Alibaba ra mắt chatbot cạnh tranh ChatGPT

Ngày 11-4, Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) ra mắt công cụ trí tuệ nhân tạo Tongyi Qianwen để cạnh tranh với ChatGPT của Mỹ.

1 Alibaba Ra Mat Chatbot Canh Tranh Chatgpt

Logo của Tập đoàn Alibaba tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Reuters, công cụ Tongyi Qianwen (Thông nghĩa thiên vấn) - có khả năng sử dụng tiếng Trung và tiếng Anh - dự kiến sẽ được tích hợp vào tất cả các ứng dụng kinh doanh của Tập đoàn Alibaba trong tương lai gần.

Trước tiên, công cụ này sẽ được tích hợp vào DingTalk, ứng dụng nhắn tin tại nơi làm việc của Alibaba và có thể được sử dụng để tóm tắt các ghi chú cuộc họp, viết thư điện tử (email) và soạn các đề xuất kinh doanh. Tongyi Qianwen cũng sẽ được thêm vào Tmall Genie, trợ lý giọng nói của Alibaba.

"Chúng ta đang ở thời điểm bước ngoặt về công nghệ, được thúc đẩy bởi trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây", Giám đốc điều hành Daniel Zhang của Alibaba nhận định, khi ông công bố Tongyi Qianwen tại hội nghị công nghệ của công ty ở Bắc Kinh ngày 11-4.

Giá cổ phiếu Alibaba niêm yết tại Hong Kong đã tăng hơn 3% trong phiên giao dịch vào buổi sáng, sau thông báo ra mắt Tongyi Qianwen.

Công ty điện toán đám mây Alibaba Cloud - công ty con của Tập đoàn Alibaba - có kế hoạch cung cấp Tongyi Qianwen cho khách hàng để họ có thể xây dựng các mô hình ngôn ngữ lớn tùy chỉnh của riêng mình.

Mối quan tâm toàn cầu đối với AI tạo sinh (generative AI) - loại trí tuệ nhân tạo tập trung vào việc tạo ra nội dung/dữ liệu mới dựa trên dữ liệu hiện có - đã tăng lên kể từ khi Công ty OpenAI (Mỹ) ra mắt chatbot ChatGPT vào cuối năm ngoái.

Những công ty khác như Google và Baidu kể từ đó đã quảng cáo các mô hình AI của họ và ra mắt các chatbot tương tự.

Theo Hãng tin Bloomberg, AI đã trở thành "đấu trường" lớn tiếp theo cho cuộc cạnh tranh công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ, làm dấy lên lo ngại về việc liệu các công ty Trung Quốc có thể sẽ tiếp cận được các chip cao cấp vốn cần thiết để phát triển các mô hình AI quy mô lớn trong dài hạn hay không.

ChatGPT được ra mắt dưới dạng nguyên mẫu vào tháng 11-2022 và nhanh chóng thu hút sự chú ý, nhờ việc có thể hồi đáp chi tiết và trả lời lưu loát ở nhiều lĩnh vực kiến thức.

Đây là một trong những ứng dụng Internet có tốc độ tăng trưởng người dùng nhanh nhất lịch sử, cán mốc 100 triệu người sử dụng chỉ sau 2 tháng ra mắt.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày