Châu Âu chính thức đặt dấu chấm hết cho cổng Lightning

Hội đồng Liên Minh châu Âu đã chính thức phê chuẩn việc sử dụng USB-C thành chuẩn sạc chung cho thiết bị di động tại châu Âu từ năm 2024. Mọi hãng, gồm cả Apple, sẽ phải theo luật.

1 Chau Au Chinh Thuc Dat Dau Cham Het Cho Cong Lightning

2 Chau Au Chinh Thuc Dat Dau Cham Het Cho Cong Lightning

Cáp sạc chuẩn USB Type-C. Ảnh: Getty.

Ngày 24/10, Hội đồng Liên minh châu Âu đã chính thức phê chuẩn chỉ thị về việc sử dụng USB-C thành chuẩn sạc chung tại các nước châu Âu. Theo đó, tới cuối năm 2024, mọi thiết bị điện tử tiêu dùng được bán tại EU sẽ phải dùng cổng sạc chuẩn USD Type-C.

Cụ thể, các quy định mới sẽ áp dụng với tất cả sản phẩm công nghệ tiêu dùng tại châu Âu như điện thoại di động; máy tính bảng và thiết bị đọc sách điện tử; máy ảnh kỹ thuật số và máy chơi game; tai nghe không dây và loa Bluetooh; chuột và bàn phím không dây; hệ thống định vị di động.

Sau khi đưa các thiết bị trên về chuẩn Type-C vào năm 2024, còn một thời hạn tiếp theo là mùa xuân năm 2026, mọi laptop cũng phải dùng chuẩn sạc chung. Tuy vậy, quy định mới về chuẩn sạc chung không áp dụng với những sản phẩm đã có trên thị trường EU trước ngày chính thức áp dụng.

3 Chau Au Chinh Thuc Dat Dau Cham Het Cho Cong Lightning

Dư luận đang rất quan tâm không biết liệu Apple sẽ làm gì với quy định mới của EU về chuẩn sạc chung. Ảnh: Getty.

Việc sử dụng tiêu chuẩn sạc chung sẽ mang lại sự tiện lợi cho người tiêu dùng tại châu Âu cũng như giảm thiểu đáng kể rác thải công nghệ.

“Việc tìm kiếm bộ sạc phù hợp, ở nhà hoặc tại nơi làm việc có thể khá khó chịu. Hơn hết, những bộ sạc này thải ra tới 11.000 tấn rác thải điện tử mỗi năm. Có một bộ sạc phù hợp với nhiều thiết bị sẽ tiết kiệm tiền bạc, thời gian và cũng giúp chúng ta giảm rác thải điện tử”, Jozef Síkela, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Cộng Hòa Séc nhận xét.

Để thuận lợi cho người tiêu dùng chỉ thị mới yêu cầu bao bì của các sản phẩm công nghệ phải có nhãn mác chỉ rõ liệu thiết bị mới có đi kèm với bộ sạc hay không và cho biết hiệu suất của bộ sạc.

Chỉ thị này cũng cho phép người tiêu dùng chọn mua một thiết bị mới có hoặc không có bộ sạc. Điều này sẽ không chỉ tiết kiệm tiền cho người tiêu dùng mà còn giảm lượng rác thải điện tử liên quan đến việc sản xuất, vận chuyển và tiêu hủy bộ sạc.

Hội đồng EU cũng cho biết 4 năm sau khi chỉ thị có hiệu lực, Ủy ban châu Âu sẽ đánh giá xem liệu việc gộp doanh số bán hàng này có nên được thực hiện bắt buộc hay không.

Ngoài ra, sạc không dây cũng là một vấn đề được EU quan tâm. Mặc dù ngày càng trở nên phổ biến, sạc không dây vẫn chưa thể được sử dụng giữa nhiều thiết bị. Rất có thể Ủy ban châu Âu sẽ đưa ra các biện pháp để phát triển công nghệ này trong tương lai gần.

Vào năm 2020, người tiêu dùng châu Âu đã mua khoảng 420 triệu thiết bị điện tử và trung bình, họ sở hữu ba bộ sạc để sạc các thiết bị điện tử này. Mặc dù vậy, 38% người tiêu dùng cho biết đã gặp sự cố khi sạc thiết bị của họ vì không có bộ sạc tương thích.


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày