Định kiến ‘cam chịu và phục tùng’ đang giết chết phụ nữ gốc Á

Những định kiến sai lệch của xã hội Mỹ về hình ảnh của phụ nữ gốc Á khiến nhóm này bị bất lợi về kinh tế, thậm chí đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, vấn đề này chưa thực sự được chú ý.

Ngày 16/3, tin tức một người đàn ông da trắng tấn công 3 tiệm spa ở Atlanta gây chấn động. Trong số 8 người thiệt mạng, có 6 người là phụ nữ châu Á.

Các nhà điều tra cho biết còn quá sớm để kết luận liệu hung thủ có động cơ phân biệt chủng tộc hay không. Thay vào đó, họ đang xem xét tuyên bố của nghi phạm rằng anh ta mắc chứng nghiện tình dục.

Tuy vậy, các chuyên gia và nhà hoạt động xã hội cho rằng không phải ngẫu nhiên mà 6 trong 8 nạn nhân là phụ nữ gốc Á. Họ cũng nhận xét hành vi và lời nói của nghi phạm cho thấy tâm lý ghét phụ nữ và định kiến sai lệch về phụ nữ gốc Á.

“Những phụ nữ bị sát hại hôm qua đang làm những công việc rủi ro với mức lương thấp trong thời kỳ đại dịch. Sự việc đã trực tiếp nói lên tác động kép của tâm lý bài xích phụ nữ, bạo lực có cơ cấu và tư tưởng da trắng thượng đẳng”, cô Phi Nguyen, giám đốc phụ trách tố tụng tại Asian American Advance Justice – Atlanta, chia sẻ vào ngày 17/3.

Asian American Advance Justice – Atlanta là tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực quyền của người Mỹ gốc Á, người bản địa ở Hawaii và các đảo trên Thái Bình Dương.

Theo Nguyen, phụ nữ châu Á và Mỹ gốc Á không chỉ chịu những tổn thương về mặt kinh tế, mà còn gặp nhiều rủi ro về sức khỏe và tính mạng.

132 1 Dinh Kien Cam Chiu Va Phuc Tung Dang Giet Chet Phu Nu Goc A
Hiện trường vụ xả súng tại Atlanta, Georgia, Mỹ vào ngày 16/3. Ảnh: AFP.

Theo một định kiến lệch lạc được truyền thông góp phần bồi đắp, phụ nữ gốc Á được coi là cam chịu và phục tùng. Họ thường làm việc trong lĩnh vực dịch vụ và còn phải chịu đựng sự phân biệt chủng tộc đối với người gốc Á nói chung – vấn nạn đang ngày càng lan rộng trên đất Mỹ.

Cô Sung Yeon Choimorrow, giám đốc điều hành nhóm vận động phi lợi nhuận Diễn đàn Phụ nữ Mỹ gốc Á Thái Bình Dương, cho biết giới tính cộng với chủng tộc đã khiến phụ nữ châu Á và Mỹ gốc Á đặc biệt dễ trở thành nạn nhân của bạo lực.

Sự việc ngày 16/3 là một minh chứng.

Định kiến “thâm căn cố đế” về phụ nữ gốc Á

Theo CNN, quan niệm ở Mỹ cho rằng phụ nữ châu Á và Mỹ gốc Á là những người ngoại lai, phục tùng và có ưu năng sinh dục có thể bắt nguồn từ nhiều thế kỷ trước.

Rachel Kuo, học giả về chủng tộc kiêm đồng lãnh đạo của Asian American Feminist Collective (tạm dịch: tập thể nữ quyền người Mỹ gốc Á), chỉ ra rằng các biện pháp pháp lý và chính trị trong suốt lịch sử Mỹ đã hình thành nên tư tưởng độc hại này.

Điển hình, Đạo luật Trang năm 1875 (Page Act of 1875), nhằm hạn chế nạn mại dâm và lao động khổ sai và ra đời trước Đạo luật Loại trừ Trung Quốc vài năm. Trên thực tế, Đạo luật Trang năm 1875 đã được thi hành một cách có hệ thống nhằm ngăn chặn phụ nữ Trung Quốc nhập cư vào Mỹ, với lý do họ là gái mại dâm.

Chủ nghĩa đế quốc cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nên cái nhìn lệch lạc đối với phụ nữ gốc Á, cô Kuo nói.

Quân nhân Mỹ, khi tham chiến ở nước ngoài (bao gồm Chiến tranh Philippines-Mỹ, Thế chiến II và Chiến tranh Việt Nam), thường mua dâm và khuyến khích các ngành buôn bán tình dục. Điều đó càng làm tăng thêm những định kiến ​​miệt thị phụ nữ châu Á là những kẻ lệch lạc về tình dục.

Những nhận thức sai lệch đó đã bào chữa và dung thứ cho bạo lực. Người ta phớt lờ, tầm thường hóa và bình thường hóa bạo lực đối với phụ nữ gốc Á, Kuo nhận xét.

Tổn thương kinh tế

Những định kiến còn làm tổn hại sinh nhai của phụ nữ gốc Á.

Người ta mặc định rằng “phụ nữ gốc Á là lao động giá rẻ và luôn sẵn có”, cô Kuo nói.

Trong thời kỳ đại dịch, công việc của người Mỹ gốc Á bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề, do tình trạng thất nghiệp và tư tưởng bài ngoại.

Theo báo cáo từ National Women’s Law Center (tạm dịch: trung tâm luật phụ nữ quốc gia) công bố vào tháng 1/2021, phụ nữ gốc Á chiếm tỷ lệ thất nghiệp dài hạn cao nhất trong thống kê đến tháng 12/2020, bởi họ thường làm việc trong các ngành dịch vụ như thẩm mỹ viện, khách sạn và nhà hàng.

Cô Choimorrow, thuộc Diễn đàn Phụ nữ Mỹ gốc Châu Á Thái Bình Dương quốc gia, chia sẻ quan điểm: “Câu chuyện (về phân biệt đối xử đối với người gốc Á) bị hiểu sai vì chúng tôi là những ‘thiểu số kiểu mẫu’. Họ nghĩ rằng chúng tôi đều là luật sư, bác sĩ, kỹ sư. Nhưng xem xét kỹ hơn một chút, nhiều phụ nữ trong cộng đồng của chúng tôi làm việc trong các ngành dịch vụ tuyến đầu”.

132 2 Dinh Kien Cam Chiu Va Phuc Tung Dang Giet Chet Phu Nu Goc A
Cảnh sát New York phát tờ rơi về cách báo cáo tội ác nhắm vào người Mỹ gốc Á tại khu phố Tàu ở New York vào ngày 17/3. Ảnh: AP.

Nhiều người cũng kêu gọi sự chú ý đến tình hình việc làm của các nạn nhân gần đây.

Người làm dịch vụ massage và người hành nghề mại dâm đặc biệt gặp nhiều rủi ro, theo cô Esther Kao, thuộc Red Canary Song, một tổ chức ở ở New York chuyên hỗ trợ người làm dịch vụ massage và bán dâm.

Cô Phi Nguyen cho biết những lao động trong lĩnh vực này không chỉ đối mặt với sự kỳ thị, họ còn có nguy cơ bị trục xuất nếu vướng vào các vụ bạo lực hoặc phạm tội.

Một điều quan trọng cần lưu ý là không phải tất cả cơ sở massage đều cung cấp dịch vụ tình dục, cô Kao nói. Vì vậy, có thể giả định rằng các vụ tấn công spa tại Atlanta vừa qua có động cơ là phân biệt chủng tộc.

“Tuyến đầu” chịu sự thù ghét

Các vụ tấn công vừa qua xảy ra trong bối cảnh ngày càng nhiều người Mỹ gốc Á trở thành nạn nhân của bạo lực và thù ghét từ khi đại dịch nổ ra. Trong lịch sử, người Mỹ gốc Á không ít lần trở thành mục tiêu tấn công trong các thời kỳ khủng hoảng, vì họ bị coi là người ngoại quốc.

Theo dữ liệu của các nhóm theo dõi bạo lực và quấy rối, phụ nữ bị nhắm vào nhiều hơn cả.

Từ 19/3/2020 đến 28/2/2021, tổ chức Stop AAPI Hate đã ghi nhận gần 3.800 vụ quấy rối/bạo lực vì thù ghét. Báo cáo cho thấy nạn nhân của 68% vụ việc là nữ giới, trong khi chỉ có 28% vụ là nhắm vào nam giới.

Cô Melissa Borja, giáo sư trợ lý tại Đại học Michigan và là người chuyên nghiên cứu về người Mỹ gốc Á/Thái Bình Dương, lưu ý trên Twitter rằng cô và một nhóm nhà nghiên cứu khác cũng quan sát thấy một tỷ lệ tương tự.

132 3 Dinh Kien Cam Chiu Va Phuc Tung Dang Giet Chet Phu Nu Goc A
Cựu Thống đốc bang Washington Gary Locke (phải) biểu tình phản đối bạo lực nhắm vào người Mỹ gốc Á vào ngày 16/3 tại Seattle. Ảnh: AP.

Bất chấp những con số đáng báo động, bạo lực và thù ghét đối với phụ nữ châu Á và Mỹ gốc Á vẫn thường không được chú ý, cô Choimorrow nhận định.

Cô nói: “Chúng ta thường bị phớt lờ khi đề cập đến tội ác chống lại người Mỹ gốc Á. Đã đến lúc chúng ta cần thảo luận đầy đủ về những trải nghiệm và thách thức của mình trong một xã hội nhìn chúng ta bằng lăng kính giới tính và chủng tộc”.

Cô Choimorrow và các nhà hoạt động khác cho rằng điều cần thiết để giải quyết vấn đề này là khiến cho xã hội thừa nhận những mối đe dọa mà phụ nữ châu Á và Mỹ gốc Á đang đối mặt.

Chừng nào phụ nữ châu Á và Mỹ gốc Á còn bị coi thường, chừng ấy kiểu bạo lực và tội ác tương tự như các vụ tấn công vừa qua còn diễn ra.

Nguồn: Zing


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày