Cách đây không lâu, Trí Thức VN có bài viết “Thế nào là thông minh kiểu Việt Nam và Trung Quốc”. Bài viết đã nhanh chóng được chia sẻ rộng rãi và nhận được sự đồng tình của bạn đọc. Hầu hết đều cảm thán trước hiện thực đáng buồn này, đồng thời cũng phải suy ngẫm xem đâu mới là thông minh thực sự.
Tôi cũng có một trải nghiệm tương tự. Tôi có một người bạn lâu năm không gặp mới từ Mỹ trở về, nhân lúc hai người nhàn rỗi nói chuyện phiếm, người bạn đó mới kể lại những gì mà anh ấy thấy ở Mỹ.
Nước Mỹ có một số hệ thống siêu thị phát hành thẻ hội viên theo kỳ hạn (như Walmart, Sam’s Club…), quy định rõ là lần đầu tiên sẽ cho phép dùng thẻ miễn phí, sau đó nếu tiếp tục sử dụng sẽ phải trả phí thường niên. Hầu hết người Mỹ đều không ngần ngại trả tiền để tiếp tục dùng thẻ. Nhưng người bạn kia lại phát hiện ra một “biện pháp thông minh”: Trước tiên là hủy cái thẻ này đi, sau đó lần tiếp theo đi mua hàng lại đăng ký mở một cái thẻ mới, như vậy sẽ lại được miễn phí sử dụng.
Nhân viên siêu thị khi đối mặt với “trí tuệ” siêu việt của người bạn này, quả thực là ngây người không nói được lời nào. Cuối cùng không biết làm cách nào khác, họ đành tự lấy tiền túi của mình để đóng lệ phí gia hạn thẻ cho anh ấy.
Kể xong câu chuyện, anh bạn tôi khoái trá vỗ đùi và cười không dứt: “Anh nói xem, người Mỹ có phải là quá ngốc không!”
Một người bạn khác của tôi khi đi du lịch Úc về, cũng hào hứng kể lại một phát hiện “trí tuệ hơn người”. Cảnh sát Úc rất tận tụy với trách nhiệm, lợi dụng điểm này, một số du khách đã truyền nhau thủ thuật: Chỉ cần chỉ vào bản đồ hỏi đường, sau đó làm bộ bối rối không hiểu tiếng Anh, cảnh sát nhất định sẽ dùng xe của họ để đưa bạn đến nơi cần đến. Thủ thuật này thậm chí còn được chép lại truyền cho nhau như một cẩm nang du lịch.
Những người “khôn vặt” kiểu này thường coi bản thân là trung tâm mà nhìn nhận vấn đề, tự cho biểu hiện thông minh lanh lợi của mình là “có bản sự”. Họ rất giỏi ngụy trang, luôn tập trung vào lợi ích trước mắt, làm việc không có nguyên tắc, đi đến bất cứ đâu cũng chỉ chăm chăm chiếm tiện nghi cho bản thân. Điều đáng nói là “thông minh” kiểu này có khả năng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ, nghiêm trọng nhất là có thể hủy đi cả đời của trẻ.
Trên chuyến xe buýt nọ tôi thấy một bà mẹ đứng đôi co với cô bán vé về chiều cao của con trai mình. Người bán vé nói đứa trẻ này cao trên 1,3 mét rồi nên phải mua vé. Còn bà mẹ kia thì nhất quyết cho rằng đứa trẻ này mới 6 tuổi, theo quy định thì không phải mua vé.
Tuy nhiên vì không đem theo giấy tờ chứng minh tuổi của đứa trẻ, nên người bán vé chỉ có thể dựa vào chiều cao mà tính. Cuối cùng, bà mẹ cũng phải móc túi trả tiền vé xe cho đứa con trai trên 1,3 mét của mình. Sau khi ngồi yên vị trên xe, người mẹ bắt đầu mắng mỏ đứa trẻ: “Đã nói với con bao nhiêu lần rồi, lúc đi mua vé thì phải khom lưng xuống, cứ đứng thẳng người như thế, thật là tốn tiền quá, sao mà ngốc quá vậy…”
Đứa trẻ không biết trả lời sao, nhìn bộ dạng thực đáng thương. Có lẽ bình thường mọi người vẫn khen nó thật cao, vậy mà không hiểu sao chiều cao hơn người cũng khiến nó “mắc lỗi”.
Trên thực tế lỗi không phải ở đứa trẻ, lỗi chính là ở cái tâm muốn chiếm tiện nghi của người mẹ. Người mẹ trên biểu hiện chính là muốn tiết kiệm tiền vé, nhưng nếu lâu dần tích lũy lại, sẽ khiến đứa trẻ tự động học theo những tiểu xảo vặt vãnh, không có khái niệm tuân thủ quy định nữa. Khi đó trước mặt những người đi xe buýt, người mẹ không chỉ làm tổn tại nghiêm trọng đến tự tôn của đứa trẻ, mà còn có thể tạo nên một đứa trẻ lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chiếm tiện nghi về phần mình.
Kiểu “khôn vặt” này có thể dần dần hình thành ở trẻ, ví dụ để được bố mua cho nhiều kem ăn hơn, trẻ có thể nói dối rằng khi ở nhà mẹ thường cho ăn 2 que kem; khi không muốn đi học thì “giả vờ ốm”. Tựu chung lại thì trẻ có thể sẽ nghĩ ra đủ cách để đạt được mục đích của mình.
Những đứa trẻ “khôn vặt” này nếu như không được chỉ bảo đúng mực, rất dễ hình thành cái gọi là “thông minh kiểu Việt Nam và Trung Quốc”, từ nhỏ đã sớm bị ảnh hưởng và sau cùng thì rất khó có thể thay đổi.
Đôi khi người ta cũng sẽ phải trả giá cho sự “thông minh” của mình, bởi cho dù là phương diện nào thì những thứ tốt nhất cũng sẽ không cho dùng thử hay dùng nhờ mãi được. Chẳng hạn một công ty nọ có chương trình tặng quà cho khách hàng và dư ra hai thùng coca. Một nhân viên thấy vậy không mang trả lại công ty mà mang thẳng về nhà để dùng.
Có lẽ trong suy nghĩ của cô ấy thì hai thùng coca này chẳng đáng là bao, nhưng cấp trên lại không nghĩ vậy. Những gì rẻ nhất tốt nhất bạn đều chiếm lấy, không biết cân nhắc cho người khác, vậy rốt cuộc họ sẽ đánh giá bạn là người như thế nào đây?
Người thường vẫn hay nói, người thông minh nhất không phải là người sắc sảo đầy thủ đoạn mưu mô, mà lại chính là những người lương thiện.
Mẹ Bông
Theo Trí Thức Việt
© 2024 | Thời báo ĐỨC