AstraZeneca thừa nhận vắc xin COVID-19 của hãng gây cục máu đông

Lần đầu tiên AstraZeneca thừa nhận vắc xin COVID-19 của hãng có thể gây cục máu đông, nhưng nói đây là tác dụng phụ trong trường hợp hiếm gặp.

1 Astrazeneca Thua Nhan Vac Xin Covid 19 Cua Hang Gay Cuc Mau Dong

Tổng cộng có 51 đơn kiện liên quan đến tác dụng phụ của vaccine COVID-19 của AstraZeneca đã được nộp lên tòa án Anh - Ảnh: SHUTTERSTOCK

Theo báo Telegraph, lần đầu tiên trong tài liệu tòa án, AstraZeneca thừa nhận vắc xin COVID-19 của hãng này có thể gây ra tác dụng phụ hiếm gặp, gây cục máu đông.

Ông lớn dược phẩm này đang bị kiện trong một vụ kiện tập thể, khi các nguyên đơn cáo buộc vắc xin COVID-19 mà AstraZeneca hợp tác phát triển cùng Đại học Oxford đã gây ra hàng chục ca tử vong và thương tật nghiêm trọng.

Luật sư của bên nguyên đơn cho rằng vắc xin COVID-19 của AstraZeneca có tác dụng phụ, và điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến một số gia đình.

Nguyên đơn đầu tiên trong vụ kiện là ông Jamie Scott, một ông bố hai con. Sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca vào tháng 4-2021, ông đã bị tổn thương não vĩnh viễn khi một cục máu đông hình thành và bị chảy máu não, khiến ông không thể tiếp tục làm việc.

Vợ của Scott đã ba lần nhận điện thoại từ bệnh viện thông báo rằng chồng bà sắp chết.

AstraZeneca phản đối các cáo buộc, nhưng trong một tài liệu pháp lý đệ trình lên Tòa án tối cao (Anh) vào tháng 2-2024 liên quan vụ kiện của ông Scott, công ty này thừa nhận vắc xin COVD-19 của mình "có thể, trong những trường hợp rất hiếm, gây ra huyết khối với hội chứng giảm tiểu cầu (TTS)", và nguyên nhân dẫn đến điều này vẫn chưa được biết đến.

"Hơn nữa, TTS cũng có thể xảy ra khi không có vắc xin AstraZeneca (hoặc bất kỳ loại vắc xin nào). Để biết nguyên nhân trong bất kỳ trường hợp của bất kỳ cá nhân nào, cần có bằng chứng chuyên môn", tài liệu này viết thêm.

Theo Telegraph, Tòa án tối cao Anh đã nhận 51 đơn kiện liên quan, trong đó các nạn nhân và người thân của họ yêu cầu bồi thường thiệt hại với ước tính lên đến 100 triệu bảng Anh (hơn 125 triệu USD).

Vào tháng 3-2021, các nhà khoa học lần đầu tiên xác định được mối liên hệ giữa vắc xin COVID-19 và biến chứng giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch do tiêm vắc xin COVID-19 (vắc xin Induced Immune Thrombotic Thrombocytopenia: VITT), thời gian ngắn sau khi loại vắc xin này được triển khai.

"Thế giới y khoa từ lâu đã thừa nhận VITT do vắc xin COVID-19 gây ra. Chỉ có AstraZeneca mới đặt câu hỏi liệu liều tiêm của Jamie (ông Jamie Scott) có phải là nguyên nhân gây bệnh cho anh ấy", bà Kate Scott, vợ của ông Scott, nói với Telegraph.

"Phải mất ba năm mới có được sự thừa nhận này. Đó là sự tiến bộ, nhưng chúng tôi muốn thấy nhiều hơn nữa từ họ (AstraZeneca) và chính phủ. Đã đến lúc mọi thứ phải được giải quyết nhanh hơn", bà thêm.

Bà Scott nói gia đình bà và nhiều gia đình khác cần một lời xin lỗi, cùng với việc bồi thường thỏa đáng.

AstraZeneca cung cấp hàng tỉ liều vắc xin COVID-19

Vào tháng 11-2021, tức chưa đầy 12 tháng sau khi được phê duyệt lần đầu tiên, AstraZeneca cho hay đã cung cấp hai tỉ liều vắc xin COVID-19 cho nhiều quốc gia trên thế giới. Hãng bắt đầu thu lợi nhuận từ vắc xin COVID-19 vào năm 2022.

AstraZeneca báo cáo rằng họ đã phân phối khoảng 102 triệu liều vắc xin thông qua cơ chế tiếp cận vắc xin công bằng COVAX vào quý 4-2022.

NGHI VŨ

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày