Không giống như các tên lửa truyền thống bay theo đường đạn đạo hình vòng cung có thể dự đoán được, khiến việc đánh chặn là điều hoàn toàn có thể về mặt lý thuyết, tên lửa siêu thanh di chuyển với tốc độ March 5 (tức gấp 5 lần tốc độ âm thanh, tương đương khoảng 4.000 dặm/giờ) và có khả năng di chuyển linh hoạt, khiến chúng gần như không thể bị đánh chặn bằng các công nghệ phòng không và tên lửa hiện tại.
Trung Quốc và Nga đang đi đầu trong công nghệ vũ khí mới nổi này và Mỹ dường như đang bị tụt hậu hơn. Để rút ngắn khoảng cách, Washington đang đầu tư nhiều nguồn lực vào việc phát triển hệ thống vũ khí tiên tiến này.
Quân đội Mỹ phóng thử thành công một Rocket nhằm thu thập dữ liệu phục vụ việc phát triển vũ khí siêu thanh tại Virginia hồi tháng 10.
“Thời khắc Sputnik” của Trung Quốc
Tháng 10/2021, chương trình vũ khí siêu thanh của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của quốc tế khi tờ Financial Times (FT) đưa tin rằng nước này đã thử nghiệm một tên lửa siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân vào tháng 8, tên lửa này đã bay vòng quanh trái đất trước khi bắn trúng mục tiêu, khiến các cơ quan tình báo Mỹ phải kinh ngạc.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley đã mô tả cuộc thử nghiệm này là "thời khắc Sputnik", vì các nhà khoa học quân sự Mỹ dường như không thể hiểu làm thế nào Trung Quốc đạt được kỳ tích này.
FT cũng nói rằng cuộc thử nghiệm của Trung Quốc liên quan đến một hệ thống vũ khí tấn công từ quỹ đạo thấp (FOBS), đi theo quỹ đạo thấp hơn so với tên lửa đạn đạo, khiến nó khó bị đánh chặn hơn. Nó có thể bay qua Bắc Cực hay Nam Cực, trong khi hầu hết các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ được bố trí để chống lại các cuộc tấn công từ Bắc Cực.
Mặc dù cuộc thử nghiệm gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Washington, song trên thực tế Trung Quốc đã thử nghiệm vũ khí siêu thanh trước cả khi tiến hành vụ thử được coi như là “thời khắc Sputnik” hồi tháng 8 năm ngoái. Tháng 11/2017, The Diplomat đưa tin rằng Trung Quốc đã thử nghiệm tên lửa siêu thanh tầm trung DF-17, một loại vũ khí có tầm bắn từ 1.800 - 2.500 km và có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường.
Trang mạng Missle Threat chuyên phân tích về tên lửa của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) lưu ý rằng sự xuất hiện của DF-17 trong cuộc duyệt binh hồi tháng 10/2019 cho thấy vũ khí siêu thanh này có thể đã được đưa vào biên chế của quân đội Trung Quốc.
Chắc chắn rằng chương trình vũ khí siêu thanh của Trung Quốc nhằm thay đổi cán cân quyền lực chiến lược của khu vực và trên toàn cầu theo hướng có lợi cho nước này. Ralph Bentley của Đại học Hàng không Mỹ lưu ý rằng, ở cấp độ khu vực, chiến lược vũ khí siêu thanh của Trung Quốc nhằm ngăn chặn các đối thủ của nước này ở Tây Thái Bình Dương can thiệp vào các hành động của họ.
Theo nhà nghiên cứu này, hiệu quả chiến lược của vũ khí siêu thanh nằm ở khả năng tấn công các tàu và căn cứ trên khắp khu vực mà không bị cản trở và đối phương hầu như có rất ít thời gian để có thể phản ứng. Ông nói rằng Trung Quốc sẽ sử dụng vũ khí siêu thanh của mình như vũ khí để đe dọa hơn là mạo hiểm đối đầu toàn diện với Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong khu vực.
Máy bay MiG-31K của Không quân Nga mang theo tên lửa Kh-47M2 Kinzhal trên bầu trời Moscow.
Nga mở rộng các lựa chọn hạt nhân
Nga đang tích cực cạnh tranh với Trung Quốc trong cuộc đua vũ khí siêu thanh. Trong một bài phát biểu hồi tháng 3/2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố 6 loại “siêu vũ khí” của Nga có khả năng mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường.
Cụ thể, những vũ khí này là tên lửa đạn đạo phóng từ trên không Kinzhal, phương tiện lượn siêu thanh Avangard, tên lửa hành trình sử dụng động cơ hạt nhân Burevestnik, thiết bị không người lái dưới nước được trang bị vũ khí hạt nhân Poseidon và tên lửa hành trình siêu thanh Tsirkon.
Sanaa Alvira từ Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury ở Monterey lưu ý rằng tất cả những vũ khí này đều được trang bị hoặc là vũ khí hạt nhân, hoặc là vũ khí thông thường. Bà cũng cho biết các vũ khí tấn công như Avangard và Burevestnik được thiết kế đặc biệt để đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Đồng thời, Kinzhal và Tsirkon dường như được phát triển để thách thức khả năng tấn công chính xác của Mỹ. Bà cũng lưu ý rằng Poseidon ban đầu được thiết kế để ngăn chặn Mỹ phát triển hơn nữa các hệ thống phòng thủ tên lửa của mình. Tuy nhiên, sau đó nó đã phát triển thành một hệ thống đa năng có khả năng tấn công các tàu nổi và tàu ngầm.
Roger McDermott, một nhà phân tích quốc phòng của Quỹ Jamestown, lưu ý rằng vũ khí siêu thanh thông thường của Nga là một tài sản quan trọng trong chiến lược “phòng thủ tích cực” của nước này, như đã nêu trong Học thuyết quân sự năm 2014.
Valery Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Nga, cho biết, phòng thủ tích cực có liên quan tới các hành động tấn công phủ đầu, xác định các điểm yếu và tạo ra các mối đe dọa khiến đối phương không thể chấp nhận được để nắm bắt và duy trì thế chủ động chiến lược. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các hình thức răn đe hạt nhân và phi hạt nhân như một phần trong chiến lược quân sự của Nga.
Khi đưa vũ khí siêu thanh vào chiến lược phòng thủ tích cực của Nga, McDermott cho rằng các vũ khí siêu thanh thông thường của Nga có thể bổ sung vào khả năng tấn công của nước này để trốn tránh hệ thống phòng không hoặc thực hiện răn đe phi hạt nhân bằng cách đe dọa gây ra thiệt hại không thể chấp nhận được cho các trung tâm chỉ huy và các hệ thống tên lửa của đối phương.
Tên lửa siêu thanh tầm trung DF-17 của Trung Quốc trong cuộc duyệt binh ở Bắc Kinh.
Mỹ nỗ lực bắt nhịp cuộc đua
Trên thực tế, những nỗ lực nghiên cứu siêu thanh của Mỹ bắt đầu từ những năm 1960. Tuy nhiên, gần đây chương trình vũ khí siêu thanh của nước này đã vấp phải một loạt thất bại, dẫn đến lo ngại rằng nước này đang đánh mất lợi thế trước đây trước các đối thủ ngang hàng là Trung Quốc và Nga.
Việc Mỹ quan tâm tới việc phát triển vũ khí siêu thanh có thể bắt nguồn từ chương trình “Tấn công chớp nhoáng toàn cầu” được hình thành dưới thời chính quyền George W. Bush. Chương trình này yêu cầu Mỹ phải có khả năng thực hiện các cuộc tấn công thông thường ở bất cứ đâu trên thế giới trong khoảng một giờ và vũ khí siêu thanh rất phù hợp cho nhiệm vụ này.
Dù vậy, phải tới tận gần đây, những bước tiến của Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực phát triển vũ khí siêu thanh đã khiến Mỹ không thể tiếp tục chậm trễ trong cuộc đua này. Phó đô đốc Johnny Wolfe, Giám đốc Chương trình các hệ thống chiến lược của Hải quân Mỹ, cho biết Trung Quốc và Nga đang trở thành động lực thúc đẩy Mỹ phát triển vũ khí siêu thanh nhanh chóng hơn trong bối cảnh Lầu Năm Góc muốn tăng tốc thử nghiệm và nghiên cứu để tránh bị tụt lại phía sau.
Ông nói: "Cho tới tận gần đây, chúng tôi vẫn chưa có động lực thực sự để sử dụng công nghệ này và tích hợp nó vào trong một hệ thống vũ khí. Khi đó, việc này là không cần thiết. Nhưng giờ đây chúng tôi cần làm như vậy, bởi chúng tôi nhận ra nhu cầu cấp bách phải theo đuổi công nghệ này".
Trao đổi với CNN hồi tháng trước khi quân đội Mỹ tiến hành phóng thử 2 rocket để thu thập dữ liệu nhằm phục vụ việc phát triển vũ khí siêu thanh, Wolfe thừa nhận rằng Trung Quốc và Nga đã phát triển được những vũ khí mà Mỹ không có. Mỗi vụ phóng thử đều nhằm thực hiện khoảng chục thí nghiệm khác nhau trong các lĩnh vực khác nhau như vật liệu chịu nhiệt, thiết bị điện tử cao cấp và vật liệu nhẹ, tất cả đều cần thiết để phát triển và triển khai thành công vũ khí siêu thanh.
Theo Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ, Lầu Năm Góc đã yêu cầu tăng ngân sách từ 3,8 tỷ USD lên 4,7 tỷ USD trong năm tài chính tiếp theo để nghiên cứu vũ khí siêu thanh. Mỹ đang phát triển một số chương trình vũ khí siêu thanh khác nhau ở tất cả các quân chủng, tuy nhiên một loạt thử nghiệm thất bại đã cản trở một số chương trình.
Ví dụ như Lực lượng Không quân Mỹ đã thử nghiệm thành công Vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không (ARRW), nhưng trước đó họ đã phải trải qua 3 vụ thử thất bại liên tiếp. Mùa hè vừa qua, lần thử nghiệm đầu tiên toàn bộ hệ thống Common Hypersonic Glide Body (C-HGB), một dự án chung giữa Lục quân và Hải quân, cũng đã thất bại.
Tuy nhiên, Wolfe nói rằng thất bại không phải là điều tồi tệ bởi các hệ thống vũ khí siêu thanh đang ở giai đoạn phát triển vượt trội nhất. Ông nói: "Mỗi đợt thử nghiệm là một cơ hội để học hỏi, bất kể kết quả cuối cùng ra sao. Tôi nghĩ thất bại là một phần của quá trình".
Lục quân Mỹ có kế hoạch triển khai Vũ khí Siêu thanh tầm xa (LRHW) vào năm tới. Nếu được triển khai theo đúng kế hoạch, đây sẽ là hệ thống vũ khí siêu thanh đầu tiên được quân đội Mỹ đưa vào sử dụng. Hệ thống này sử dụng một tên lửa đẩy hai tầng để đẩy một vật phóng đang lướt đi lên tốc độ siêu thanh. Sau đó, bộ phận lướt sẽ lao tới mục tiêu với tốc độ rất cao, sử dụng động năng của nó làm vũ khí.
Hải quân Mỹ cũng có kế hoạch triển khai tàu khu trục lớp Zumwalt trang bị tên lửa dẫn đường phiên bản riêng của lực lượng này vào năm 2025 và hoàn tất phát triển phiên bản tên lửa siêu thanh phóng từ tàu ngầm trong thập kỷ này.
Tom Karako, Giám đốc Dự án Phòng thủ tên lửa thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, nói rằng: "Về cơ bản, đây là thế hệ tên lửa mới". Ông Karako cũng nhận định những năm qua, Mỹ bị tụt hậu trong nghiên cứu và phát triển vũ khí siêu thanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh Nga và Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư trong lĩnh vực này, Mỹ đã đặt ưu tiên phải bắt kịp hai cường quốc trên thông qua một chương trình phát triển nhanh và mạnh.
Ông cho rằng Mỹ phát triển loại vũ khí này để phục vụ các nhu cầu quân sự cụ thể. Ông nói: "Chúng tôi cần tới tính linh hoạt không thể dự đoán trước của loại vũ khí này, chứ không chỉ là tốc độ. Các tên lửa đạn đạo sẽ cho bạn tốc độ, nhưng các vũ khí siêu thanh và động cơ phản lực tĩnh siêu âm sẽ vừa có tốc độ vừa có sự linh hoạt".
Các xu hướng mới trong dài hạn
Cuộc chạy đua của các cường quốc nhằm phát triển vũ khí siêu thanh cuối cùng có thể kích hoạt ba xu hướng quan trọng trong dài hạn.
Đầu tiên, sự phổ biến của vũ khí siêu thanh có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang toàn diện, đồng thời đẩy nhanh sự phát triển của các biện pháp đối phó bất đối xứng.
Thứ hai, các thỏa thuận kiểm soát vũ khí trong tương lai có thể tìm cách áp đặt các hạn chế đối với vũ khí siêu thanh. Tuy nhiên, sẽ khó có thể thuyết phục được các cường quốc quân sự chấp nhận những hạn chế như vậy, đặc biệt là khi vũ khí siêu thanh có tác động cấp chiến lược đối với an ninh quốc gia.
Thứ ba, các quốc gia có thể coi vũ khí siêu thanh là vũ khí bắt buộc phải có để thể hiện sức mạnh của mình trước các đối thủ và cộng đồng quốc tế. Vì nhiều lý do, việc duy trì nhận thức về quyền lực là điều cần thiết đối với các quốc gia như CHDCND Triều Tiên, Iran, Ấn Độ và Pakistan.
Khánh An (Tổng hợp)
Nguồn: cand.com.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC