Một gia đình đến từ San Jose, Mỹ, thường xuyên có chuyến du lịch tới Việt Nam mỗi năm. Năm nay, họ tiếp tục trở lại Việt Nam và có khoảng thời gian đáng nhớ tại đây.
Nhưng khi trở về, điều không ngờ nhất đang chờ đón họ tại nhà – một tờ hóa đơn do T-Mobie gửi tới yêu cầu khách hàng cần thanh toán hơn 13.000 USD (hơn 300 triệu đồng) phí dữ liệu di động.
Gia đình người Mỹ giật mình khi nhận được hóa đơn dữ liệu di động lên tới hơn 300 triệu đồng.
Điều này khiến gia đình cô Chung rất sốc. “Chúng tôi không sử dụng điện thoại và luôn để nó ở chế độ máy bay, làm sao điều này xảy ra được? Tôi gần như muốn ngất. Nó thậm chí còn tốn hơn cả một chuyến đi vừa rồi”, cô Chung lên tiếng.
Được biết, trước khi về Việt Nam, cả gia đình cô Chung thống nhất sẽ để điện thoại ở chế độ máy bay nhằm tránh phí chuyển vùng (data roaming). Tuy nhiên cậu con trai Nicholas Chung lại chơi game trên iPhone trong suốt chuyến bay về Việt Nam. Mặc dù vậy, cậu bé vẫn khẳng định chỉ chơi trò game offline trong vòng khoảng 30 phút.
Quá bất ngờ trước hóa đơn phải trả, Nicholas Chung đã liên lạc với T-Mobie. Người đại diện của hãng cho biết, có thể cậu đã tải cả một bộ phim, bài hát hay một thứ gì đó, tuy nhiên, Nicholas phủ nhận. “Cháu rất sợ hãi vì số tiền hơn 13.000 USD quá lớn. Cháu không làm gì cả”.
Cuối cùng, sau những lần nói chuyện, nhà mạng này đã giảm hóa đơn từ 13.470 USD xuống 3.800 USD. Tuy nhiên, gia đình cô Chung vẫn cho rằng, bất cứ khoản chi phí nào phải trả cũng không công bằng. Hiện gia đình vẫn đang tiếp tục làm việc với hãng để xin giảm hóa đơn.
Mới đây, một gia đình người Úc cũng gặp chung cảnh hoạn nạn tương tự. Sau chuyến đi Bali từ đầu tháng 6, Craig Piper tá hỏa khi xem hóa đơn điện thoại hơn 20.600 USD, vì các dịch vụ mạng mà con gái sử dụng khi du lịch nước ngoài như xem video và chơi game trực tuyến.
Piper yêu cầu nhà mạng chuyển vùng quốc tế cho máy tính bảng và điện thoại của hai vợ chồng khi họ đi Bali nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, nhà mạng chỉ thực hiện yêu cầu với hai chiếc smartphone, thiếu máy tính bảng. Do vậy khi ở Bali, con gái của họ vẫn thoải mái dùng Internet mà không biết lưu lượng đang bị tính phí cao.
Piper cho biết, vợ chồng anh rất bối rối với khoản phí điện thoại quá lớn. Sau khi làm việc với nhà mạng, nam du khách đã được hủy khoản nợ trên do lỗi không phải từ phía họ. Nhiều người cho biết họ cũng từng gặp sự cố tương tự khi đi du lịch nước ngoài. Một số cho rằng gia đình Piper rất may mắn vì đã chủ động chuyển dịch vụ trước với nhà mạng.
Gia đình du khách Australia phải trả hóa đơn lên đến hơn 20.600 USD vì con xem video và chơi game trực tuyến.
Nguồn: Vietnamnet
© 2024 | Thời báo ĐỨC