Bệnh nhân ngộ độc rượu đang tiếp tục được điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Vụ việc 8 người (tuổi đời chỉ 19 - 23) nghi ngộ độc rượu tại nhà hàng Mr Bao (phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP.HCM) dẫn đến 2 người chết, 6 người đang cấp cứu khiến nhiều người bàng hoàng.
Từ trước đến nay đã có rất nhiều người ngộ độc rượu dẫn đến tử vong. Tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vẫn thường xuyên ghi nhận các ca ngộ độc methanol.
Không phân biệt được qua vị giác, khứu giác
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 7-8, chuyên gia hóa học, PGS Trần Hồng Côn cho biết bằng vị giác và khứu giác, con người không thể phân biệt rượu ethanol và rượu chứa độc chất methanol. Cách duy nhất để phân biệt là thực hiện xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.
Ông Côn cho hay cồn công nghiệp có giá rất rẻ và thường chứa lẫn methanol. Vì lợi nhuận và không muốn tốn thời gian, công sức, nhiều người đã dùng cồn công nghiệp để pha chế thành rượu rồi bán cho người tiêu dùng mà không chưng cất để loại methanol.
"Nếu uống rượu lẫn methanol, dù chỉ 10% cũng gây ngộ độc và dẫn đến tử vong nhanh chóng. Cứu được thì dễ để lại di chứng rất đau lòng", ông nói.
Còn theo ông Nguyễn Trung Nguyên - giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), để phân biệt hai loại này, chỉ có 1 điểm là khi uống rượu có pha methanol sẽ có vị hơi ngọt chứ không đắng như rượu thông thường. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu, nên dễ bị nhầm lẫn.
Tuy nhiên khoảng 1 - 2 ngày sau uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa (do có quá nhiều axit formic được chuyển thành từ methanol), co giật, hôn mê.
Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch, ông Nguyên thông tin thêm
Dùng rượu rõ nguồn gốc, không pha lẫn nước ngọt vào bia rượu
Trước thực tế, nhiều người dùng các loại nước ngọt pha vào rượu bia để uống, theo chuyên gia Trần Hồng Côn, việc này cũng gây nguy hại cho sức khỏe dù các loại nước này đều nằm trong danh mục các chất đã được Bộ Y tế cho phép sử dụng.
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), pha rượu với những loại nước có gas, bia, cà phê, hoa quả công nghiệp nhiều phẩm màu... rất có hại cho sức khỏe.
Khi pha chung với rượu, hàm lượng các chất kích thích tăng cao, do nước là dung môi làm hòa tan nhiều thành phần hoạt chất. Chất kích thích, độc chất ngấm sâu vào máu đến hệ thần kinh khiến hiện tượng ngộ độc đến sớm hơn so với thức uống thông thường.
Rượu pha bia khiến lượng cồn nhanh chóng được hấp thu vào máu dưới tác động của các hương liệu, phụ gia và những chất khác biệt. Do đó khi uống rượu pha, cơ thể có cảm giác hưng phấn, dễ bị say nhưng lại gây mệt mỏi, uể oải khi thức dậy.
Uống rượu pha với nước ngọt có gas hay soda chứa nhiều CO2, khiến quá trình hấp thu cồn nhanh hơn, làm người uống đau đầu, chóng mặt, hại cho não bộ, suy giảm trí nhớ, kém linh hoạt, giảm thông minh, thậm chí mất ý thức khi uống quá nhiều.
Đường có trong rượu pha nước ngọt làm cho rượu phân tán nhanh khắp nơi trong cơ thể người uống, đặc biệt là hệ thần kinh, do đó làm cho người uống dễ say nhanh và nhiều hơn. Kết hợp rượu và nước ngọt cũng làm giãn mạch máu ở da, nhưng lại gây co mạch ở các phủ tạng sâu khác, dẫn đến huyết áp cao đột ngột, có thể tử vong.
Tác hại khi pha rượu với nước tăng lực còn nguy hại hơn rất nhiều. Lượng caffeine trong nước tăng lực cao khiến người uống dù say, ngừng uống vẫn tỉnh táo, gây nguy cơ ngộ độc rượu tăng cao.
Ngoài ra, hỗn hợp này còn có thể gây ra nhiều tác hại như thời gian say dài hơn, đau đầu, tiêu chảy, nôn, nhịp tim tăng, mệt mỏi, chuột rút, rối loạn giấc ngủ và phán đoán sai.
Theo PGS Trần Hồng Côn, để không xảy ra những trường hợp ngộ độc, tử vong vì ngộ độc rượu chứa methanol, các cơ quan quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm phải có biện pháp quản lý để cơ sở kinh doanh không được dùng cồn công nghiệp pha rượu hoặc ngâm rượu. Với người bán, không vì mục đích lợi nhuận mà pha cồn công nghiệp vào rượu rồi bán cho người tiêu dùng. …
Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng tránh ngộ độc cồn công nghiệp methanol, người dân hãy lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ đảm bảo, rõ ràng. Đảm bảo từ khâu sản xuất, phân phối, việc mua bán có mã hàng, có hóa đơn, đảm bảo có thể truy xuất người sản xuất.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC