Khi món tráng miệng thứ ba được đưa lên bàn ăn trước bốn chàng trai trẻ, tôi thấy thật may mắn là tôi và người bạn đồng hành Marco đã tới thăm Bratislava cùng những người bạn đã lớn lên ở thành phố.
NGUỒN HÌNH ẢNH,ARCHIVE KOFOLA ČESKOSLOVENSKO
Kofola được tạo ra tại Tiệp Khắc như một thức uống thay thế cho cola vào thời điểm hàng hoá phương Tây đắt tới mức khó với tới
Marek và Kubo từ Barcelona và Prague trở về thành phố quê nhà của họ chỉ trong một thời gian ngắn, cho nên mẹ họ rất muốn cho con cái mình - và hai vị khách may mắn đi cùng - được ăn uống thoả thuê.
Tối đó, chúng tôi nhồi nhét các loại kẹo mà hai người bạn chúng tôi từng ăn thời bé: buchtičky se šodó, một loại bánh bột mềm vị vanilla lẫn chút rượu rum, và šišky s mákem, món bánh viên tròn làm từ khoai tây, đường, bơ và hạt anh túc.
Thế rồi có một món đồ uống sẫm màu, trông đằng đặc đựng trong những chai nhựa được chuyền tay nhau. Marco, người đảm nhận việc lái xe trong tối đó, tỏ ý anh không thể uống thêm được nữa.
Đây là lần đầu tiên tôi được biết đến món Kofola. Trông giống như món bia nâu nặng, nhưng Kofola lại là thứ đồ uống không có cồn, được sáng tạo ra trong nửa sau của Thế kỷ 20, thời mà Tiệp Khắc còn là một quốc gia vệ tinh của Liên Xô.
Được tạo ra như một sản phẩm thay thế cho Coca-Cola và Pepsi vào thời điểm hàng hoá phương Tây đắt tới mức khó với tới, món đồ uống này kể từ đó đã trở thành món được ưa chuộng trên toàn quốc tại quốc gia nay đã trở thành hai nước độc lập Slovakia và Cộng hoà Czech.
Thứ xi-rô cơ bản tạo nên Kofola được Zdeněk Blažek chế ra hồi cuối thập niên 1950. Ông là một khoa học gia được nhà nước đặt hàng tạo ra một thứ đồ uống thay thế cho các nhãn hiệu cola của Mỹ từ những nguyên liệu có sẵn tại Tiệp.
Kết quả là món xi-rô Kofo được làm ra. Đây là hỗn hợp các chất chiết xuất từ hoa quả và rau thơm, được dùng làm thành phần căn bản để chế biến ra kofola.
Theo một số lời kể thì Blažek và nhóm của ông đã tạo ra công thức để chế ra xi-rô Kofo (công thức này cho đến nay vẫn được giữ bí mật) trong lúc thử nghiệm các cách thức khác nhau để dùng phần thải ra của món cà phê rang. Tuy nhiên, dù Kofola có chứa chất caffein, nhưng những lời kể trên thì tỏ ra là không có căn cứ.
Thức uống giải khát này hiện vẫn được rót ra từ vòi bán đồ uống ở các quán bar, các nhà hàng tại Bratislava, và công ty sản xuất đã khiến sản phẩm trở thành một trong những thương hiệu Czech/Slovakia nổi tiếng nhất trên Facebook với nửa triệu người 'theo dõi'.
Khi bốn chúng tôi rời nhà Marek và nói lời cảm ơn về một buổi tối dễ chịu, mẹ anh đưa cho mỗi đứa chúng tôi một lát bánh hạt anh túc to tướng gói trong giấy bạc, và chúng tôi hứa sẽ thử 'một cách tử tế món Kofola vại' vào lần tới đi pub.
NGUỒN HÌNH ẢNH,ALAMY Chụp lại hình ảnh,
Tuy gắn bó với kỷ nguyên Xô-viết, nhưng Kofola vẫn là thức uống rất phổ biến tại Cộng hoà Czech và Slovakia
Kofola đã trở nên phổ biến tới mức các phiên bản của nó đã được sản xuất tại Slovakia.
Linda Metesová, người hướng dẫn các tour du lịch ẩm thực tại Bratislava, cười lớn khi cô nói với tôi rằng sau khi các nhãn hiệu tương tự, chẳng hạn như Lokálka, xuất hiện, "các quán pub tại Bratislava dựng biển quảng cáo rằng họ bá Kofola xịn".
Hầu hết mọi người đi theo tour của cô trước đây chưa từng nghe nói tới Kofola chứ đừng nói gì đến Lokálka, cho nên khi giới thiệu với khách, cô thường cố gắng để khách nếm thử loại đồ uống nguyên bản.
Cô rất nhiều lần nghe thấy những câu như "nó có vị giống như Jägermeister", và nhận thấy là mọi người thường kinh ngạc khi phát hiện hoá ra đó không phải là thứ đồ uống có cồn.
Khi chúng tôi lái xe rời khỏi nhà mẹ Marek, tôi nhận ra rằng từ 'đồ nhái' đã không hề xuất hiện trong suốt cuộc chuyện trò của chúng tôi về thứ đồ uống giải khát này.
Kofola không bị coi là thứ hàng bắt chước Coca-Cola hay Pepsi, mà là một thứ đồ uống độc đáo, gợi nhớ về những điều gắn bó chặt chẽ trong hai nền văn hoá.
Với người Czech và Slovakia, Kofola đại diện cho một giai đoạn rất đặc biệt trong phần lịch sử chung của hai nước.
Trong thời kỳ thiếu thốn, Kofola đã trở nên phổ biến tại Tiệp Khắc.
Thời còn gắn với Liên Xô, hàng hoá phương Tây như Coca-Cola và Pepsi chỉ có bán tại các cửa hàng Tuzex quốc doanh tại Bratislava, với mức giá thổi lên tới cắt cổ. Người ta có thể mua chúng bằng các tem phiếu mua hàng (vé 'bony') - do nhà nước phát hành và được coi như những tấm vé vàng để tiến vào thế giới đồ xa xỉ phẩm mà đa số mọi người đều không với tới.
Hồi đó có những cô gái người địa phương (được biết đến là các đối tượng đầy tai tiếng, 'gái Tuzex') hẹn hò với người nước ngoài, những người có thể mua được vé bony. Thậm chí còn có hoạt động chợ đen nhộn nhịp mua bán thứ tem phiếu này trong thời thập niên 1970, 1980. Thời đó, bạn thường nghe thấy những câu mời chào 'cần ít vé bony không?' thậm thụt trong các góc phố Bratislava.
Nhưng một ly Kofola lạnh sẽ đem lại sự sảng khoái mà không gây bê bối gì.
NGUỒN HÌNH ẢNH,ALAMY Chụp lại hình ảnh,
Kofola được làm từ xi-rô Kofo, một hỗn hợp làm từ chiết xuất hoa quả và rau thơm
Kofola không hề là món đồ uống thay thế duy nhất cho các sản phẩm cola của Mỹ vốn đã rất thịnh hành phía sau Bức Màn Sắt.
Ở Đông Đức, khách hàng có thể chọn trong số các nhãn hiệu như Vita Cola, Quick Cola, Kaffee Cola và ít nhất là 14 nhãn hiệu khác nữa. Cộng hoà Nhân dân Ba Lan có phiên bản riêng của họ, Polo Cockta, còn Liên Xô thì có Baikal. Cockta của Nam Tư, ngày nay vẫn đang hiện diện, thì có hương vị caramel và tầm xuân.
Thế nhưng hương vị cây cỏ đặc biệt của Kofola chính là chìa khoá dẫn đến thành công dài lâu của món đồ uống này.
Nhiều thức uống bắt chước theo nó trong thời Chiến tranh Lạnh đã đạt mức gần như giống hệt, cho nên không thể cạnh tranh được với sản phẩm nguyên bản khi việc giao thương trở nên cởi mở sau khi Liên Xô sụp đổ.
"Mẹ tôi và các đồng nghiệp có lần đã xoay sở mua được một chai Fanta xa xỉ hồi thập niên 1980," Metesová nhớ lại. "Nhưng mở ra uống với nhau thì họ rất thất vọng khi thấy vị của nó cũng giống như món nước cam có gas bán ở Tiệp."
Mặt khác, Kofola cực kỳ ít ngọt so với các thức uống cola khác, đem đến cảm giác sáng khoái khác biệt.
Dù hương vị của nó gợi nhớ lại một giai đoạn khó khăn trong lịch sử Czech và Slovakia, nhưng sự phổ biến của Kofola ngày nay được bắt nguồn sâu sắc từ nỗi hoài niệm.
Khi tôi hỏi người dân Bratislava về món Kofola, thì với họ đó là những ký ức tuổi thơ tươi đẹp.
"Tôi nhớ là được đi với bố đến quán pub và uống vại Kofala cùng những đứa trẻ khác; chúng tôi thấy mình như người lớn," Martin Záhumenský, một đầu bếp người Slovakia và là giám khảo cuộc thi MasterChef Slovensko, nói.
Ngày nay, Kofola vẫn là một lựa chọn được yêu thích thay cho món Coke hay Pepsi quá ngọt đường, và nhu cầu đối với món này đã vượt xa ra khỏi biên giới Đông Âu.
Hiện đang có nhu cầu về Kofola trong cộng đồng người Czech và Slovakia sống tại Anh Quốc, theo Anish Shah, giám đốc Halusky, công ty cung ứng chuyên về thực phẩm và đồ uống của hai nước này, nói.
"Chúng tôi ban đầu bán thử chỉ vài chai hồi 2004, khi các nước này gia nhập EU. Ngày nay, chúng tôi bán hàng két, có lẽ bán được 3.000 lít mỗi tháng," ông nói với tôi. Rõ ràng là việc cung cấp tốt cho cộng đồng ngoại kiều này sẽ giúp đem về tiền bạc đáng kể.
Tuy Kofola được cho là lành mạnh hơn các thức uống cola chính thống (nó có lượng đường ít hơn 30% so với các nhãn hiệu cạnh tranh lớn, và không hề có acid phospho), nhưng rõ ràng là tâm lý hoài niệm và lòng trung thành với nhãn hiệu của các khách hàng ưa Kofola mới là thứ giúp cho công ty sản xuất nó tồn tại được khi Czech và Slovakia tách ra thành các nước độc lập và mở cửa cho các đối thủ cạnh tranh phương Tây bước vào thị trường hồi thập niên 1990.
Kofola nay có rất nhiều hương vị phong phú, trong đó có vị chanh và vị vanilla.
Khi bốn người chúng tôi đi pub để thử món Kofola chuẩn rót ra từ vòi, tôi thấy nó lạnh hơn, tươi hơn so với loại đóng chai mà chúng tôi trước đó đã thử.
Những chiếc ly thuỷ tinh nặng càng làm nổi bật màu nâu sẫm của Kofola, và vị thảo mộc thơm rõ hơn nhiều.
Đây là sự nếm thử nho nhỏ đời sống Bratislava cho bốn chàng trai trẻ chúng tôi, trong đó có hai người không phải là những người sinh ra, lớn lên tại thành phố này, và hai người kia thì quá trẻ để nhớ về thời mà Kofola là lựa chọn duy nhất.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.
Nguồn: BBC
© 2024 | Thời báo ĐỨC