Thanh niên Ấn Độ vỡ mộng vì những tấm bằng 'vô giá trị'

Những tấm bằng “vô giá trị” đang tạo ra một thế hệ thanh niên thất nghiệp ở Ấn Độ, giữa lúc ngành kinh doanh giáo dục ở nước này đang bùng nổ.

1 Thanh Nien An Do Vo Mong Vi Nhung Tam Bang Vo Gia Tri

Các trường đại học, cao đẳng ở Ấn Độ mọc lên với tốc độ chóng mặt. Ảnh: Bloomberg.

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, nhiều sinh viên đã nêu ra một loạt lý do để đầu tư vào giáo dục bậc cao, từ việc cố gắng nâng cao địa vị xã hội để cải thiện triển vọng hôn nhân, cho đến nộp đơn xin việc trong chính phủ.

Tanmay Mandal, một cư dân 25 tuổi sống ở Bhopal, đã trả 4.000 USD để theo học chương trình cử nhân kỹ thuật dân dụng. Anh tin rằng bằng cấp là con đường dẫn đến công việc và cuộc sống tốt hơn.

Bất chấp phải trả khoản học phí cao đối với một gia đình chỉ có thu nhập 420 USD/tháng, Mandal cho biết anh hầu như không học được gì về xây dựng từ những giáo viên dường như không được đào tạo đầy đủ.

Anh không thể trả lời các câu hỏi kỹ thuật trong cuộc phỏng vấn xin việc và đã thất nghiệp trong ba năm qua. “Tôi ước mình đã học ở một trường đại học tốt hơn. Nhiều người bạn của tôi cũng đang không có việc làm”, anh Mandal nói.

Dù nhận thấy tấm bằng trên không hề hữu ích, Mandal vẫn sợ nỗi xấu hổ khi thất nghiệp hơn. Anh tiếp tục đăng ký học thạc sĩ tại một tổ chức giáo dục tư nhân khác vì tin rằng việc có nhiều bằng cấp ít nhất có thể giúp anh nâng cao địa vị xã hội.

Quả bom hẹn giờ

Ngành giáo dục của Ấn Độ được dự đoán đạt 225 tỷ USD vào năm 2025, tăng so với con số 117 tỷ USD năm 2020, theo India Brand Equity Foundation - một quỹ tín thác của chính phủ.

Vấn đề đối với các trường đại học xuất hiện trên khắp đất nước. Ở một số vùng của Ấn Độ, sinh viên đã tuyệt thực để phản đối việc thiếu giáo viên và cơ sở vật chất tại trường của họ.

Các doanh nghiệp lớn cũng phải đối mặt với thách thức trong việc tuyển dụng. Theo Yeshwinder Patial, Giám đốc nhân sự tại MG Motor Ấn Độ, mặc dù các công ty đang tìm cách tuyển dụng trong những lĩnh vực như sản xuất xe điện, trí tuệ nhân tạo,.. nhiều trường đại học nhỏ vẫn dạy những tài liệu lỗi thời như kiến thức cơ bản về động cơ đốt trong.

2 Thanh Nien An Do Vo Mong Vi Nhung Tam Bang Vo Gia Tri

Pankaj Tiwari, 28 tuổi. Ảnh: Bloomberg.

Trong bối cảnh ấy, tìm kiếm việc làm đối với thế hệ này vẫn là một thách thức. Theo Ngân hàng Thế giới, thất nghiệp là một quả bom hẹn giờ vì gần 1/3 thanh niên của nước này không làm việc, học tập hoặc được đào tạo. Một số thanh niên đang bị lôi kéo vào con đường phạm tội và bạo lực.

Pankaj Tiwari, 28 tuổi, cho biết anh từng chi 100.000 rupee (1.219 USD) để lấy bằng thạc sĩ về truyền thông kỹ thuật số vì muốn có công việc và địa vị cao hơn trong xã hội.

Mặc dù trường đại học đã hứa hẹn sắp xếp việc làm, anh vẫn không được công ty nào nhận và thất nghiệp bốn năm sau đó.

“Nếu tôi được đào tạo và có một số kỹ năng ở trường đại học, cuộc sống của tôi có lẽ đã khác. Tôi hiện cảm thấy mình đã lãng phí thời gian. Tôi chỉ có các chứng chỉ trên giấy, nhưng chúng không có tác dụng gì”, anh nói.

Theo: ZING.VN


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày