Ngày 14/4, Bernie Madoff bị phạt tù năm 2008 với bản án dài 150 năm tù. Cái tên của Madoff gắn liền với chiêu lừa đảo quy mô lớn theo hình thức Ponzi (tức thủ đoạn lấy của người đến sau trả cho người đến trước).
1. Không ai biết thời điểm Madoff bắt đầu chiêu lừa
Cho tới nay, không ai có thể xác định chính xác thời điểm Madoff bắt đầu đánh cắp tiền của nhà đầu tư. Ngay cả siêu lừa cũng không đồng nhất về vấn đề này.
Năm 2013, Madoff nói mọi chuyện bắt đầu năm 1987 nhưng sau đó lại nói khởi điểm là vào năm 1992. Một số báo cáo cho biết tội phạm của Madoff có thể bắt đầu từ thập niên 1960, khi siêu lừa mới đặt chân vào phố Wall.
Frank DiPascali Jr., cựu quản lý tài khoản của Madoff, từng khai trước tòa rằng những hoạt động mờ ám tài chính diễn ra "từ lúc tôi có thể nhớ được". DiPascali bắt đầu làm cho Madoff từ năm 1975.
2. Madoff không thực sự biển thủ 65 tỷ USD
Chiêu lừa Ponzi của Madoff thường được gọi là cú lừa 65 tỷ USD nhưng ông ta thực tế chỉ trộm 20 tỷ USD trong quỹ nhà đầu tư. Công ty của Madoff tạo sao kê tài khoản khiến các nạn nhân nghĩ rằng khoản đầu tư của họ thu lời tổng cộng 65 tỷ USD. Tuy nhiên, số tiền lãi này chưa bao giờ tồn tại.
3. Luật sư kiếm được khoảng 800 triệu USD trong lúc thu dọn hậu quả
Bernie Madoff năm 2009. Ảnh: Bloomberg News.
Sau khi siêu lừa vào tù, luật sư Irving Picard được tòa án ủy thác trách nhiệm truy thu số tiền Madoff đánh cắp để trả lại cho nạn nhân. Đây là hoạt động khổng lồ với quy mô quốc tế. Phần lớn đầu việc được chuyển sang cho các hãng luật khác.
Sau hơn 10 năm thực hiện nhiệm vụ, Picard cùng hãng luật của ông kiếm được gần một tỷ USD phí pháp lý, Law.com cho biết vào năm 2018.
4. Cuộc sống trong tù không tệ nhưng siêu lừa không yên giấc
Trong lần phỏng vấn năm 2013 với CNN, Bernie Madoff, khi ấy 75 tuổi, nói trong tù được làm công việc có thù lao 40 USD mỗi tháng. Nội dung công việc là lau chùi điện thoại và máy tính "vài tiếng mỗi ngày". Madoff tin rằng mình được bạn tù tôn trọng. Ông ta dành hầu hết thời gian đọc báo và tiểu thuyết.
Madoff nói mỗi ngày dậy sớm từ 4h30, không phải do bị bắt buộc mà do không ngủ được. Madoff cảm thấy ám ảnh với cái chết của con trai cả tên Mark, người treo cổ vào năm 2010, hai năm sau khi bố bị bắt.
"Tôi có trách nhiệm trong cái chết của con. Tôi phải sống với điều ấy", Madoff nói.
Năm 2020, Madoff từng xin tòa được ra tù sớm vì lý do sức khỏe. Sau khi công tố viên phản đối, yêu cầu của siêu lừa bị thẩm phán bác bỏ.
5. Nạn nhân của Madoff sắp nhận lại tiền
Luật sư Picard đã thu hồi 14,4 tỷ USD trong số 20 tỷ USD bị mất cắp. Trong số này, 13,6 tỷ USD đã về tay các nhà đầu tư. Đợt hoàn trả gần đây nhất vào tháng 2/2021 cho mỗi khách hàng nhận lại khoảng 70% mức tiền họ yêu cầu, trừ trường hợp được nhận đủ tiền từ trước.
Hầu hết số tiền được thu hồi tới từ thỏa thuận hòa giải giữa Picard và những bên sinh lời sau khi đầu tư vào công ty của Madoff. Dù nhiều nhà đầu tư trong số này khẳng định không hay biết thủ đoạn của Madoff, Picard vẫn khởi kiện với cáo buộc họ thu lời từ chiêu lừa đảo.
Bên cạnh đó, Quỹ Nạn nhân Madoff của Bộ Tư pháp Mỹ cũng trao cho nạn nhân 488 triệu USD vào tháng 12/2020. Từ khi được thành lập vào năm 2013, quỹ này tới nay đã có thể trả hơn 3,2 tỷ USD cho hơn 36.800 nạn nhân.
"Cái chết của Madoff không làm nhẹ bớt nỗi đau mà các nạn nhân phải chịu đựng. Hành trình giúp đỡ nạn nhân của chúng tôi cũng chưa kết thúc. Tôi và đội ngũ pháp lý cam kết tiếp tục xác minh số tiền bị mất cắp để trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp", Picard nói trong tuyên bố sau cái chết của Madoff.
Quốc Đạt (Theo CNN)
Nguồn: vnexpress.net
© 2024 | Thời báo ĐỨC