lớn.

- Giờ đến các ảnh hưởng khác gián tiếp hơn: các biện pháp, các phiên bản khác nhau của „Giãn cách xã hội“ được áp dụng như là một giải pháp nhằm làm chậm quá trình lây nhiễm, từ đó ít nhất giữ cho số lượng người cần chăm sóc y tế của mỗi quốc gia nặng trong ngưỡng có thể phục vụ. Cần làm rõ rằng biện pháp này không thể giúp „chặn đứng“/“chấm dứt“ dịch mà chỉ giúp làm chậm mà thôi, tuy vậy điều này là cực kỳ cần thiết. Giãn cách xã hội, ý thức về giãn cách xã hội càng tốt, càng sớm thì tác dụng tổng thể cho cả cộng đồng càng lớn.

- Giãn cách xã hội và các hệ quả của nó là thiệt hại về kinh tế là vô cùng to lớn, và nói về thiệt hại kinh tế không có nghĩ chỉ nói về tiền, không phải cứ ôm tiền quăng ra là cứu được cho dù đối với một chính phủ giàu có nắm giữ nhiều tiền.

Vấn đề nằm ở chỗ hàng hóa nói chung sẽ dần trở nên thiếu hụt do các hoạt động bị hạn chế, từ xuất nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Khi nguyên liệu, nhân lực trở nên khan hiếm trong khi nhu cầu không giảm (với những hàng hóa thiết yếu) thì tất nhiên giá sẽ tăng, và lúc này càng bơm nhiều tiền, nhất là tiền do in thêm mà có thì những hàng hóa thiết yếu bị ảnh hưởng sản lượng bởi dịch càng tăng phi mã, đây là lúc lạm phát trên những thứ cần và rất cần và giảm phát trên những thứ không cấp thiết hoặc không thiết yếu cho cuộc sống trong thời dịch.

- Mình hay nghe những câu ngụy biện kiểu như „nghèo không đi đôi với hèn“ nhưng điều này trên thực tế chẳng mấy khi phản ánh sát những trải nghiệm của người trong cảnh, cái đó chỉ họa chăng gắng gượng được sự chịu đựng trong các hoàn cảnh cụ thể nào đó và với thời gian ngắn/rất ngắn mà thôi.

Rồi chúng ta đã/sẽ thấy rõ sự tích trữ về tiền bạc, hàng hóa ở những người, những quốc gia sống tiết kiệm khác biệt thế nào với những người/quốc gia không muốn/không có khả năng tích trữ. Khi không còn nhiều sự lựa chọn mà vẫn phải sinh tồn, liệu chúng ta có thể từ chối những việc mà bình thường chúng ta không muốn không? Vậy thì hầu hết trong số chúng ta, cho dù thu nhập thấp hay cao, đều có thể có kế hoạch tiết kiệm phòng những khi có biến động khó đoán như dịp này.

- Đến những việc cụ thể hơn như: đeo khẩu trang sai cách.

Mình thấy trên các page, trên TV rất nhiều hình ảnh các bạn đeo khẩu trang nhưng lại rất hững hờ kiểu „cho có“, với phần sống mũi không khít, phần giữa hai dây của mỗi bên cũng không ôm sát má. Những khe ở như vậy làm cho một lượng không khí không nhỏ đi thẳng vào mũi khi hít thở mà không được lọc qua khẩu trang, như vậy hiệu quả lọc đã giảm một phần (nhiều hay ít do khe hở lớn, nhỏ).

Đeo khẩu trang thôi sẽ là không đủ (kể cả đeo và vứt bỏ đúng cách) vì virus ngoài xâm nhập qua mũi, miệng thì còn qua các niêm mạc như mắt, cho nên nếu các bạn „cảm thấy“ tự tin hơn nhiều khi đeo khẩu trang thôi thì đó là sai lầm rất tệ hại.

Khẩu trang sau khi sử dụng sẽ lọc lại các bụi bẩn và tiềm tàng cả các mầm bệnh (bao gồm cả mầm Coronavirus) ở mặt ngoài nên RẤT CẦN được xử lý hủy bỏ hoặc tái sử dụng bằng diệt trùng mà không được chạm vào mặt ngoài khẩu trang rồi làm các việc khác bình thường. Chúng ta cần rửa tay xà phòng hoặc cồn sát trùng sau khi gỡ khẩu trang.

Tác dụng của khẩu trang còn được biết đến một phần nhờ giảm thiểu tật chạm tay lên mặt (điều này là cực kỳ khó tránh một cách tự nhiên), vệ sinh mặt mũi sạch sẽ một cách thường xuyên để ít có cảm giác ngứa ngáy cần gãi, chạm sẽ giúp bạn phần nào phản xạ chạm tay lên mặt.

Ở một thái cự khác, có người lại nghĩ khẩu trang thông thường không lọc được Virus vì nó bé xíu trong khi lỗ lọc khẩu trang thì thưa (to) hơn kích cỡ virus nhiều, không có đúng sai hoàn toàn cho luận điểm này.

Mình muốn chỉ ra rằng Virus hầu như không độc lập một mình nó bay lơ lửng trong không khí mà nó được chứa trong các giọt bắn nhỏ do người bệnh ho, hắt hơi, do vậy khi khẩu trang ôm sát tốt vào mặt của người đeo, đa phần những giọt bắn sẽ bị giữ lại ở mặt ngoài khẩu trang thông thường, khẩu trang lọc bụi càng mịn thì khả năng giữ các giọt ở ngoài dĩ nhiên càng tốt.

- Khẩu trang N95 có van: Khẩu trang y tế đặc dụng N95 thường đi kèm van thông gió về kỹ thuật thì bản thân nó rất tốt, nhưng chỉ tốt trong trường hợp xác định rõ là người đeo KHÔNG MANG BỆNH (có thể khác với „âm tính“ nhé!). Lý do là khẩu trang N95 có van 1 chiều giúp quá trình hít vào thì van đóng, không khí phải đi qua các lớp lọc, còn lúc thở ra thì van mở giúp không khí nóng và ẩm đi thẳng qua van thông thoáng hơn nhiều đi qua các lớp lọc, giúp người đeo thoải mái hơn. Nhưng cũng chính vì không khí đi ra lúc thở, lúc nói, ho, hắt hơi sẽ phần lớn đi qua van mà không được lọc sẽ gây nguy hiểm cho những người xung quanh nếu như người dùng khẩu trang N95 mang bệnh (!)

- Thời tiết nóng lên sẽ giết chết SARS-COV2? Không đơn giản như vậy, nếu cứ lấy những hiểu biết về cái cũ, cái đã biết mà chắc chắn áp  cho cái mình chưa biết mà không có những nghiên cứu cụ thể thì thật là tai hại. Các nhà khoa học đang phân tích được có đến 3 biến thể của chủng CORONA mới này, và cho đến khi có vắc xin thì không biết có thể thêm biến thể hay không, mà thông thường mỗi biến thể của nó khi tồn tại được luôn có xu hướng tồn tại tốt hơn với môi trường khắc nghiệt.

- Có cách nào để giữ an toàn tuyệt đối không? xã hội hiện tại đa số chúng ta đang sống, trừ những người sống thực sự cách ly với phần còn lại của thể giới, tức là hoàn toàn tự tiêu tự sản và không có du lịch, giao tiếp với thế giới bên ngoài quần thể nhỏ của họ, sẽ không có cách nào để có sự an toàn tuyệt đối cả, ngay cả khi chúng ta có được trang bị các loại bảo hộ hiện đại. Tất cả chỉ có thể dừng ở mức độ „giảm nguy cơ lây nhiễm“ mà thôi, muốn nguy cơ nhỏ thì đầu tư phải tăng, vì thế ý thức là cách tốn kém ít tiền của nhất để giảm tốc độ lây lan dịch bệnh. Khi đi ra ngoài về, cố gắng rửa tay, tẩy trùng đồ dùng theo người sớm nhất có thể để giữ cho trong nhà của mình sạch sẽ giảm thiểu khả năng chứa virus trong môi trường sống.

- Làm thế nào để thịt COVID?

Virus nó có sống đâu mà đòi giết nó. Thực ra để loại virus chúng ta hay dùng cách phá vỡ lớp vỏ bằng đạm (protein) bằng xà phòng/cồn hay đơn giản chỉ là rửa trôi nó khỏi cơ thể/tay cũng bằng xà phòng. Chính vì vậy rửa tay xà phòng dưới vòi nước chảy hiệu quả tốt hơn dùng gel sát khuẩn (nhiều người gọi sai là nước rửa tay khô, đã nước rồi lại còn khô nghe có logic không, đã là gel có nghĩa nó sền sệt, tuy không lỏng như nước suối nhưng ắt là cung không „khô“.

- Số ca mắc bệnh được công bố: nên hiểu đúng về bản chất, rằng kể cả ở các quốc gia CỰC KỲ MINH BẠCH, không giấu giếm thông tin số người nhiễm bệnh thì con số này đơn giản chỉ là con số được xác định „dương tính“ chứ không phải số người mắc bệnh thực tế tại một quốc gia hay phạm vi lãnh thổ được đề cập. Số người bị mắc bệnh tại một thời điểm luôn lớn hơn hoặc bằng số lượng được công bố „DƯƠNG TÍNH“, chênh nhiều hay ít phụ thuộc nhiều vào quy mô xét nghiệm ở một thời gian ngắn, cần nói thêm rằng những người cho kết quả âm tính thực sự rất có thể ở một thời điểm sau đó nếu xét nghiệm có thể sẽ dương tính do sau này mới mắc bệnh. Vì vậy thông tin, tài liệu nào đó nói đến một con số chính xác có X người nhiễm là hoàn toàn sai về từ ngữ hoặc có vấn đề về nhận thức logic.

- Quan niệm về phòng dịch: mình nhận thấy đa số đang có cách suy nghĩ là tham gia phòng dịch nhưng luôn loại bản thân ra khỏi nghi vấn „có thể mình đã mắc bệnh“. Nếu đa số nghĩ và tự coi mình là không mang bệnh thì tự cách ly hoặc giãn cách xã hội trở nên ít cần thiết và cũng từ đó nguy cơ bùng phát sẽ cao hơn do bản thân chúng ta nghĩ mình không mang bệnh nhưng rất có thể là mang bệnh mà không hay biết và vô tình phát tán bệnh ra môi trường. Cần phải nhắc lại là đã có và chúng ta hoàn toàn có thể đã, đang và sắp mắc bệnh nhưng không biết do triệu chứng không rõ. Không rõ triệu chứng không có nghĩa là không mang bệnh và cũng không có nghĩa không gây lây nhiễm. Vì vậy hãy tuân thủ nghiêm các hướng dẫn.

- Vẫn về logic phòng dịch trong thời điểm dịch hoàn toàn đã có thể lây lan trong cộng đồng (?chưa nhiều?) mà rất khó được xác định. Cho nên cần coi mỗi người, nhất là người cần khám chữa bệnh (đa số không phải khám chữa trực tiếp Coronavirus) đều có khả năng mang bệnh Covid-19 mà có các biện pháp đồng bộ từ chuyên chở cấp cứu, khám chữa bệnh chứ không đợi xét nghiệm bệnh nhân, cho kết quả dương tính rồi mới cuống lên cách ly vừa tốn kém tiền bạc lại mất một lượng nhân lực quan trọng bậc nhất trong thời gian cách ly nhân viên y tế và những bộ phận liên quan bệnh nhân dương tính.

- Tâm lý sắp chiến thắng: lạc quan là tốt, tuy nhiên nếu đánh giá không đúng tình hình thì theo thời gian chúng ta dễ bị nản.

Ngoài ra lạc quan với chiến thắng quá sớm còn dễ gây cảm giác chủ quan, thiếu thận trọng. Nên nhớ là quá trình điều chế được một vắc xin đầu tiên là có tác dụng tốt về mặt kỹ thuật đơn thuần, sau đó đến khâu thử nghiệm trên người để xác nhận mức độ an toàn đều rất cần thời gian mà muốn vội cũng chẳng được.

Khoảng thời gian được ước đoán để sản xuất ra được hàng tỉ liều vắc xin ra đến thị trường được tính bằng nhiều đơn vị của 6 tháng, chưa kể cơ thể cần vài tuần để sản sinh đủ lượng kháng thể cần thiết chống lại bệnh sau khi được tiêm phòng. Vắc xin nào cũng vậy, sẽ chỉ có tác dụng với số đông (nếu chất lượng rất tốt) chứ không phải tất cả người được tiêm. Thế nên hiểu sát với thực tế sẽ giúp bạn tránh bị thất vọng và chuẩn bị tốt, chống chịu khó khăn bền bỉ hơn.

- Đánh giá sát và điều chỉnh chiến lược để phù hợp với diễn biến của dịch bệnh, nếu chính phủ hoặc/và chúng ta đánh giá thái quá sự nghiêm trọng của dịch bệnh và phản ứng tương ứng cũng thái quá thì sự đầu tư về tiền của, nhân lực sẽ tốn kém không cần thiết hoặc/và nguồn lực sẽ nhanh chóng bị tiêu hao. Cho nên thực sự hiểu và ứng xử phù hợp với đại dịch có hồi kết còn chưa rõ và chưa ai dám tuyên bố khi nào chấm dứt là điều đặc biệt quan trọng.

Cuối cùng, cảm ơn các bạn đã đọc được đến cuối, tôi tin chắc nội dung ở trên ít nhiều có ích cho các bạn, hãy thoải mái SHARE nếu muốn, chỉ cần văn minh ghi rõ nguồn để mình cảm thấy được tôn trọng là đủ tốt rồi!

Còn những ý nào chưa được đề cập, mong được các bạn comment, mình sẽ cố gắng edit lại để đưa những comment chất lượng vào bài với hy vọng nó giúp ích tốt hơn nữa cho những người chịu khó đọc.

Tôi cũng bái phục vì bạn đọc được đến tận đây!

Trinh Thai Cuong


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày