Xin đừng lãng phí nhân lực, vật lực vào những cái "loa phường" nữa!

"Xin đừng lãng phí nhân lực, vật lực vào những cái loa phường nữa vì nó đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử khi người dân không có điều kiện mua tivi, cassette...", ý kiến của độc giả.

Năm 2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, loa phường đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, do vậy cần đánh giá, rà soát, nếu thấy không hiệu quả thì mạnh dạn đề xuất bỏ đi. Tuy nhiên sau đó, Hà Nội quyết định giữ nguyên loa phường ở các huyện, xã; giảm dần tại các quận nội thành và sẽ lắp đặt ở những vị trí phù hợp, ít ảnh hưởng đến người dân.

Nhưng mới đây, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 200/KH-UBND về thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn thành phố. Theo đó, trong vòng 3 năm tới, Thủ đô phấn đấu 579 xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư.

Trước động thái trên, rất nhiều độc giả Dân trí đã tỏ ra bất ngờ và bức xúc. Cụ thể, độc giả Phạm Tuấn than thở:

"Tôi thật sự ngán ngẩm với loa phường. Nhà cách loa khoảng 200m, cứ 6h sáng tôi đang ngủ ngon thì tiếng loa inh ỏi, phát toàn những tin thời sự đâu đâu, chả khác gì karaoke với loa kẹo kéo ạ! Giờ ai cũng có điện thoại thông minh cập nhật tin liên tục, ít ai cần nghe thời sự qua loa phường.

Loa chỉ nên dùng khi có thông báo gì đó quan trọng của phường. Cả một ngày đi làm mệt mỏi, khi về lại phải nghe những âm thanh nhức óc của loa phường thật là kinh khủng".

1 Xin Dung Lang Phi Nhan Luc Vat Luc Vao Nhung Cai Loa Phuong Nua

Nhiều người dân Hà Nội phản đối loa phường.

Đồng quan điểm trên, độc giả Vũ Văn Thuyên cho rằng, loa phường sẽ chẳng có tác dụng gì vì tiếng ồn phố thị khiến người dân nghe câu được câu chăng. Hơn nữa, theo độc giả này, không ai rảnh để nghe hết các bản tin phường. Bây giờ đài báo, internet, các kênh truyền hình thừa đủ để đưa thông tin cần thiết đến người dân.

"Hãy về những vùng quê yên tĩnh và phỏng vấn người dân xem họ nghe được những gì từ loa làng? Xin đừng lãng phí nhân lực, vật lực vào những cái "loa phường" vì nó đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử khi người dân không có điều kiện mua tivi, cassette,...", độc giả Thuyên nêu ý kiến.

Độc giả Dân trí đưa ra nhiều quan điểm phản đối và bày tỏ muốn bỏ hình thức tuyên truyền qua loa phóng thanh. Bạn đọc Nguyễn Quang bình luận: "Loa phường gây ô nhiễm tiếng động ảnh hưởng sức khỏe của nhân dân vì tiếng loa to làm giật mình người già, trẻ nhỏ. Tôi đã đi khá nhiều nước và thấy chỉ có những nước có tôn giáo và giờ cầu kinh chung toàn xã hội mới có loa phóng thanh khắp nơi.

Tại Việt Nam vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước khi TV, đài, internet còn chưa sẵn thì nhà nước mới áp dụng loa. Xã hội chúng ta nên làm quen với sự yên tĩnh để thông minh hơn, sự ồn ào chỉ mang lại rối trí, stress. Tại Nhật Bản, chỉ trong chợ cá và một số khung giờ nhất định mới được rao bán hàng".

Theo anh Đỗ Quang Huy, du học sinh tại (Sendai, Nhật Bản), nhiều khu vực tại Nhật không còn sự xuất hiện của loa phường. Anh không bắt gặp loa phường tại nơi ở hoặc trên đường đi.

2 Xin Dung Lang Phi Nhan Luc Vat Luc Vao Nhung Cai Loa Phuong Nua

Loa phường không xuất hiện trên cột điện tại thành phố (Sendai, Nhật Bản) (Ảnh: Đỗ Quang Huy).

Một số quan điểm cho rằng, loa phường sẽ phục vụ việc tuyên truyền cho đối tượng là người lớn tuổi. Tuy nhiên, theo tài khoản có nickname Tea Bee thì các cụ 70-80 tuổi thường xuyên xem tivi, đọc báo giấy, thậm chí sử dụng thành thạo điện thoại thông minh để đọc báo; do đó thông tin từ loa phường là không cần thiết.

Đa phần các ý kiến của độc giả Dân trí gửi về đều tỏ rõ quan điểm phản đối loa phường, nhưng ở góc nhìn khác, bạn đọc Trịnh Tuân chia sẻ:

"Ở Nhật Bản, một đất nước đứng thứ 3 thế giới vẫn dùng loa để phát đi những thông điệp, vậy vì sao chúng ta lại nghĩ là làm khổ người nghe? cần tìm ra nguyên nhân gốc rễ của việc người nghe khó chịu là gì? loa bật quá to chăng?

nội dung không quan trọng, dài dòng chăng?...

từ đó mà đưa ra đối sách phòng chống lỗi chứ không nên bỏ hẳn đi vì rõ ràng đợt dịch bệnh vừa qua nó cũng đã phát huy phần nào tác dụng".

Nguồn: Báo điện tử Dân trí


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày