Quy mô dân cư Hà Nội thay đổi ra sao qua các thời kỳ?

Từ các tài liệu địa lý, lịch sử, các tác giả đã phác hoạ sự hình thành cộng đồng dân cư, dân tộc ở vùng Thăng Long xưa, Hà Nội nay.

Thăng Long xưa, Hà Nội nay, trải dài hơn 1.000 năm vẫn luôn là trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội lớn của cả nước. Với những đặc điểm và lợi thế về điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội, Thăng Long - Hà Nội thực sự trở thành lực hút của dòng di dân ngoại tỉnh về Thủ đô.

Theo Từ điển từ và ngữ Việt Nam của GS. Nguyễn Lân thì dân cư là “nhân dân thường ở một nơi”, còn di dân là “đưa dân đi ở nơi khác”. Suy rộng, dân cư ở Hà Nội là những người sinh ra và lớn lên, gắn bó với Hà Nội, có hộ khẩu Hà Nội. Còn di dân hiểu theo nghĩa rộng là sự dịch chuyển bất kỳ của con người trong một không gian và thời gian nhất định kèm theo sự thay đổi nơi cư trú tạm thời hay vĩnh viễn. Hiểu theo nghĩa hẹp thì di dân là sự di chuyển dân cư từ một đơn vị lãnh thổ này đến một đơn vị lãnh thổ khác, nhằm thiết lập nơi cư trú mới trong một không gian, thời gian nhất định. Nếu xét theo đúng từ ngữ thì cụm từ “dân cư và quá trình di dân” có thể hiểu là đi và đến chỉ trong phạm vi địa giới Hà Nội chứ không phải là từ tỉnh thành khác đến hoặc dân Hà Nội chuyển đến địa phương khác. Hơn nữa, “phân bố dân cư”, “di dân” có thể xem là những thành tố thuộc nội hàm của “dân cư”. Khi bàn đến lịch sử hình thành cư dân Thăng Long - Hà Nội quá trình di cư, hội tụ về mảnh đất này đương nhiên phải nhắc đến.

1 Quy Mo Dan Cu Ha Noi Thay Doi Ra Sao Qua Cac Thoi Ky

Phố Nhà Thờ Lớn những năm đầu thế kỷ 20. Ảnh tư liệu.

Cuộc dời đô của Lý Công Uẩn từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La hơn 1.000 năm trước đã tạo nên sự biến đổi lớn về dân cư nơi đây và cũng có thể xem đây là cuộc nhập cư lớn ngay từ thuở Kinh đô Thăng Long được thành lập. Theo rộng dài lịch sử, trên mảnh đất này có bao sự biến đổi về dân cư sinh sống cũng như có biết bao cuộc di dân diễn ra tại đây. Sự hình thành cộng đồng dân cư Hà Nội, ở vị thế là kinh kỳ, rồi Thủ đô của nước Việt Nam, có những nét đặc thù, để lại các dấu ấn sâu sắc về nhân khẩu - tộc người, về văn hóa, về kinh tế - xã hội.

Xét về mặt địa lý, mỗi lần hoàng thành được mở rộng, vị thế của kinh thành tăng lên kéo theo luồng nhập cư và di cư nhất định trên đất Thăng Long - Hà Nội. Nghiên cứu các tại liệu lịch sử thì có thể hình dung rằng thời kỳ sầm uất của Thăng Long chính là vào thời Lê - Trịnh thế kỷ 17. Đó là thời kỳ của Thăng Long - Kẻ Chợ khá phát đạt, cảnh buôn bán trên bến dưới thuyền, có cả các hoạt động giao thương với các lái buôn phương Tây và phú thương người Hoa…

Năm 1918, dân số Hà Nội là 70.000 người, 10 năm sau (1928) dân số Hà Nội tăng gấp đôi. Trong thành phần này bao gồm phần đáng kể người nhập cư vào Hà Nội, không chỉ người Việt, mà còn có cả người Pháp, Hoa kiều, Nhật và các dân tộc khác. Năm 1928, trong tổng số 126.137 người thì người Pháp là 3.120 người, Hoa kiều: 4.428 người còn các dân tộc khác là 262 người.

2 Quy Mo Dan Cu Ha Noi Thay Doi Ra Sao Qua Cac Thoi Ky

Phố Hàng Đào năm 1940. Ảnh tư liệu.

Những năm từ 1990 trở lại đây, quy mô di cư liên tỉnh giữa Hà Nội và các tỉnh thành trong cả nước rất lớn. Chỉ trong 5 năm (2004-2009) số người nhập cư vào Hà Nội là 382.000 người, còn số người xuất cư từ Hà Nội là 92.700 người.

Nói về dân cư Thăng Long - Hà Nội, từ các tài liệu địa lý, lịch sử, các tác giả đã phác hoạ sự hình thành cộng đồng dân cư, dân tộc ở vùng Thăng Long xưa, Hà Nội nay. Từ các kết quả tổng điều tra dân số, các tác giả đã phân tích các quá trình nhân khẩu học diễn ra trên vùng đất Hà Nội, đồng thời nêu những đặc thù về cơ cấu dân số (cả về mặt sinh học cũng như về các phương diện xã hội - nghề nghiệp) được làm nổi bật gắn liền với hiện tượng di cư vào Hà Nội, cũng như do sức hút của Thủ đô, cũng là thành phố lớn nhất nước. Có thể thấy di cư trên địa bàn Hà Nội và cả ở chừng mực nhất định các luồng di cư từ Hà Nội tới các tỉnh thành khác trong cả nước là một quá tình nhân khẩu học rất đặc trưng và có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Với quan điểm tổng hợp, xem xét các khía cạnh của dân cư Thăng Long - Hà Nội theo chiều không gian và theo chiều lịch sử, với nguồn tư liệu và số liệu phong phú, cập nhật, nội dung cuốn sách đã phác họa cho bạn đọc bức tranh sinh động về dân cư Thăng Long xưa cho đến Hà Nội hôm nay.

TP Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã.

Đơn vị hành chính cấp quận tại Hà Nội gồm 12 quận là Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Tây Hồ.

Cấp huyện gồm 17 huyện là Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Mê Linh, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thạch Thất, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín, Ứng Hòa. Cùng 1 thị xã là Sơn Tây.

Với diện tích 3.358,6 km² và dân số hơn 8,3 triệu người, Hà Nội là thành phố trực thuộc trung ương có diện tích lớn nhất Việt Nam.

Đồng thời cũng là thành phố đông dân thứ hai trong 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh của Việt Nam, nhưng phân bố dân số không đồng đều.

Dân số Hà Nội xếp sau dân số TP Hồ Chí Minh, với hơn 9 triệu người.

Tuy nhiên, thực tế số người sinh sống tại Thủ đô Hà Nội có thể nhiều hơn khi lượng người từ các địa phương khác đến làm việc nhưng chưa đăng ký tạm trú, thường trú trên địa bàn.

Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày