Tháng 3/1958, Bộ chỉ huy không quân chiến lược Mỹ đã yêu cầu được cấp một loại bom hạt nhân hạng C (trọng lượng nhỏ hơn 5 tấn, với sức nổ trong cỡ megaton) loại mới để thay cho mẫu Mk 41 đã lỗi thời.
Dựa trên mẫu bom Mk 46, các nhà khoa học Mỹ đã cho ra mẫu bom mới thử nghiệm mang tên TX-53 vào năm 1959, sau đó chúng mang định danh Mk53 và sau đó là B53.
Bom hạt nhân B53 được đưa vào sản xuất từ năm 1962, kéo dài cho tới tận tháng 6/1965. Đây là giai đoạn đỉnh điểm của chiến tranh Lạnh.
Có tổng cộng 340 quả bom đã ra đời, và chúng được thiết kế để lắp trên những chiếc máy bay ném bom chiến lược như Stratojet, B-52 Stratofortress và B-58.
B53 có kích cỡ khá lớn, vời chiều dài 3,8 mét và đường kính 1,27 mét. Nó nặng tổng cộng hơn 4 tấn, bao gồm hệ thống dù hãm nặng 400 kg.
Quả bom có 5 cái dù, gồm một dù điều khiển đường kính 1,5 mét, một dù phụ đường kính 4,9 mét và 3 dù chính đường kính 14,6 mét mỗi chiếc. Hệ thống dù này có nhiệm vụ giảm tốc độ rơi của quả bom.
Đầu đạn của bom hạt nhân B-53 sử dụng uranium được làm giàu cao độ, thay vì plutonium, và có pha thêm chất lithium-6.
Mồi nổ làm từ một hỗn hợp các chất RDX và TNT.
Sức nổ của quả bom này vào khoảng 9 megaton, tức mạnh hơn 600 lần qủa bom đã được ném xuống Hiroshima, Nhật Bản vào tháng 8/1945.
Một số tính toán cho thấy vụ nổ mạnh 9 megaton sẽ tạo ra một quả cầu lửa có đường kính từ 4-5 km.
Nhiệt sinh ra lớn tới mức có thể thiêu cháy rụi cho bất kỳ ai không mặc đồ bảo vệ đứng cách xa vụ nổ 28,7 km.
Sóng xung kích từ vụ nổ đủ để đánh sập toàn bộ các công trình kiên cố trong phạm vi bán kính 14,9 km. Mọi thứ trong bán kính 5,7 km sẽ biến thành cát bụi trong tích tắc.
Cuối cùng, phóng xạ cực mạnh sẽ bắn phá vào cơ thể những người bình thường ở trong bán kính hàng vài trăm km kể từ tâm vụ nổ, đủ để khiến 90% sự sống sẽ dần bị tiêu diệt bởi các căn bệnh quái ác sau đó.
B53 ra đời với vai trò lịch sử là một vũ khí phá hầm ngầm, Mỹ muốn dùng sóng xung kích từ vụ nổ để phá nát các hầm ngầm trú ẩn của giới lãnh đạo Liên Xô ở khu vực Chekhov/Sharapovo, nằm tại phía Nam Moscow. Tuy nhiên sau này vai trò này được giao cho bom B61.
Mỹ dần phá bỏ bom hạt nhân B53 bắt đầu từ năm 1967, tuy nhiên sau đó Mỹ hoán đổi quả bom để trở thành đầu đạn cho tên lửa đạn đạo hạt nhân Titan.
Tháng 9/1980, một quân nhân Mỹ tiến hành bảo dưỡng tên lửa ở Căn cứ không quân Little Rock đã làm rơi một dụng cụ từ độ cao 24 mét trúng vào lớp vỏ bọc ngoài tầng 1 của quả tên lửa Titan.
Phần vỏ bị rách và nhiên liệu rò rỉ ra sau đó đã phát nổ, bắn văng đầu đạn hạt nhân ra xa tới 100 mét.
Rất may cơ chế an toàn trong quả bom B53 đã tự kích hoạt khiến vật liệu phóng xạ không thể thoát ra ngoài.
Sau vụ tai nạn này, các quả tên lửa Titan được cho về hưu non. 50 quả bom B-53 tiếp tục ở trong trang bị của quân Mỹ và chỉ về hưu từ năm 1997, khi bom B61 Mod 11 xuất hiện.
Tuy nhiên việc tiêu huỷ bom B53 chỉ bắt đầu từ năm 2010 và kết thúc vào năm 2011.
Do bom B53 được làm bằng công nghệ cũ và các kỹ sư phụ trách việc lắp ráp đã nghỉ hưu hoặc đã qua đời nên quy trình tháo gỡ bom gần như phải xây dựng lại từ đầu.
Các kỹ sư cũng phải tạo ra các công cụ hết sức phức tạp và triển khai nhiều quy trình để đảm bảo việc tháo gỡ bom diễn ra an toàn.
Theo Cơ quan An ninh năng lượng hạt nhân (NNSA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, việc huỷ bỏ quả bom B53 cuối cùng đã diễn ra trước thời hạn và tuân thủ với các mục tiêu do Mỹ đã đề ra trước đó.
Được biết những B53 chỉ được xem là bị tiêu huỷ khi lượng thuốc nổ mồi nặng chừng 136kg bên trong quả bom được tách rời khỏi nhiên liệu hạt nhân.
Tiếp đó phần nhiên liệu hạt nhân được đem đi cất trữ ở các cơ sở an toàn. Những phần còn lại của quả bom hoặc được tái chế, hoặc sẽ bị đem đi tiêu huỷ.
Sau khi bom B53 phị tiêu hủy, vị trí bom hạt nhân mạnh nhất của Mỹ thuộc về B83-1, tuy nhiên Lầu Năm góc đã lên kế hoạch loại biên vì chi phí bảo dưỡng đắt đỏ.
Hiện nay Mỹ đang duy trì loại bom hạt nhân B61-12, đây là loại bom đã được cắt giảm đương lượng nổ còn 50 kt, tương đương 50.000 tấn thuốc nổ TNT.
Dù là loại bom hạt nhân nhỏ gọn sức công phá yếu hơn các phiên bản tiền nhiệm, tuy nhiên chúng lại siêu chính xác nên vẫn đảm bảo hủy diệt mục tiêu.
Nguồn: Báo An Ninh Thủ Đô
© 2024 | Thời báo ĐỨC