Như VietNamNet đã đưa tin, kể từ ngày 1/8, Zalo sẽ cập nhật lên phiên bản mới. Điểm đặc biệt của phiên bản này là việc đơn vị phát triển sẽ tiến hành hạn chế một số tính năng trên ứng dụng.
Cùng lúc đó, Zalo cũng tung ra phiên bản trả phí (Zalo OA) với mức phí từ 10.000 đồng - 399.000 đồng/tháng. Do đó, đã xuất hiện không ít những đồn đoán về việc Zalo hạn chế tính năng là để thu phí người dùng.
Theo khảo sát trong quý IV/2021 của Decision Lab, khi được hỏi về việc dùng ứng dụng nào để liên lạc với người thân, 48% số người được hỏi đều cho biết họ sử dụng Zalo. Trong khi đó, con số này của Facebook và Messenger lần lượt là 27% và 20%.
Quan điểm của người dùng Việt có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh câu chuyện thu phí của ứng dụng Zalo. Ảnh: Trọng Đạt
Ở thời điểm hiện tại, Zalo hiện vẫn là một trong những ứng dụng được nhiều người sử dụng nhất tại Việt Nam để duy trì liên lạc. Báo cáo của Decision Lab còn nhận định, Zalo đang là nền tảng trong nước duy nhất có thể sánh vai và soán ngôi những gã khổng lồ quốc tế.
Tuy vậy, kể từ khi rộ lên những thông tin về việc Zalo sẽ thu phí người dùng, đã xuất hiện những quan điểm khác nhau từ phía chính người sử dụng Zalo.
Trên nhiều diễn đàn và các trang mạng xã hội, xuất hiện nhiều ý kiến cho biết sẽ bỏ ứng dụng Zalo trong trường hợp ứng dụng này thu phí người dùng.
Theo anh Nguyễn Việt Cường ở Hà Nội, việc Zalo thu phí người dùng sẽ là một cơ hội cho các ứng dụng nhắn tin khác. Nam độc giả này cho biết sẽ chuyển qua xài ứng dụng khác nếu đơn vị phát triển kiên quyết thu phí người dùng Zalo.
Có đồng quan điểm, anh Nguyễn Văn Thuận (TP.HCM) cho rằng, trên thị trường hiện có rất nhiều ứng dụng cung cấp dịch vụ nhắn tin tương tự như Zalo. Trong trường hợp Zalo hạn chế tính năng, sẽ có app khác ngay lập tức nổi lên bởi người dùng có rất nhiều lựa chọn để thay thế.
Bên cạnh ý kiến phản đối từ nhóm người dùng phổ thông, nhiều người kinh doanh online chấp nhận thực tế sẽ không còn được sử dụng Zalo miễn phí. Ảnh: Trọng Đạt
Ở chiều ngược lại, cũng có không ít người hưởng ứng sự thay đổi này. Theo anh Trần Gia Thế (Hà Nội), nếu đọc kỹ các điều chỉnh của Zalo, có thể thấy những cập nhật mới không tác động gì mấy lên nhóm đối tượng người dùng phổ thông.
"Những người thường xuyên nhắn tin với người lạ chủ yếu là nhóm nhân viên sale, tư vấn khách hàng. Họ kiếm tiền từ nền tảng Zalo, vậy phải nộp phí sử dụng dịch vụ cho ứng dụng này cũng là điều hợp lý", anh Thế chia sẻ.
Trao đổi với VietNamNet, một độc giả có tên Nguyễn Mai Lan cho biết, công việc của chị là bán hàng online nên thường xuyên phải duy trì liên lạc với các khách hàng cả cũ lẫn mới qua Zalo. Mặc dù là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách mới của Zalo, chị Lan đã xác định trước tâm lý và cho rằng điều đó cũng sẽ xảy ra không sớm thì muộn.
"Zalo họ có công phát triển nền tảng, thế nên tôi cho rằng họ có quyền thu tiền từ những người kinh doanh trên nền tảng của mình. Thực tế là lâu nay tôi cũng như nhiều người kinh doanh online khác đã đều trả tiền để sử dụng dịch vụ quảng cáo trên nền tảng của Facebook", chị Lan nói.
Theo chị Lan, khác với các ứng dụng nhắn tin khác, Zalo khá phổ biến với nhóm người dùng trung tuổi. Họ là nhóm khách hàng có khả năng chi tiền, nhưng khó tiếp cận bằng những nền tảng hay ứng dụng khác như Messenger, Viber, Telegram,...
"Với những ưu điểm đó, sau khi cân nhắc được mất, tôi vẫn sẽ sử dụng Zalo thay vì các app nhắn tin khác. Tuy vậy, Zalo cũng cần phải hiểu cho người kinh doanh online và có mức phí hợp lý. Nếu không, sẽ ngay lập tức có những ứng dụng khác nổi lên và chiếm lại thị phần từ tay công cụ nhắn tin này", chị Lan chia sẻ.
Những thay đổi quan trọng trên Zalo từ ngày 1/8/2022:
- Người lạ không thể xem hoặc bình luận trên nhật ký của bạn.
- Mỗi tài khoản có 40 lần hiển thị/tháng khi người lạ tìm kiếm qua số điện thoại.
- Mỗi tài khoản được phản hồi 40 hội thoại từ người lạ mỗi tháng.
- Danh bạ có tối đa 1000 liên hệ.
- Tài khoản thường sẽ không còn sử dụng được username.
- Mỗi tài khoản được mặc định có 5 mẫu tin nhắn nhanh.
Trọng Đạt
Nguồn: Báo điện tử VietnamNet
© 2024 | Thời báo ĐỨC