Nguồn: COMAC - Dữ liệu: NGỌC ĐỨC - Đồ họa: TUẤN ANH
Chuyến bay nằm trong nỗ lực của COMAC nhằm thuyết phục các hãng hàng không Đông Nam Á lựa chọn máy bay do họ sản xuất. Chiếc ARJ21 cùng "người anh em" thân hẹp tầm trung C919 đang trong hành trình hai tuần đi chào hàng tại Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia và Indonesia.
Thêm lựa chọn cho khách hàng
Tại Triển lãm hàng không Singapore mới đây, chiếc C919 trở thành nhân tố mới được quan tâm khi nỗ lực chứng tỏ nó có thể là lựa chọn thay thế tiềm năng cho hai dòng máy bay đối thủ là Boeing 737 MAX và Airbus A320.
Đây có thể xem là làn gió mới cho nhiều hãng bay trong bối cảnh nhu cầu đi lại tăng nhưng các nhà sản xuất máy bay lâu đời đều đang gặp khó khăn trong chuỗi cung ứng.
Theo báo cáo triển vọng thị trường thương mại năm 2023 của Boeing, hãng này dự đoán tốc độ tăng trưởng đội bay hằng năm ở Đông Nam Á là 6,9%, với gần 4.300 máy bay mới xuất xưởng trong vòng 20 năm tới.
Bản thân COMAC cũng dự đoán đội bay thương mại toàn cầu sẽ tăng từ 24.264 máy bay hiện tại lên 51.701 chiếc trong hai thập niên tới. Trong đó, nhu cầu của thị trường châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng từ 3.314 lên 9.701 chiếc.
Tuy nhiên, giữa lúc nhu cầu tăng vọt, Boeing lại vướng vào rắc rối liên quan đến các lỗi kỹ thuật nguy hiểm trên dòng máy bay 737 MAX. Họ có thể sẽ mất nhiều thời gian trước khi khắc phục triệt để các lỗi trên và lấy lại niềm tin của khách hàng.
Trong khi đó, Airbus đã không thể tận dụng được lúc đối thủ "sẩy chân" để bứt lên vì những trở ngại trong chuỗi cung ứng. Sự thiếu hụt linh kiện, chất bán dẫn, nhân công... khiến các dây chuyền sản xuất của Airbus không thể hoạt động tối đa công suất.
Trong bối cảnh đó, COMAC mang đến hai lựa chọn khác cho các hãng bay. Trả lời Hãng tin Reuters tại Triển lãm hàng không Singapore, ông Subhas Menon, tổng giám đốc Hiệp hội các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương, khẳng định các hãng trong khu vực đều cởi mở đón nhận C919 là lựa chọn thứ ba sau 737 MAX và A320.
Ông Menon nói: "Tôi nghĩ mọi người sẽ cân nhắc khi mà cả Airbus và Boeing đều đang gặp vấn đề riêng về việc giao hàng. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhìn nhận thực tế rằng C919 vẫn chưa được kiểm định bởi một số tổ chức nhất định. Do đó, việc quan tâm và đưa ra hành động vào lúc này vẫn còn hạn chế".
Thách thức với "người mới"
Vì là "người mới" gia nhập ngành công nghiệp sản xuất máy bay, COMAC tất yếu phải đối mặt với sự hoài nghi về chất lượng sản phẩm. Điều này là có cơ sở vì đến nay, cả C919 và ARJ21 mới chỉ được Cơ quan hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) chứng nhận an toàn. Do đó, phạm vi được phép hoạt động của hai dòng máy bay này còn khá hạn chế.
Nhà sản xuất máy bay Trung Quốc đang lên kế hoạch lấy được chứng nhận của Cơ quan an toàn hàng không Liên minh châu Âu (EASA), một trong hai tiêu chuẩn vàng của hàng không thế giới, trong năm 2024. Hiện chưa có thông tin về lộ trình đạt chuẩn của Cơ quan hàng không liên bang Mỹ (FAA) cho máy bay COMAC.
Trong chuyến bay trải nghiệm ngày 2-3, một số hành khách đã có đánh giá tích cực với máy bay COMAC.
Anh Nguyễn Hà Minh Hoàng chia sẻ với Tuổi Trẻ: "Mình cảm thấy khá ấn tượng vì ghế ngồi rộng rãi dù chiếc ARJ21 chỉ để khai thác chặng trung và ngắn. Điều đặc biệt là ghế ngồi rất êm và thoải mái. Hệ thống điều hòa, đèn đọc sách và nút gọi tiếp viên tuy có thiết kế lạ lẫm nhưng vẫn thân thiện với người dùng".
Trong khi đó, anh Hà Tuấn Minh, giám đốc Công ty Winner - doanh nghiệp lữ hành chuyên đón các đoàn du khách từ Trung Quốc, Đài Loan sang Phú Quốc, nhận xét máy bay ARJ21 vận hành êm ái, không ồn. Anh Minh cho rằng kích thước nhỏ gọn của ARJ21 sẽ phù hợp cho một số chặng bay ngắn như TP.HCM - Côn Đảo, TP.HCM - Phú Quốc...
Chủ doanh nghiệp lữ hành này cho biết loại máy bay được công ty du lịch thuê cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của khách hàng và phải được quy định rõ trong hợp đồng. Khách bay những chặng dài thường muốn được đi trên máy bay có ghế ngồi rộng, chỗ để chân thoải mái.
"Trước mắt, tôi thấy người Trung Quốc đón nhận máy bay này khá tốt. Trong tương lai, nếu máy bay COMAC được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, có thể tôi sẽ cân nhắc thuê máy bay của họ để đưa khách ra Phú Quốc du lịch", anh Minh chia sẻ.
Kỳ vọng Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng sản xuất máy bay
Tại buổi bay trải nghiệm, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM Ngụy Hoa Tường chia sẻ với Tuổi Trẻ: "Chuyến trình diễn của COMAC lần này có ý nghĩa quan trọng, tượng trưng cho mong muốn quan hệ hợp tác thương mại giữa hai bên trong năm mới sẽ được nâng cao rất nhiều.
Năm nay cũng là kỷ niệm 30 năm TP Thượng Hải và TP.HCM thiết lập quan hệ kết nghĩa. COMAC có trụ sở chính đặt tại Thượng Hải, do đó, đây là sự kiện mở đầu cho chuỗi hoạt động kỷ niệm.
Một máy bay có rất nhiều linh kiện và mỗi phần có thể do một nước sản xuất. Do đó, quá trình sản xuất một chiếc máy bay là sự hợp tác giữa các đối tác toàn cầu. Chúng tôi hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào quy trình sản xuất này".
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC