Đúng và sai từ cuộc tranh cãi không hồi kết 'khán giả nuôi nghệ sĩ'

Hai chủ thể “nghệ sĩ” và “khán giả” khi được gắn với nhau bằng từ “nuôi” đã tạo thành cuộc tranh cãi không hồi kết những ngày qua.

132 1 Dung Va Sai Tu Cuoc Tranh Cai Khong Hoi Ket Khan Gia Nuoi Nghe Si

Trước hết là nghĩa của từ “nuôi”.

Trong cuốn Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, giáo sư Hoàng Phê chủ biên, từ “nuôi” với vai trò động từ, có hai nghĩa. Đầu tiên, “nuôi” là cho ăn uống, chăm sóc để duy trì và phát triển sự sống, ví như: Nuôi con, nuôi quân. Nghĩa thứ hai, “nuôi” là giữ gìn, chăm sóc, để cho tồn tại, phát triển. “Nuôi tóc cho dài”, “nuôi chí lớn”, “nuôi ước mơ” mang nghĩa này.

Mối quan hệ giữa nghệ sĩ và khán giả nên hiểu theo nghĩa nào?

Ai quyết định thị trường?

Alfred Marshall là nhà kinh tế học người Anh đã hoàn thiện lý thuyết về cung và cầu. Và Niall Kishtainy, trong cuốn A Little History of Economics, đã minh họa thú vị cho quy luật đó bằng câu chuyện nếu bạn khát nước và đi vào một siêu thị để mua đồ uống, bạn sẽ thấy có rất nhiều lựa chọn. Bạn có thể thích nước có ga hoặc nước lọc, nước trái cây.

Thị trường tạo ra những điều ấy. Nghĩa là khi có nhu cầu, sẽ có rất nhiều nguồn cung.

132 2 Dung Va Sai Tu Cuoc Tranh Cai Khong Hoi Ket Khan Gia Nuoi Nghe Si

Chuyên gia Hồng Quang Minh cho rằng khán giả phải bỏ tiền để xem phim, do vậy, phim không phải hàng hóa đặc biệt.

Nhưng mối quan hệ giữa nghệ sĩ và khán giả có giống như vậy?

Câu trả lời nằm ở chính từ showbiz, viết tắt của “show business”. Showbiz là nơi quy tụ hai giới, bao gồm giới hoạt động kinh doanh giải trí và giới sáng tạo nghệ thuật, hình thành nên công nghiệp giải trí. Nghệ sĩ chiếm rất đông trong đó với ca sĩ, diễn viên, nhạc sĩ, MC, người mẫu…. Tính thương mại là một phần không thể thiếu của showbiz hiện nay.

Và những từ dân dã như “làng nhạc”, “làng phim”, “làng kịch” đã được sử dụng nhiều hơn bằng “thị trường âm nhạc”, “thị trường điện ảnh”.

Đã là thị trường, cạnh tranh là một thuộc tính, thậm chí là cạnh tranh rất khốc liệt. Minh Hằng nói với Zing: "Nghệ thuật tưởng vậy nhưng khốc liệt. Đường đua âm nhạc khốc liệt, và điện ảnh là… khốc liệt khủng khiếp”.

Nhưng giữa sự khốc liệt đó, ai mới quyết định thành bại cuối cùng. “Khán giả” - là câu trả lời của Minh Hằng.

132 3 Dung Va Sai Tu Cuoc Tranh Cai Khong Hoi Ket Khan Gia Nuoi Nghe Si

Minh Hằng cho rằng giải trí là thị trường khốc liệt. Ảnh: Phương Lâm.

Khán giả chính là người bỏ tiền mua sản phẩm của nghệ sĩ, bao gồm vé xem phim, kịch, nghe nhạc… Cũng khán giả bỏ công sức và thời gian để xem những sản phẩm nghệ thuật trong thời đại số. Khán giả đưa một nghệ sĩ nổi tiếng nhưng cũng có thể khiến một nghệ sĩ khác "thân bại danh liệt".

Ca sĩ Orange nói rằng khán giả ngày nay thậm chí còn quyết định lịch biểu diễn và thu nhập quảng cáo của nghệ sĩ. Sức mạnh của khán giả là miễn phủ nhận.

Thế nên khi một nữ doanh nhân tuyên bố “khán giả nuôi nghệ sĩ”, rất nhiều người đồng tình. Và câu nói nổi tiếng của Henry Ford được nhắc lại: “Ông chủ không trả lương cho nhân viên, khách hàng mới là người trả lương cho họ”.

Nhưng hai câu nói đó có mang ngữ nghĩa giống nhau hay không, và mối quan hệ giữa nghệ sĩ – khán giả ngoài góc độ thị trường với quy luật cung cầu đơn thuần, liệu có tính chất nào khác?

Nghệ sĩ có quá nhạy cảm?

Đạo diễn Bùi Quốc Bảo có bài viết dài với khẳng định “khán giả không nuôi nghệ sĩ”. Trong khi MC Kỳ Duyên cho rằng: "Khán giả nuôi nghệ sĩ chỉ đúng nếu khán giả trả tiền mà nghệ sĩ không cần làm gì cả, nói chung là chỉ ngậm miệng ăn tiền".

Nhiều ý kiến cho rằng các nghệ sĩ quá nhạy cảm và phản ứng thái quá với từ "nuôi". Trong khi, cũng có góc nhìn chỉ ra rằng đã xét ở quy luật thị trường, bản chất là tất cả nuôi nhau nhưng cũng là không ai nuôi ai cả.

Tại sao lại là không ai nuôi ai cả? Vì đó chính là bản chất của kinh tế.

132 4 Dung Va Sai Tu Cuoc Tranh Cai Khong Hoi Ket Khan Gia Nuoi Nghe Si

Denis Đặng đầu tư 10 tỷ đồng cho MV nhưng anh cho biết "chưa thu lại được gì cả. Ảnh: Phương Lâm.

Showbiz muôn hình vạn trạng, không ít chiêu trò và scandal, không ít hào nhoáng, thị phi. Nhưng rõ ràng khi nền giải trí ngày càng phát triển và những đường đua ngày càng khốc liệt, không dễ để chinh phục được khán giả. Muốn thành công, đôi khi phải đánh đổi rất nhiều thứ, với những nỗ lực không ngừng từ nội tại.

Những Bố già hoặc Gái già lắm chiêu, Thiên thần hộ mệnh hoặc Trạng Tí, MV Binz hoặc Jack. Tất cả sản phẩm đều phải đầu tư tiền của, chất xám và khi mang ra thị trường, cũng phải chấp nhận những thành bại. Trong những cuộc đua trên thị trường hiện nay, rất khó để thảnh thơi, "ngồi mát ăn bát vàng".

Minh Hằng nói "xao nhãng một chút có thể tụt hậu ngay", còn Victor Vũ nói: "Nghề này, hôm nay thành công, ngày mai có thể không là gì cả".

Về tranh cãi "ai nuôi ai" giữa nghệ sĩ và khán giả, một nghệ sĩ thật lòng: “Chúng tôi không quá nhạy cảm, không hiểu sai từ ‘nuôi’, chúng tôi chỉ đang hiểu đúng nghĩa của từ này. Tại sao cũng bỏ mồ hôi, công sức, tiền bạc, thậm chí có người mất trắng khi những sản phẩm thất thu lại vẫn bị nói là những người… được nuôi”.

Lời giải cho những tranh cãi

Trao đổi với Zing, chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh nêu quan điểm tất cả những sự kết nối “phải trả tiền” là giao dịch mua bán, một sản phẩm có giá trị và “giá trị sử dụng” thì nó là “hàng hoá” và có mua bán xảy ra.

"Thế nên một sản phẩm nghệ thuật, văn hoá nói chung mà có người bỏ tiền ra để thưởng thức thì nó là hàng hoá. Đừng nâng cao sản phẩm nghệ thuật thông thường và gọi đó là 'hàng hoá đặc biệt'. Sao lại đặc biệt? Đặc biệt không lẽ là tôi trả tiền để nghe anh hát, xem phim của anh vẫn phải thầm cảm ơn và tôn sùng anh? Ở chiều ngược lại cũng tương tự. Khi đã là mua - bán thì mang những từ như nuôi vào để làm gì? Nếu chỉ nói về mua-bán thì hãy mang việc mua - bán về đúng bản chất", chuyên gia truyền thông Quang Minh nêu quan điểm.

Tuy nhiên, một số góc nhìn lại cho rằng mối quan hệ nghệ sĩ và khán giả không phải mối quan hệ mua bán đơn thuần.

Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh làm bài thơ: "Khán giả nuôi nghệ sĩ / Nghệ sĩ nuôi tác phẩm / Tác phẩm nuôi linh hồn / Ôi những linh hồn tội nghiệp..." Qua đó thể hiện quan điểm, khán giả và nghệ sĩ nuôi lẫn nhau.

Tứ thơ của Võ Thiện Thanh đồng điệu với quan điểm về bản chất của nghệ thuật. Đó là nghệ thuật được sinh ra từ sự thặng dư về cảm xúc của người nghệ sĩ.

Đó không phải là của cải vật chất để dễ nhìn thấy giá trị. Không phải bánh mì, cũng không phải chai nước hoa. Nhưng như Sublime nói “nghệ thuật để con người chiêm nghiệm, thỏa mãn, thanh lọc tâm hồn, tâm trạng, tâm thể, tâm thế theo quy luật cái đẹp và cái trác tuyệt”.

Những sản phẩm nghệ thuật đúng nghĩa không nên được coi như một món hàng đơn thuần để mua bán, ngã giá. Như cách David không đồng ý sửa bức vẽ Chân dung phu nhân Recamier hay Rembrandt thà nghèo khổ cũng không thay đổi quan điểm thẩm mỹ của mình, ông giữ lại bức Tuần tra ban đêm để trong nhà.

Các nghệ sĩ đúng nghĩa luôn có nghệ sĩ tính về sáng tạo, và niềm kiêu hãnh riêng. Từ "nuôi" không sai nhưng có thể là "nặng" với họ.

Đạo diễn Lê Quốc Nam cho rằng sản phẩm của nghệ sĩ đặc thù, không phải là đồ vật, có thể mang ra chợ bán. Và từ "nuôi", giá như, ngay từ đầu được thay bằng một từ khác, có lẽ đã không xảy ra những tranh cãi không đáng có.

Đạo diễn Đức Thịnh nhấn mạnh đây là cuộc tranh luận một vấn đề mà không cùng hệ giá trị, hệ quy chiếu. Và như thế, cuộc tranh cãi này sẽ kéo dài vô hạn, không hồi kết.

Lời giải cho một cuộc tranh cãi đôi khi là việc không nên tranh cãi về điều đó ngay từ đầu.

Quang Đức

Nguồn: zingnews.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày