Những ngã rẽ cuộc đời
Thời còn đi học, chúng ta được đi trên những con đường quốc lộ đã được vạch sẵn một cách khá rõ ràng và giống nhau, nên gần như chỉ cần đi thẳng. Cuộc sống khi ấy gần như chỉ xoay quanh việc học và định nghĩa về thành công cũng rất đơn giản: học giỏi.
Thế nhưng càng lớn lên, chúng ta càng cảm thấy tương lai phía trước thật mù mịt và khó đoán. Ta đứng trước quá nhiều ngã rẽ cuộc đời và buộc phải lựa chọn. Mà bạn biết đấy, càng có nhiều sự lựa chọn, bạn càng cảm thấy băn khoăn về quyết định của mình.
Bạn bị rối không phải vì không có, mà vì có quá nhiều đường để đi. Trong khi đó, trên vai bạn còn mang theo một balo hành lý nặng nề là kỳ vọng quá lớn từ gia đình, sự đánh giá của bạn bè và nhan nhản những tấm gương tỷ phú thành đạt chia sẻ về con đường của mình. Bạn cũng tự đặt ra cho mình một áp lực rất lớn, làm sao chọn được một con đường để đi đến thành công, thậm chí đó phải là con đường ngắn nhất.
Tôi nhớ trong câu chuyện “Alice lạc vào xứ sở thần tiên” có đoạn Alice hỏi đường chú mèo Cheshire. Vì cô bé không biết mình muốn đến đâu nên chú mèo đã trả lời:“Đi đường nào thì cũng như nhau thôi”. Chúng ta cũng vậy, khi không biết định nghĩa “thành công” trong mình là gì, rồi ta sẽ chẳng biết sẽ đi theo còn đường nào, lòng muốn thành công nhưng lại mất phương hướng giữa quá nhiều ngã rẽ khác nhau.
Thành công không có định nghĩa, chỉ đơn giản là lựa chọn
“Một người lái chiếc xe Mercedes-Benz giá 4 tỷ, nhưng họ có thể vay ngân hàng tới 20 tỷ, cuộc sống của họ thực sự đang rất khốn đốn.
Một người đi chiếc xe Volkswagen 500 triệu, nhưng họ có thể đang nợ ngân hàng tới 2 tỷ đồng, cũng đang ở trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng.
Một người đi chiếc xe đạp điện chỉ 6 triệu, nhưng họ vẫn có 60 triệu gửi ngân hàng. Anh ta sống một cuộc sống an nhàn.
Lúc 3 người gặp nhau ở trên đường, người đi xe đạp điện ngưỡng mộ người lái xe Volkswagen, người lái xe Volkswagen ngưỡng mộ người lái xe Mercedes-Benz, người lái xe Mercedes-Benz lại mong muốn có được cuộc sống yên ổn như người đi xe đạp điện”.
Vậy đấy, những gì chúng ta nhìn thấy đều không phải là toàn bộ của bức tranh. Bạn nhìn thấy một doanh nhân bước xuống từ chiếc xe hơi bóng loáng, mặc bộ vest sang trọng, tay cầm Iphone X nghe nói liên hồi rồi tự tin sải bước vào tòa nhà cao ốc. “Wow, thật thành công và đáng ngưỡng mộ” – bạn thầm nghĩ. Nhưng bạn có biết không, rất có thể anh ta đang chết ngạt với hàng đống công việc đến mức chẳng có thời gian cho vợ con. Chẳng lẽ định nghĩa thành công là làm việc cho đến chết?
Chúng ta đang sống trong một xã hội mà dường như thành công của ai đó đều phụ thuộc vào vật chất. Chẳng biết từ khi nào người ta mặc định thành công là có một công việc tốt, địa vị xã hội cao hoặc được nhiều người biết đến. Nhưng mà, bạn có thấy, thành công sẽ thật sáo rỗng nếu chỉ là những thứ ấy?
Chúng ta vẫn hàng ngày tung hô những gương mặt tỷ phú sở hữu những thương hiệu khổng lồ nhưng lại quên rằng ai cũng có thể thành công, dù là một tỷ phú hay một bác thợ tỉ mẩn sửa đồng hồ bên vệ đường. Bởi thành công có thể là những điều lớn lao, nhưng cũng có thể là những mục tiêu giản dị, nhỏ bé, và thậm chí, không hẳn cần nhiều nỗ lực để chinh phục. Đó là thứ thật tâm ta cảm nhận, chứ không phải điều ta trưng ra để chung quanh trầm trồ.
Một kẻ lãng mạn sẽ cảm thấy thành công khi tìm thấy tình yêu của đời mình. Một diễn viên tài sắc vẹn toàn gác lại sự nghiệp đang ở thời kỳ đỉnh cao để chăm lo cho gia đình, cô rất mãn nguyện với ngôi nhà đầm ấm bên chồng và những đứa trẻ. Hay cũng có những người, giống như anh chàng Gilbert Grapes trong bộ phim What’s Eating Gilbert Grapes, thành công chỉ là “trở thành một người tốt”.
Theo Hiểu Minh /
© 2024 | Thời báo ĐỨC