"Nguồn cung chất bán dẫn sẽ chưa thể tăng ngay lập tức. Có rất nhiều nguyên liệu thô, khí cần thiết để sản xuất các chất bán dẫn đó", Vinay Gupta, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IDC, chia sẻ.
Xung đột giữa Nga - Ukraine gây ảnh hưởng đến nguồn cung của nhiều nguyên liệu thô, khí (Ảnh: CNBC).
Gupta cho biết thêm rằng Nga và Ukraine hiện là những quốc gia xuất khẩu krypton lớn nhất. Đây là một loại khí quan trọng được sử dụng trong quá trình sản xuất chip.
Bên cạnh đó, neon cũng rất quan trọng đối với quá trình sản xuất chip. Khí này được dùng để tạo ra các tia laser sử dụng trong quy trình sản xuất chip, được gọi là kỹ thuật in quang khắc. Sau đó, máy quang khắc sẽ dùng những tia laser này để khắc lên các mảnh silicon nhỏ do Samsung, Intel và TSMC sản xuất.
Theo Peter Hanbury, chuyên gia phân tích chất bán dẫn tại công ty nghiên cứu Bain & Co, hơn một nửa lượng neon trên thế giới được sản xuất bởi các công ty tại Ukraine.
Dựa trên ước tính từ công ty tư vấn Techcet, lượng neon mà toàn thế giới cần để sản xuất chất bán dẫn đạt khoảng 540 tấn vào năm ngoái. Do các công ty tại Ukraine chiếm hơn một nửa sản lượng trên, con số này có thể giảm xuống dưới 270 tấn vào năm 2022.
Sự thiếu hụt chip trên toàn cầu đã tàn phá chuỗi cung ứng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của nhiều sản phẩm như xe hơi hay máy chơi game PlayStation 5. Tình trạng thiếu neon có nguy cơ khiến cho vấn đề này trở nên tồi tệ hơn.
Chất bán dẫn được sử dụng trong mọi thứ, từ điện thoại di động, máy tính đến ô tô cũng như các thiết bị gia dụng. Sự gián đoạn của chuỗi cung ứng và chi phí gia tăng đồng nghĩa với việc giá bán trung bình của các thiết bị sẽ tăng lên. Các nhà sản xuất sau đó sẽ chuyển phần chi phí này cho khách hàng của họ.
Giá bán của nhiều thiết bị sẽ tăng cao do tình trạng khan hiếm chip kéo dài (Ảnh: CNBC).
"Chi tiêu cho các sản phẩm công nghệ thông tin, đặc biệt là chi tiêu của người tiêu dùng, đang có dấu hiệu suy thoái", Gupta nói.
Trước đây, chi tiêu cho lĩnh vực công nghệ thông tin của doanh nghiệp, bao gồm các dịch vụ phần mềm, đám mây và nhiều dịch vụ khác, liên tục tăng và được duy trì. Tuy nhiên, tình trạng lạm phát đã khiến các doanh nghiệp buộc phải "bảo vệ ngân sách của họ".
"Hy vọng rằng tình trạng này sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Các chính phủ và ngân hàng trung ương tại nhiều quốc gia đang cố gắng cân bằng giữa lạm phát và lãi suất", Gupta chia sẻ.
Theo cnbc.com
© 2024 | Thời báo ĐỨC