Paul Grisham, 91 tuổi, ở San Diego, California, Mỹ đến Nam Cực vào tháng 10/1967 với tư cách là một nhà khí tượng học của hải quân.
Trong nhiệm vụ kéo dài 13 tháng của mình, ông Paul Grisham đã đánh mất chiếc ví ở Nam Cực, khu vực lạnh giá xa xôi không phải ai cũng có cơ hội đặt chân đến.
Chiếc ví của Paul Grisham mất tích quá lâu ở 'đáy thế giới' đến độ chính bản thân ông đã không còn nhớ nữa. Nhưng mới đây, 53 năm sau khi ông rời lục địa này, chiếc ví của Grisham bất ngờ quay trở lại với chính chủ.
Paul Grisham chia sẻ: "Tôi như bị thổi bay vậy, có một số người liên lạc và gửi cho tôi. Thật bất ngờ".
Bên trong chiếc ví của Grisham chứa rất nhiều kỷ vật về thời gian ông ấy đến Nam Cực, bên cạnh thẻ hải quân và bằng lái xe.
Paul Grisham, người lớn lên ở Douglas, Arizona, nhập ngũ vào hải quân năm 1948. Ông trở thành một kỹ thuật viên thời tiết và sau đó là một nhà dự báo thời tiết. Năm 1967, ông được cử đến Nam Cực trong khuôn khổ Chiến dịch Deep Freeze, hỗ trợ các nhà khoa học dân sự. Vào thời điểm đó, Paul mới ngoài 30 tuổi, đã kết hôn với hai đứa con chập chững biết đi.
Năm 1977, ông nghỉ hưu và chuyển đến Monterey, California, Mỹ. Người đàn ông này gọi Nam Cực là 'The Ice' (tạm dịch: Băng giá) và chia sẻ rằng bản thân đã có một trải nghiệm đáng nhớ trong suốt 13 tháng ở đó.
Ví tiền rơi ở Nam Cực bất ngờ trở lại với chủ sau nửa thế kỷ
Paul Grisham nhớ lại rằng: "Hãy để tôi kể lại, khi đó nếu tôi lấy một lon nước ngọt ra và đặt bên ngoài bậc thầm, khoảng 14 phút sau, lon nước ngọt đã bị đông cứng".
Được biết, ví của Paul Grisham và một tờ tiền thất lạc khác đã được tìm thấy vào năm 2014 khi phá dỡ toà nhà ở ga McMurdo trên Đảo Ross của Nam Cực.
Stephen Decato và con gái Sarah Lindbergh, đến từ New Hampshire, đã làm việc với nhân viên Bruce McKee từ quỹ phi lợi nhuận Indiana Spirit of '45 tìm kiếm và cố gắng trả lại các món đồ cho các thành viên quân đội, để truy tìm Grisham, chủ nhân của chiếc ví. Stephen Decato trước đây đã làm việc cho một cơ quan nghiên cứu về Nam Cực.
Sarah Lindbergh, người có ông nội cũng phục vụ trong hải quân cho biết: "Nếu đó là tài sản của tôi, tôi sẽ trân trọng. Cả tôi, bố đều nghĩ rằng những gia đình khác sẽ hạnh phúc khi nhận được đồ. Bố tôi rất tự hào khi những đồ vật về đúng chủ nhân của chúng".
Hoàng Dung (lược dịch)
Nguồn: infonet.vietnamnet.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC