Rau dọc mùng có chứa photpho, kali, canxi, magie, sắt và đặc biệt nhiều chất xơ thấm hút chất béo, cholesterol ở trong ruột, đồng thời cản trở sự hấp thụ cholesterol.
Tuy nhiên, dọc mùng tốt cho sức khỏe khi được sơ chế đúng cách. Đã có rất nhiều trường hợp bị ngộ độc, phải nhập viện cấp cứu vì dị ứng, sốc phản vệ sau khi ăn dọc mùng.
Dọc mùng nếu chế biến không đúng cách sẽ gây dị ứng, ngộ độc.
Ngày 20/12/2017, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai đã lập xong biên bản, kết luận nguyên nhân khiến 197 công nhân tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất thương mại và Dịch vụ Miền Quê (đóng tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2, huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai) phải nhập viện sau bữa ăn trưa là do sự cố về an toàn thực phẩm.
Nguyên nhân chính là do trong quá trình chế biến dọc mùng, nhà bếp đã làm không kỹ, còn sót lại phần vỏ, công nhân ăn vào bị ngứa.
PGS.TS. Nguyễn Gia Bình, trưởng khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh viện đã từng tiếp nhận một bệnh nhân bị sốc phản vệ và tử vong sau khi ăn một bát bún dọc mùng.
Dị ứng dọc mùng thường biểu hiện sau khoảng vài phút đến 1 tiếng sau khi ăn với các biểu hiện phổ biến nhất như ngứa ran trong miệng, phát ban, sưng môi, lưỡi… hoặc khó thở, ngất xỉu… Mức độ nặng, người bệnh có thể bị tắc phế quản, ngạt thở, nôn mửa, giãn mạch mãu dẫn đến trụy tim mạch…
Theo các bác sỹ, dị ứng dọc mùng phải được phát hiện xử trí kịp thời, nhanh chóng vì với những người cơ địa dị ứng mạnh với loại thực phẩm này sẽ trở nên nặng chỉ trong thời gian ngắn.
Cách chế biến dọc mùng giúp loại bỏ bớt chất gây dị ứng:
-
Khi sơ chế, cần làm sạch hết lớp vỏ dọc mùng, đây là bộ phận dễ gây dị ứng nhất.
-
Sau khi tước bỏ vỏ bên ngoài, thái miếng dọc mùng cần rắc một ít muối hạt và bóp nhẹ để các chất ngứa tiết hết ra.
-
Sau khi bóp muối dọc mùng, cần ngâm rửa qua vài lần với nước lạnh để loại bỏ hết chất gây ngứa.
-
Khi tước vỏ và sơ chế dọc mùng nên dùng găng tay ni-lông để bóp và vắt nước ngứa dọc mùng, tránh được dị ứng da, mẩn ngứa.
Nguồn: Dkn.tv
© 2024 | Thời báo ĐỨC