Sắc đỏ đã bao trùm các sàn chứng khoán châu Âu trong sáng 15-3 khi giá cổ phiếu của Credit Suisse – ngân hàng lớn thứ hai tại Thụy Sĩ – lần đầu tiên giảm xuống mức dưới 2 franc Thụy Sĩ (2,18 USD).
Giá trị của ngân hàng thuộc nhóm 30 ngân hàng “lớn đến mức không thể phá sản” khi đó chỉ còn chưa đầy 6,7 tỉ franc (tương đương 7,25 tỉ USD).
Chỉ số chứng khoán DAX của Đức lao dốc trên sàn Frankfurt ngày 15-3 do ảnh hưởng vụ Credit Suisse – Ảnh: REUTERS
Ngòi nổ gây rung chấn các sàn chứng khoán xuất phát từ tuyên bố của ông Ammar al-Khudairy – chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Saudi Arabia – cổ đông lớn nhất từ sau khi bơm tiền cứu Credit Suisse hồi tháng 11-2022. Trả lời Đài truyền hình Bloomberg TV, ông này nói không hề có ý định góp thêm tiền theo đề nghị của Credit Suisse.
Ảnh hưởng dominoPhát ngôn đó được thị trường diễn giải là cổ đông lớn nhất (với 9,8% cổ phần) của Credit Suisse không có ý định chống lưng cho ngân hàng Thụy Sĩ sau những kết quả kinh doanh giảm sút gần đây (thua lỗ 7,3 tỉ franc trong năm 2022 và bị khách hàng rút ồ ạt 123 tỉ).
Chuyên gia David Benamou – giám đốc đầu tư của Axiom Alternative Investments – bình luận với Hãng tin AFP rằng phát ngôn của al-Khudairy là “tuyên bố bất cẩn châm dầu vào lửa trong bối cảnh thị trường tài chính đang quá căng thẳng”.
Nhưng chính Credit Suisse cũng bất cẩn khi thừa nhận hôm 14-3 là ngân hàng “có những yếu kém đáng kể” trong việc kiểm soát nội bộ, dẫn đến việc các nhà đầu tư bực mình vì họ đang trông mong Credit Suisse lập lại trật tự cho tốt. Một trong những yếu kém mà Credit Suisse công khai là việc một cựu nhân viên đã đánh cắp dữ liệu cá nhân, bao gồm mức lương và các khoản thưởng trong giai đoạn 2013-2015.
Thực tế là Credit Suisse có những khó khăn gần đây. Cách đây hơn một tháng, cổ phiếu của họ đã giảm gần 15% trong phiên giao dịch ngày 9-2 sau khi công bố báo cáo kinh doanh hằng năm cho thấy thua lỗ nặng nhất kể từ năm 2008. Mặc dù đã thực hiện kế hoạch tái cơ cấu mạnh mẽ từ tháng 10-2022 nhưng tính cả năm 2022 Credit Suisse vẫn thua lỗ 7,3 tỉ franc Thụy Sĩ (7,9 tỉ USD). Tính từ tháng 3-2021, cổ phiếu của ngân hàng đã mất tổng cộng hơn 75% giá trị.
Chuyên gia David Benamou nhận định: “Mọi người đều chưa quên cuộc khủng hoảng tài chính 2008 (sau vụ phá sản của ngân hàng đầu tư nổi tiếng Lehman Brothers của Mỹ) nên lần này có những phản ứng tức thì”.
Có đáng sợ không?Sau thời gian bất ổn vì đại dịch COVID-19 và ổn định dần sau giai đoạn lạm phát tăng cao, thị trường tài chính đang tươi sáng hơn. Nhưng hai cú sốc (hai ngân hàng Mỹ phá sản và Credit Suisse) trong vòng một tuần liệu có là điềm báo xấu?
Ông Thibault Douard – nhà điều hành của quỹ đầu tư Tikehau Capital – giải thích: “Điều quan trọng nhất trong lĩnh vực ngân hàng là niềm tin. Khi niềm tin xói mòn thì sẽ xuất hiện sóng hoảng loạn”. Ông Lorenzo Bini Smaghi – chủ tịch hội đồng quản trị của Ngân hàng Société Générale – cũng trả lời trên nhật báo kinh tế Börsen Zeitung của Đức rằng “khi một phần hệ thống tài chính bị khủng hoảng thì đương nhiên dễ có lây lan domino bởi các nhà đầu tư thường sẽ tự hỏi kế đến là ông lớn nào đây?”.
Nhưng nhà kinh tế học Eric Pichet – giáo sư Trường Thương mại Kedge Business (Pháp) – lại cho rằng “đây chỉ là sự điều chỉnh của thị trường chứng khoán sau nhiều tháng tăng trưởng tốt”. Các nhà phân tích khác cũng cho rằng sự rung lắc vừa qua chỉ liên quan thị trường chứng khoán, còn không ảnh hưởng mấy đến hoạt động của các ngân hàng.
Hơn nữa Credit Suisse không phải bị phá sản và đã được Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (ngân hàng trung ương – SNB) đồng ý cho vay 50 tỉ franc Thụy Sĩ (54 tỉ USD) để đảm bảo thanh khoản. Chưa kể các ngân hàng hiện nay (đặc biệt ở châu Âu) đã rút kinh nghiệm từ vụ 2008 nên đã gia cố tốt cho hệ thống.
Tuy nhiên cũng không nên bỏ qua cảnh báo mới đây của giáo sư Mỹ Joseph Stiglitz (Nobel kinh tế năm 2001) là “các ngân hàng hiện nay lành mạnh hơn so với quá khứ, đặc biệt là so với hồi năm 2008. Đã có những tiến bộ nhưng tôi vẫn thấy là chưa đủ”.
Nhà kinh tế học lừng lẫy giải thích: “Luôn có những tin đồn nói là ngân hàng này, ngân hàng kia dễ sụp nhưng chỉ khi biết được kết quả kế toán thực của họ và khả năng chống chịu của họ thì mới chắc, còn không thì khó kiểm chứng”.
Vị giáo sư ĐH Columbia cũng cảnh báo: “Chúng ta nên xem lại độ ổn định của hệ thống tài chính, đặc biệt là trong thời đại kỹ thuật số”. Ông cho rằng đừng tưởng tài khoản nằm trong ngân hàng thì không dịch chuyển đi đâu được. Trên thực tế hiện nay, chỉ cần vài cú bấm là hàng loạt khách hàng có thể chuyển tiền gửi của họ từ ngân hàng này sang ngân hàng khác.
Nguồn: Tuoitre
© 2024 | Thời báo ĐỨC