Xóm "ổ chuột" ở Hà Nội và bữa cơm một món để chống đỡ "bão giá"

Trong cơn "bão giá" là những ngày cuộc sống của những người lao động nghèo phải tua chậm lại. Bên cạnh guồng quay cơm áo gạo tiền quấn lấy, giờ đây họ phải chật vật xoay xở từng bữa.

1 Xom O Chuot O Ha Noi Va Bua Com Mot Mon De Chong Do Bao Gia

Mua 30.000 đồng thịt lợn và một mớ rau, ông Tuấn nói "chỗ đó hai bố con ăn cả ngày".

30.000 đồng tiền ăn cả ngày của 2 bố con

Gần trưa, lúi húi bên chiếc bếp ga mini đặt trước cửa phòng trọ, bà Nguyễn Thị Hiền (52 tuổi, Sơn Tây, Hà Nội) đang chuẩn bị cơm cho cả gia đình. Bữa cơm trưa hôm nay của gia đình bà Hiền là lần đầu tiên chỉ có duy nhất món lòng nấu dưa.

2 Xom O Chuot O Ha Noi Va Bua Com Mot Mon De Chong Do Bao Gia

Bữa cơm trưa của 3 lao động trong gia đình bà Hiền chỉ có một món duy nhất.

Người phụ nữ luống tuổi kể, 10 năm ở Hà Nội, cả gia đình sống bằng công việc đẩy hàng, bốc vác thuê ở chợ. Một bên mắt bị "kém" nhưng đều đặn mỗi đêm bà Hiền vẫn cùng hai bố con ra chợ kiếm tiền.

"Công việc này cũng bập bõm ngày được ngày không. Ngày nhiều việc thì chúng tôi kiếm được 200.000 đồng/người, nhưng có lúc đói, cả ba không kiếm được đồng nào. Ngược lại, tiền thuê nhà, điện nước cố định từ 1,6-1,7 triệu đồng/tháng.

Cuộc sống vốn khó khăn giờ lại thêm gánh nặng tăng giá. Chai dầu ăn nhỏ trước 15.000 đồng nay tăng lên 20.000 đồng. Chai nước mắm 25.000 đồng tăng vọt lên thêm 10.000 đồng", bà Hiền than.

Cách phòng trọ bà Hiền một con ngõ, gần 14h chiều, ông Nguyễn Văn Tuấn (50 tuổi, ở Khoái Châu, Hưng Yên) mới lọ mọ ăn cơm trưa. Ông bảo bày mâm cho sang chứ chỉ có ít rau luộc, cà muối với đĩa con thịt mỡ rang sém.

Lớn lên ở trại giáo dưỡng tại Hải Phòng, năm 1993, ông Tuấn lên Hà Nội đi tìm cha nhưng không có kết quả, lang thang tới chợ Long Biên rồi sống tại đây cho tới giờ.

3 Xom O Chuot O Ha Noi Va Bua Com Mot Mon De Chong Do Bao Gia

30 năm nhặt phế liệu ở Hà Nội, hôm nào gặp may ông Tuấn mới kiếm được 300.000 đồng.

"Tôi đi nhặt phế liệu, vợ thì bán mía, củ đậu. Vợ chồng chúng tôi gặp nhau khi cả hai rong ruổi khắp phố phường để kiếm sống. Vợ chồng tôi cưới nhau, có hai mặt con nhưng con trai đầu lớn người mà không được nhanh nhẹn như người khác.

Cách đây 3 năm, vợ tôi phát hiện bị ung thư vú. Chạy chữa tốn kém, có đợt tôi chỉ cho phép mình nghỉ một vài tiếng mỗi ngày, còn lại là cày cuốc kiếm tiền. Giờ vợ khỏe hơn, vất vả đã vơi đi phần nào", ông Tuấn trải lòng.

Hơn 30 năm đi nhặt phế liệu, ông Tuấn kể, hôm nào "trúng quả" thì kiếm được 200.000 đồng, còn bình thường lăn lộn cả đêm chỉ được 150.000 đồng. Sức khỏe không cho phép, ông dù muốn tìm công việc khác thu nhập cao hơn nhưng cũng chịu.

"Trong xóm không chỉ mỗi mình đi nhặt phế liệu nên cố gắng ổn định thu nhập như vậy đã tốt rồi, lắm hôm nhặt được ít, gần như đi làm không công. Sau dịch Covid-19 nghĩ đỡ khó khăn rồi nhưng thực tế tình hình không cải thiện là bao.

Giấy phế liệu trước bán được 5.000 đồng/kg, giờ tụt xuống còn 2.000 đồng/kg. Trước, mỗi ngày tôi kiếm được 200-300.000 đồng, giờ thì mức tiền đó hiếm hoi lắm, thường là nhặt suốt đêm cũng chỉ được 150.000 đồng", ông Tuấn chia sẻ.

Việc đã khó mà, đợt này thứ gom bán được thì rẻ rúng mà chi phí sinh hoạt lại tăng, hai bố con ông thêm chật vật.

"Thời gian gần đây cái gì cũng tăng giá, những lao động tự do như chúng tôi đi làm vất vả mà lúc chi tiêu luôn phải cân đo, đong đếm. Rau đợt này từ 7.000 đồng/bó tăng lên 10.000 đồng, thịt cũng tăng vậy. Bữa cơm của hai bố con hôm nay chỉ có 30.000 đồng vừa rau vừa thịt cho cả ngày", ông Tuấn chỉ mâm cơm đạm bạc.

Mỗi tháng chưa kể điện nước, hai bố con đã hết 1,2 triệu đồng tiền nhà trọ. Cuộc sống khó khăn nên người con trai thứ 2, ông phải gửi ở quê với ông bà ngoại.

Cuộc sống mưu sinh khó khăn, có lúc trong nhà có người bệnh tật, cứ có một chút lại phải chi dùng. Vậy nên gia đình ông Tuấn không dành dụm được tài sản gì đáng giá. Ông mong rằng giá cả trong thời gian tới sẽ được cân đối để cuộc sống của những lao động nghèo bớt đi khó khăn.

Tiết kiệm là cách duy nhất duy trì cuộc sống

Trở về phòng trọ sau nửa ngày đi nhặt phế liệu, chị Nguyễn Thị Nga (44 tuổi, ở Tam Dương, Vĩnh Phúc) ưu tư, công việc gần đây bấp bênh nên nỗi lo của hai vợ chồng mỗi ngày một nặng trĩu.

Ngoài việc duy trì cuộc sống ở Hà Nội họ còn lo dành dụm gửi về cho hai con nhỏ đang tuổi ăn học và bố mẹ già ở quê. Nhiều lúc muốn bỏ về quê nhưng nghĩ đến con, hai vợ chồng chị lại cố gắng bám trụ.

4 Xom O Chuot O Ha Noi Va Bua Com Mot Mon De Chong Do Bao Gia

Giống như nhiều lao động khác, chị Nga cố gắng tiết kiệm để duy trì cuộc sống.

Việc ít thì làm thêm giờ, thời gian đi nhặt phế liệu của chị Nga giờ gần như chiếm trọn thời gian trong ngày. Đêm đến, chị đi đẩy xe hàng thuê ở chợ Long Biên, sáng về lại tranh thủ nhặt phế liệu, khi thì bán hoa quả kiếm thêm. Chồng chị cũng chạy thêm xe ôm công nghệ phụ vợ đồng ra, đồng vào.

"Giờ chi phí nào cũng đắt đỏ nên vợ chồng tôi bảo nhau chi tiêu dè dặt. Trước ăn dầu ăn thì nay thay bằng mỡ lợn, cơm nấu bữa tối dôi hơn để sáng rang ăn cho cả bữa trưa. Nhà tôi gần như cắt giảm tối đa những chi phí không cần thiết để mong sân siu đủ tiền chi tiêu trong 1 tháng.

Tôi bị thiếu máu, lâu nay chi phí mua thuốc mỗi tháng hết gần 1 triệu đồng. Công việc đợt này khó khăn nên "cắt" thẳng khoản này. Thu nhập không tăng mà giá cả các mặt hàng tăng lên chóng mặt thì chỉ có tiết kiệm là cách duy nhất để duy trì cuộc sống hàng ngày", chị Nga nói.

5 Xom O Chuot O Ha Noi Va Bua Com Mot Mon De Chong Do Bao Gia

Cuộc sống của những người lao động nghèo vốn khó khăn nay càng eo hẹp vì "bão giá".

Có đặt chân đến khu "ổ chuột" dưới gầm cầu Long Biên mới hiểu được cuộc sống mưu sinh, vật lộn của những phận người nghèo để vượt qua những ngày khó khăn. Những bữa cơm hiển hiện bao nỗi lo toan, nhọc nhằn, khốn khó…

Nguồn: Báo điện tử Dân trí


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày