Một trong những nội dung phản cảm được đăng tải trên TikTok - Ảnh: Chụp màn hình
Trên TikTok, mỗi video có thời lượng ngắn, từ chục giây đến ít phút. Chúng buộc phải truyền tải một thông điệp đáng chú ý nào đó có thể tiếp cận nhiều người.
Chính việc "ngắn nhưng phải ăn khách" là cơ hội cho nhiều video có nội dung lệch lạc phát triển. Đã có nhiều video làm dấy lên làn sóng phản đối.
Nhiều video bẩn
Điển hình là vụ việc của TikToker Nờ Ô Nô - người chuyên làm nội dung review đồ ăn bằng những từ ngữ thô tục, phản cảm.
Trong chuỗi video có chủ đề "Người nghèo ăn gì - Nờ Ô Nô cho ăn đó", nam TikToker này đã sử dụng những lời lẽ miệt thị, thái độ cợt nhã đối với những người yếu thế trong xã hội.
Một hình ảnh trong clip của Nờ Ô Nô - Ảnh: Chụp màn hình
Nờ Ô Nô có loạt câu từ phản cảm như: "Hello (xin chào) bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn", "Nghèo mà còn chê đồ ăn" hay "Bớt nghèo lại đi nha, không ai giúp hoài đâu". Video này được lên xu hướng, thu hút hàng triệu lượt xem và hàng ngàn bình luận chỉ trong một ngày.
Ngày 10-3, TikTok hiện lên đoạn video quay cảnh 4 cô gái mặc áo hồng quần đen nhảy nhạc remix nơi an nghỉ của hơn 1.000 tăng ni ở chùa Bổ Đà. Sự việc trên gây xôn xao dư luận.
Một tài khoản đã lên tiếng bức xúc rằng: "Đây là nơi yên nghỉ của hơn 1.000 vị tăng ni từng tu tại chùa Bổ Đà. Là một trong những nơi cổ kính, linh thiêng nhất của miền Kinh Bắc. Vậy mà lại bị xâm phạm bởi 4 nữ nhân áo hồng nhảy nhót, uốn éo trên nền nhạc remix, trông thật phản cảm".
4 phụ nữ nhảy nhót phản cảm trên nền nhạc remix trong khuôn viên chùa - Ảnh: Chụp màn hình
Ngày 22-7-2022, một đoạn video ngắn cho thấy một cô gái thản nhiên leo lên băng chuyền hành lý để quay TikTok.
Video này nhanh chóng thu hút chục nghìn lượt xem, nhiều cư dân mạng không hài lòng và chỉ trích cô gái. Tài khoản của cô gái này có hơn 50.000 người theo dõi trên TikTok.
Giữa tháng 7-2022, một cô gái trẻ đăng tải video nhảy múa trong khu vực sân đỗ máy bay lên TikTok. Trong khi ghi hình, máy bay gần đó đang di chuyển.
Cô gái nhảy múa trong khu đỗ máy bay gây mất an toàn - Ảnh: Chụp màn hình
Thậm chí cô này còn có hành động tiến thẳng về phía máy bay, chỉ dừng lại trước khi chạm vạch đỏ giới hạn an toàn giữa các vị trí đỗ máy bay. Hành động này được cho là liều lĩnh vì có thể xảy ra tình huống bị hút vào động cơ máy bay.
TikTok chưa sạch
TikToker Lê Bống (hiện có 9,3 triệu người theo dõi trên TikTok) cũng từng nhận làn sóng chỉ trích khi "bày" cho người xem cách săn mây khi đi máy bay.
Cụ thể, cô đăng clip ghi lại cảnh đặt điện thoại bên cửa sổ máy bay rồi kéo tấm rèm xuống để quay hình ảnh mây trong suốt hành trình bay.
Theo khuyến cáo của phía an ninh sân bay, hành vi này gây nguy hiểm đến tính mạng các hành khách bởi để điện thoại bên ngoài cửa sổ có nguy cơ cháy nổ.
Clip hướng dẫn "săn mây" trên TikTok của Lê Bống gây bức xúc - Ảnh: Chụp màn hình
Giữa năm 2021, TikToker có tên D.V.P. có đông đảo lượt theo dõi đã đăng video có nội dung đưa một cô gái về nhà nhưng "hứa sẽ không làm gì cả". Sau đó, cô gái trong video kêu la thất thanh.
Nam TikToker D.V.P. trong vai người anh đứng ngoài phòng tâm đắc: "Đúng là em trai của mình".
Sau đó cư dân mạng đã phẫn nộ vì cho rằng video cổ xúy hành động cưỡng hiếp và quấy rối tình dục.
Hiện còn rất nhiều vụ việc tương tự. Nhưng sau lùm xùm, nhiều người thắc mắc tại sao những video chứa nội dung gây sốc và phản cảm vẫn xuất hiện nhan nhản trên nền tảng TikTok.
Và sau những lần dấy lên làn sóng chỉ trích, một trong những nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới này vẫn không "sạch" hơn.
Vẫn còn rất nhiều video có nội dung kỳ thị, xâm phạm trên TikTok. Phải chăng chúng vẫn tồn tại trên TikTok do chưa bị dư luận lên tiếng phản đối?
Chính vì vậy TikTok cần phải hành động trước, chứ đừng đợi dư luận lên tiếng mới xử lý. Nếu bộ phận kiểm duyệt không làm tốt trách nhiệm, để video "bẩn" gây hại cho cộng đồng, TikTok cần chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC