Quan sát chính trường Việt thời gian gần đây, nếu muốn thì không thiếu chuyện nóng để bàn, không thiếu vấn đề cần thảo luận. Nhưng nếu bạn kiêu ngạo không thèm phí thêm lời nào trước đủ loại sự kiện, thì cũng chẳng ai có quyền trách bạn vô cảm.
Cứ đụng chỗ nào là tóe loe ra đủ loại tiêu cực chỗ đó. Nghe tưởng mới, nhưng đó đã là suy nghĩ bình thường của người dân từ lâu lắm rồi.
Riêng trường hợp Vương Đình Huệ mất chức thì rõ ràng có nhiều điều khá đặc biệt, khác hẳn những gì đã xảy ra.
Với tôi, không thể không quan tâm.
Chuyến thăm của ông Huệ sang Trung Quốc, chắc chắn mình ông không quyết được. Ngay cả ông nói gì, thỏa thuận gì...cũng không thể tự ý, tự quyền. Việc Tập Cận Bình tiếp ông, nói những tâm sự như "rút ruột", dù nó giống với giáo huấn đàn em nhiều hơn, chắc chắn là một khoản đầu tư quan hệ có tính toán của Thiên triều.
Một buổi sáng Sài Gòn, tôi nằm trên giường nghe VTV1 nói đúng kiểu giọng VTV1, tức là ấn vào tai người nghe những quan điểm không chấp nhận bàn cãi, về thành công vang dội của chuyến thăm, đưa hình ảnh ông Huệ và đoàn tùy tùng ai nấy đều hân hoan, kiêu hãnh, mãn nguyện thì thầm nghĩ:
Chắc Giáo sư Trọng có nhã ý để người kế cận làm quen dần với ông Tập Cận Bình, nhân vật luôn được đặt ở vị trí cao hơn Tổng thống Mỹ chút ít (dù có thể chỉ là trò ngoại giao) như truyền thống của đảng ông từ xưa đến nay.
Nhưng đến buổi chiều Sài Gòn, tức chỉ sau vài tiếng, tôi được cho biết trợ lý thân cận 20 năm liền của ông Huệ bị câu lưu khi vừa bước xuống máy bay, ngay trước mắt ông Huệ.
Mọi suy đoán lung lay tận gốc.
Nhưng rõ ràng là có chuyện gì đó rất ghê gớm, chưa từng có đã xảy ra ở xứ này? Ông Huệ có thể chưa đến mức phải kiêng nể, nhưng còn ông Tập, còn những thỏa thuận giữa phái đoàn của ông Huệ với Quốc vụ viện Trung Quốc, cũng mặc nhiên thiết lập mối quan hệ gắn với cá nhân ông?
Ai cũng biết đám lãnh đạo Tầu toàn cáo già về thủ đoạn.
Họ luôn có đủ cách tinh vi để lừa đối tác. Hớ hênh là mắc bẫy họ ngay. Liệu ông Huệ có dại dột, vô tình tự ý bán/ đổi chác gì không? Lịch sử của dân tộc này cho thấy, mọi tội lỗi đều có thể bị lãng quên, được tha thứ, trừ tội bán nước (tôi chỉ nhắc lại chính điều mình viết đã lâu).
Tuy không tin vào điều đó nhưng thật tình tôi rất muốn biết ông Tập và ông Huệ đã nói với nhau về chuyện gì? Ông Huệ có cài cắm lợi ích cá nhân dựa vào uy quyền đầy sức mạnh thao túng của ông Tập không? Cứ nhìn vẻ mặt ông Huệ thì thấy ông tự tin về vai trò, vị trí của mình, cả trong hiện tại lẫn tương lai.
Nếu có chuyện "đầu tư" quan hệ như tôi phỏng đoán từ phía Tầu, thì việc vừa xảy ra ở Hà Nội cho thấy ông Tập Cận Bình không hề hay biết tí gì về tương lai của ông Huệ.
Hoặc nói thẳng ra tình báo Hoa Nam cũng xoàng thôi.
Cá cược vào tương lai chính trị của một nhân vật lãnh đạo nước láng giềng mất chức sau đó chỉ một tuần, không thể coi là chuyện bình thường của giới chóp bu Trung Nam Hải. Ở đây thực ra tôi đã cố tránh dùng từ "bẽ bàng".
Nhưng ở khía cạnh khác cho thấy Hà Nội cũng bắt đầu rất gớm mặt, tự chủ một cách mạnh mẽ và quyết đoán?
Thế rồi trưa Hà Nội, lại vẫn VTV1 đưa tin vẫn với tinh thần "duy nhất đáng tin" có chiếu hình "lãnh đạo đảng và nhà nước" vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó ông Huệ và ông Chính đứng hàng đầu. Ông Huệ ăn mặc có phom và bớt mộc mạc hơn ông Chính, vì thế ông thành nổi bật nhất trong đám.
Nhiều người lập tức nghĩ tin ông bị mất chức chỉ là tin đồn bậy!
Nhưng cũng chỉ vài giờ sau thì ông mất chức thật.
Cả gần nghìn tờ báo, cơ quan truyền thông trước đó ca ngợi ông Huệ như một hy vọng của tương lai, đồng loạt réo tên ông theo kiểu réo tên một kẻ tội phạm!
Điều đó cho thấy một điều gì đó chưa từng có đang là hiện thực chính trị, hiện thực quyền lực ở đất nước này. Nó có là tín hiệu của hy vọng hay không, chắc chắn còn phải chờ. Với cá nhân tôi, thật đáng bỏ công để quan sát.
Có rất nhiều cảm xúc trái ngược với riêng vụ ông Huệ mất chức.
Nó vừa nhen nhóm hy vọng, vừa hoang mang chả hiểu chính trường đang diễn ra chuyện gì và sau đó là lo lắng.
Bởi cho dù bản chất câu chuyện là gì, dù chúng ta có quan tâm hay không, thì nó không thể không tác động đến xã hội, đến chuyện làm ăn, kiếm sống của mỗi người và xa hơn, đến tương lai đất nước.
Buồn và tổn thương nhất khi mọi chuyện có vẻ vẫn bắt đầu từ lòng tham vô bờ bến. Chả lẽ tiền bạc không có đối thủ đánh bại nó, hoặc ít nhất cũng khiến nó húc đầu vào bức tường đá được xây bằng đạo đức, liêm sỉ và danh dự không thể công phá!
Những tấm lòng lớn với xã tắc có những ai, có không và đang ở đâu?
Nhà văn Tạ Duy Anh
© 2024 | Thời báo ĐỨC