Ẩn mình trong khu rừng rậm rạp là một căn cứ quân sự của Ukraine. Nhìn bề ngoài thì có vẻ như nó đã bị bỏ hoang, do mọi thứ đã trở thành đống đổ nát sau một trận tập kích tên lửa của Nga hồi đầu chiến sự.
Nhưng đó chỉ là những gì có thể nhìn thấy ở trên mặt đất. Cách đó không xa là lối đi bí mật dẫn xuống một boongke, nơi một số đơn vị Ukraine dùng làm căn cứ để tiến hành các hoạt động do thám, như theo dõi vệ tinh trinh sát của Nga và nghe lén các cuộc thảo luận của chỉ huy đối phương.
Trên màn hình là một đường màu đỏ, cho thấy lộ trình của một chiếc máy bay không người lái (UAV) tự sát đang trên đường tới thành phố Rostov của Nga, sau khi xuất phát từ một điểm ở miền trung Ukraine.
Căn cứ dưới lòng đất này được xây dựng để thay thế cơ sở bị Nga phá hủy phía trên và hiện là một trong các trung tâm đầu não bí mật của quân đội Ukraine. Căn cứ được Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tài trợ gần như hoàn toàn và trang bị một phần.
"110%", tướng Serhii Dvoretskiy, chỉ huy tình báo cấp cao của Ukraine, nói tại căn cứ, đề cập mức độ đóng góp của CIA cho hoạt động của cơ sở.
Theo Dvoretskiy, ngoài nhiệm vụ điều phối hoạt động của UAV và xâm nhập hệ thống liên lạc của Nga, lực lượng tại đây còn tìm cách can thiệp vào các vệ tinh trinh sát của Belarus, quốc gia ủng hộ Moskva.
Bên cạnh căn cứ này, CIA đã hỗ trợ Ukraine xây dựng, vận hành nhiều trung tâm tình báo khác, bao gồm 12 cơ sở dọc theo biên giới với Nga.
Logo CIA tại trụ sở của tổ chức ở Langley, Virginia. Ảnh: Reuters
Quan hệ hợp tác về tình báo giữa Washington và Kiev đóng vai trò rất quan trọng trong xung đột tại Ukraine. CIA và các cơ quan tình báo khác của nước này thường xuyên cung cấp thông tin để lực lượng Ukraine tập kích chính xác mục tiêu Nga và theo dõi đường đi nước bước của đối phương. Washington cũng hỗ trợ hoạt động của các mạng lưới gián điệp do Kiev xây dựng.
Đây không phải là mối quan hệ một chiều hay mới được thiết lập sau khi xung đột tại Ukraine bùng phát. Mối quan hệ này khởi nguồn từ hai cuộc điện thoại vào đêm ngày 24/2/2014. Vào thời điểm đó, chính phủ của cựu tổng thống Viktor Yanukovych vừa bị lật đổ, buộc ông và các quan chức tình báo cấp cao phải bỏ chạy sang Nga.
Chính quyền thân phương Tây nhanh chóng được thành lập. Valentyn Nalyvaichenko, người đứng đầu lực lượng tình báo của chính phủ mới, đến trụ sở cơ quan tình báo nội địa và thấy nhiều tài liệu cháy âm ỉ giữa sân. Ở bên trong, nhiều máy tính đã bị xóa sạch dữ liệu hoặc cài phần mềm độc hại, không còn có thể sử dụng.
"Mọi thứ đều trống rỗng. Không có đèn, không người lãnh đạo, không có ai ở đó", Nalyvaichenko nhớ lại.
Ông sau đó lần lượt gọi điện cho trưởng chi nhánh CIA và MI6 ở Ukraine, đề nghị họ đến trụ sở cơ quan tình báo nước này ngay lập tức. Sau khi họ tới, Nalyvaichenk muốn hai quan chức hỗ trợ Ukraine xây dựng lại cơ quan từ con số không và đề xuất mối quan hệ hợp tác ba bên. "Đó là cách mà mọi thứ bắt đầu", ông chia sẻ.
Tình báo Ukraine sau đó làm nhiều cách để xây dựng quan hệ với Mỹ. Lực lượng này đã hỗ trợ Mỹ trong nỗ lực chứng minh lực lượng ly khai thân Nga có liên quan tới vụ máy bay MH17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi ở miền đông Ukraine năm 2014.
Kiev cũng giúp đỡ Washington truy lùng các đặc vụ của Moskva bị tình nghi can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Tướng Valeriy Kondratiuk, cựu lãnh đạo tình báo quân đội nước này, hồi năm 2015 đã giao cho phó trưởng chi nhánh CIA tại Ukraine một tập tài liệu mật mà không báo trước. Các tài liệu này chứa nhiều thông tin về Hạm đội Biển Đen của Nga, bao gồm dữ liệu chi tiết về các mẫu tàu ngầm hạt nhân đời mới nhất.
Các sĩ quan CIA sau đó thường rời văn phòng của tướng Kondratiuk với balô đựng đầy tài liệu mật. "Chúng tôi hiểu rằng mình phải làm gì đó để lấy được sự tin tưởng của họ", Kondratiuk nói.
Nhận thấy sự hữu ích của tình báo Ukraine, CIA đã đồng ý hỗ trợ Kiev, bắt đầu bằng việc cung cấp thiết bị liên lạc và giúp huấn luyện lực lượng cho quốc gia này, trong đó có các đơn vị tinh nhuệ như Cục Số 5 hay Đơn vị 2245. CIA cũng đào tạo một thế hệ điệp viên Ukraine mới để hoạt động ở Nga, châu Âu, Cuba và các khu vực có đông người Nga sinh sống.
Binh sĩ Ukraine tại tiền tuyến trong bức ảnh đăng ngày 27/2. Ảnh: Quân đội Ukraine
Dù vậy, cơ quan này vào thời điểm đó nhấn mạnh rằng sẽ không hỗ trợ Ukraine tiến hành các hoạt động quân sự nhằm vào Nga, do lo ngại điều này có thể "chọc giận" Moskva và làm leo thang căng thẳng. "Chúng tôi tách biệt rõ hoạt động thu thập thông tin tình báo với những việc có thể khiến mọi thứ trở nên mất kiểm soát", một cựu quan chức cấp cao Mỹ cho biết.
Ukraine dần trở nên mất kiên nhẫn trước thái độ mà Kiev cho là thận trọng quá mức của Washington. Tình báo nước này tự ý thực hiện một số vụ ám sát và các hoạt động quân sự khác nhằm vào lãnh thổ Nga và bán đảo Crimea, qua đó vi phạm các điều khoản mà Nhà Trắng cho rằng Kiev trước đó đã đồng ý.
Tức giận trước động thái của Ukraine, các quan chức ở Washington đã đe dọa ngừng hỗ trợ Kiev, dù nước này sau đó không làm vậy.
"Quan hệ giữa hai bên ngày càng trở nên bền chặt hơn vì cả hai đều thấy được lợi ích trong đó. Trụ sở hoạt động của chúng tôi ở Ukraine trở thành nguồn tốt nhất để thu thập thông tin, dấu hiệu và những thứ khác từ Nga", một cựu quan chức cấp cao Mỹ nói.
Tháng 3/2021, Nga bắt đầu tập hợp lượng lớn binh sĩ, khí tài ở biên giới với Ukraine, làm dấy lên lo ngại về khả năng Moskva mở chiến dịch tại quốc gia láng giềng. Tháng 11 cùng năm, CIA và MI6 chính thức cảnh báo Kiev rằng Nga đang chuẩn bị đưa quân vào Ukraine để lật đổ Tổng thống Volodymyr Zelensky và thiết lập chính quyền mới thân Moskva.
Tình báo Mỹ, Anh cũng cung cấp cho Ukraine danh sách các quan chức mà Nga có kế hoạch sát hại hoặc bắt, cũng như tên những người mà Moskva muốn bổ nhiệm trong chính phủ mới.
Ông Zelensky và các cố vấn cấp cao không tin các cảnh báo này, ngay cả khi Giám đốc CIA William Burns tháng 1/2022 đích thân tới Kiev. Chính quyền Tổng thống Joe Biden sau đó ra lệnh sơ tán công dân và nhân viên ngoại giao Mỹ khỏi Ukraine, song các sĩ quan CIA thì được di dời tới một khách sạn ở miền tây nước này để tiếp tục hỗ trợ lực lượng sở tại.
Sau khi Nga phát động chiến dịch tại Ukraine vào ngày 24/2/2022, Nhà Trắng đã "bật đèn xanh" cho CIA cung cấp thông tin tình báo để Kiev thực hiện các hoạt động quân sự nhằm vào lực lượng Nga trên đất Ukraine.
Giới chức Ukraine hàng ngày gặp các sĩ quan CIA ở khách sạn để trao đổi, trong đó phía cơ quan tình báo Mỹ đã chia sẻ nhiều thông tin có độ chi tiết rất cao. Ngày 3/3/2022, CIA cung cấp cho Ukraine kế hoạch tổng thể của lực lượng Nga trong vòng hai tuần sau đó.
CIA cho biết Nga dự kiến mở chiến dịch bao vây thành phố Odessa và đã nhập sẵn tọa độ cho tên lửa hành trình để không kích 6 thành phố của Ukraine vào ngày 10/3/2022. CIA còn cung cấp thông tin rằng Mosvka lên kế hoạch ám sát các quan chức cấp cao của Ukraine, bao gồm Tổng thống Zelensky.
Theo một quan chức cấp cao giấu tên của Kiev, thông tin tình báo từ CIA đã ít nhất một lần giúp Ukraine ngăn chặn thành công âm mưu ám sát nhằm vào ông Zelensky.
Các sĩ quan CIA trở lại Kiev sau đó vài tuần và cơ quan này cũng cử thêm nhân lực tới hỗ trợ chính quyền sở tại. Một số được điều tới các căn cứ của Ukraine trên tiền tuyến. Nhiệm vụ của họ là rà soát danh sách mục tiêu Nga tiềm năng mà Ukraine chuẩn bị tấn công, so sánh với dữ liệu mà tình báo Mỹ thu thập để xác định liệu đó có phải thông tin chính xác không.
Các mạng lưới gián điệp mà CIA giúp Ukraine xây dựng cũng hoạt động tích cực, tiến hành các vụ ám sát nhằm vào những người cộng tác với Nga và hỗ trợ lực lượng Ukraine tấn công vị trí của đối phương.
Tháng 7/2022, một nhóm đặc vụ Ukraine phát hiện đoàn xe Nga chuẩn bị đi qua cầu trên sông Dnieper và thông báo cho MI6. Tình báo Mỹ, Anh nhanh chóng xác minh thông tin bằng cách kiểm tra hình ảnh vệ tinh rồi chuyển kết quả cho quân đội Ukraine. Lực lượng này sau đó phóng rocket phá hủy đoàn xe.
"Nếu không có họ, chúng tôi sẽ không có cách nào chống lại hay đánh bại người Nga", Ivan Bakanov, cựu lãnh đạo Cơ quan An ninh Ukraine (SBU), cho biết.
Giám đốc CIA William Burns phát biểu tại Langley, bang Virginia, Mỹ tháng 7/2022. Ảnh: AFP
Sự hỗ trợ của tình báo Mỹ càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh chiến dịch phản công trên bộ của Ukraine đã thất bại. Nước này hiện chủ yếu gây thiệt hại cho đối phương thông qua hoạt động phá hoại hoặc tập kích từ xa bằng tên lửa và thiết bị không người lái, chiến thuật đòi hỏi phải có đặc vụ nằm vùng ở sâu trong hậu phương của Nga để cung cấp thông tin.
Tướng Dvoretskiy cho biết CIA và Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR) mới xây thêm hai căn cứ bí mật để chặn thu tín hiệu liên lạc của Nga. Cùng với 12 căn cứ tiền phương trước đó, hai cơ sở này đang giúp GUR thu thập được lượng thông tin tình báo nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong cuộc xung đột, phần lớn được chia sẻ với CIA.
"Bạn không thể thu thập được lượng thông tin như thế này ở bất cứ đâu, ngoại trừ tại đây và ngay thời điểm này", tướng Ukraine cho hay.
Phạm Giang (Theo Business Insider, Yahoo News)
Nguồn: VNEXPRESS.NET
© 2024 | Thời báo ĐỨC