Có hơn 200.000 lượt tìm kiếm cụm từ "HUFLIT quân sự" trên công cụ Google ở Việt Nam chỉ trong ngày 11/1/2023.
Sinh viên trường HUFLIT học quân sự (minh hoạ)
Các trang Facebook của sinh viên dẫn các tường thuật giấu tên cho biết, có vụ nữ sinh bị các quân nhân xâm hại tình dục khi sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ và Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (HUFLIT) đang tham gia khóa học Giáo dục Quốc phòng, An ninh tại đây.
Tuy nhiên, các đoạn video và thông tin về vụ việc liên quan bị xóa khỏi các mạng xã hội trong sáng 12/1, thay vào đó là công văn từ Trường Quân sự Quân khu 7 khẳng định thông tin sai sự thật và đòi xử lý những ai lan truyền tin tức giả mạo.
Cần minh bạch thay vì chặn thông tin, xử lý người đưa tin
Luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu, nhà nghiên cứu luật và chính sách tại TPHCM viết trên Facebook cá nhân có hơn 30.000 người theo dõi rằng, hai đoạn clip không rõ ràng có thể là mồi lửa, "nhưng thứ làm bùng lên ngọn lửa phẫn nộ đến mức không cần suy nghĩ nữa chắc chắn là lời đe doạ dùng Luật Anima (Luật An ninh mạng - PV) để xử lý những ai dám phao tin của trường quân sự.
Sau đó thì ngọn lửa càng được thổi bùng lên khi một thế lực nào đó tìm cách chữa cháy bằng việc đổ thêm dầu kiểm duyệt, xoá bài... vào.
Những người làm truyền thông cho trường quân sự đã bỏ qua cơ hội bằng vàng để minh bạch, đàng hoàng nói cho dư luận rằng họ không bao che cho ai. Thay vào đó, họ tìm cách giữ thể diện."
Theo thạc sỹ luật học từ Đại học Pennsylvania, Mỹ (theo học bổng Fulbright), thay vì sẵn sàng đối mặt với bức xúc của dư luận bằng sự đối thoại, những người liên quan chọn cách bịt miệng vụ việc vì "minh bạch không phải là thứ đầu tiên họ nghĩ đến."
Từ Đức, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết môn học Giáo dục Quốc phòng-An ninh (GDQP-AN) là bắt buộc đối với sinh viên đại học và chứng chỉ của môn này là một trong những điều kiện để xét tốt nghiệp cao đẳng, đại học.
Thông tư của Liên Bộ Quốc phòng - Đại học và Trung học chuyên nghiệp năm 1980 quy định việc dạy chương trình quân sự này được tổ chức ngay tại trường, tuy nhiên theo quy định hiện hành sinh viên sẽ đến học tập trung tại các Trung tâm Giáo dục Quốc phòng nếu trường không có trung tâm GDQP-AN. Luật sư Đài khẳng định:
“Việt Nam đang là thời bình, việc giáo dục quốc phòng mang tính hình thức. Tuy nhiên, nếu không có điểm môn này thì sinh viên không thể ra trường.”
Ông nói đối với sinh viên nam, chương trình này không nặng nhọc, tuy nhiên, một số nữ sinh gặp khó khăn để vượt qua môn này, do vậy tình trạng sử dụng tiền hoặc tình để đổi điểm là chuyện có thể xảy ra.
Theo luật sư có nhiều năm hành nghề ở Hà Nội, nếu đây chỉ là tin đồn thì việc đối phó với tin đồn cực kỳ dễ dàng, bằng cách đưa hai cô gái mà theo trường thì họ có mâu thuẫn cá nhân, lên giải trình trước công luận.
Thay vì vậy, Trường Quân sự Quân khu 7 lại cho người được cho là chủ nhân của hai đoạn video clip lên phủ nhận thông tin mà cô này đã đưa lên mạng xã hội.
Trường Quân sự Quân khu 7 họp báo phủ nhận thông tin
Trong buổi họp báo chiều ngày 12/1, Trường Quân sự Quân khu 7 bác bỏ tin đồn hai nữ sinh của Trường Đại học Ngoại ngữ và Tin học Thành phố Hồ Chí Minh bị hiếp dâm hoặc nhảy lầu tự tử vào tối thứ hai (ngày 10/01) trong khuôn viên của trường tại quận 12, TPHCM.
Đại tá Nguyễn Tiến Sơn, chủ nhiệm chính trị Trường Quân sự Quân khu 7, cho biết sự việc diễn ra vào tối 10/1 trong một lớp học quân sự 18-20 người mà học viên là sinh viên của HUFLIT.
Khi đó một sinh viên bị mất tiền và các bạn đổ lỗi cho một nữ sinh, người này cho là bản thân bị nghi ngờ oan nên, xô cửa ra ngoài, la hét, khóc lóc do bị ảnh hưởng tâm lý.
Sau khi nghe thấy, cán bộ đại đội của trường đã đưa sinh viên này xuống phòng làm việc để nắm tình hình. Trong lúc này, một nữ sinh viên tòa nhà đối diện đang gác trường đã tò mò quay clip. Nữ sinh này chia sẻ clip cho hai bạn khác, tuy nhiên không đề cập đến nội dung của clip.
Một nữ sinh được cho là người quay clip cũng đính chính sự việc trong buổi họp báo cho rằng, đoạn clip được quay khi cô đang trực ban đêm, trong clip cô tò mò hỏi "hình như bị hiếp dâm hả?".
Theo T., câu hỏi này chỉ để xác thực và tò mò chứ không phải khẳng định như thế. Sau khi nghe tiếng la hét, cô chứng kiến cảnh nhiều người ngăn một cô gái lại không để nhảy qua lan can tòa nhà đối diện, đoạn clip thứ hai là mọi người khiêng bạn nữ la hét ở tòa nhà đối diện xuống đất.
Sau đó T. được thầy quản lý ở trung tâm cho hay là bạn sinh viên nữ kia bị trầm cảm. Do bị các bạn trong lớp đổ lỗi là ăn cắp tiền, nữ sinh mới la hét, chạy ra lan can có ý định nhảy lầu, may mắn được các thầy và các bạn nữ cùng tòa nhà ngăn lại.
Sau khi được ngăn lại, nữ sinh vẫn còn kích động và la hét nên các thầy khiêng bạn xuống đất nhằm trấn an và tránh sự nguy hiểm khi ở trên tầng cao.
Luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu cũng cho rằng, sự việc có thể không phải như tin đồn vì đã được làm quá lên, nhưng có một điều chắc chắn rằng uy tín của chế độ bị ảnh hưởng không phải vì những tin đồn thất thiệt, hay mấy lượt chia sẻ trên Facebook, mà bằng thái độ đối xử lấp liếm và sự đàn áp.
"Vậy là, thay vì tập trung vào việc xem mình phải nói gì với dư luận, họ lại đi tìm cách quản lý xem dư luận nói gì về họ," ông Hậu khẳng định.
VOGE kêu gọi điều tra minh bạch
Tổ chức Thúc đẩy Bình đẳng giới Việt Nam (Vietnam Organization for Gender Equality– VOGE), một tổ chức hoàn toàn do thanh niên trong nước lập ra hướng tới xã hội bình đẳng giới, có bài viết kêu gọi "lắng nghe và đảm bảo an toàn cho sinh viên".
Bài viết trên Facebook với hashtag Ngưng Tẩy Trắng, bày tỏ mong muốn Trường Quân sự Quân khu 7, HUFLIT, và nhà chức trách bảo đảm hai sinh viên trực tiếp liên quan đến cáo buộc hiếp dâm tập thể có thể trở về gia đình họ một cách an toàn và vô điều kiện cũng như tiếp cận những dịch vụ công cần thiết.
Ngoài ra, cũng phải bảo đảm tất cả sinh viên của HUFLIT được sớm trở về nhà với gia đình; mở cuộc điều tra chính thức và có hệ thống để làm rõ những lời cáo buộc cũng như minh bạch về quá trình và kết quả điều tra với công chúng, tránh các trường hợp dùng quyền lực để bao che, dẫn dắt, “đánh lừa" và trấn áp dư luận; có biện pháp xử lý phù hợp và công tâm để đảm bảo công lý với người bị hại, gia đình và người thân của người bị hại nếu có.
VOGE cho biết dựa trên kinh nghiệm hoạt động của mình thì tình trạng quấy rối tình dục trong các đợt tập huấn quân sự cho sinh viên đại học đã tồn tại từ rất lâu, không còn là hiện tượng xa lạ hay mới mi, thủ phạm trong nhiều trường hợp là giảng viên và cán bộ của chương trình tập huấn quân sự.
Theo tổ chức phi chính phủ của Việt Nam, khi trường quân sự, hay trường đại học, đồng ý “tiếp nhận và xử lý” các vụ việc quấy rối và xâm hại tình dục, cách xử lý thường rất máy móc và hình thức: luân chuyển cán bộ liên quan đến một cơ quan khác, đình chỉ/ kỉ luật tạm thời để xoa dịu tình hình - điều này không chỉ thuận tiện cho việc ém sự việc, mà còn thuận tiện cho con đường thăng tiến của cán bộ mà đáng lẽ cần phải chịu trách nhiệm cho hành vi của bản thân.
VOGE cho rằng, sinh viên không cô đơn trên hành trình này, các bạn luôn có thể tìm kiếm các sự hỗ trợ chuyên nghiệp từ các tổ chức chuyên về bạo lực giới và bạo lực tình dục, và cộng đồng lớn sẽ lên tiếng, đồng hành cùng các bạn.
"Điều quan trọng nhất, đó là không im lặng, không cúi đầu trước quyền lực, và không vì sợ hãi mà che giấu sự thật, dung dưỡng cho bạo lực," bài đăng của tổ chức thúc đẩy bình đẳng giới khẳng định.
Nguồn: RFA
© 2024 | Thời báo ĐỨC